Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập có thể làm việc tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp với các vị trí việc làm đa dạng như: Biên/Phiên dịch viên; thư ký, trợ lý đối ngoại; trợ lý kinh doanh; hướng dẫn viên du lịch hoặc nghiên cứu, giảng dạy tiếng Ả Rập;...
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập như hiện nay, thông thạo ngoại ngữ là một kỹ năng được đánh giá cao khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp, đặc biệt là khi ứng viên sở hữu một ngoại ngữ “hiếm” như tiếng Ả Rập. Tuy nhiên theo đại diện một số doanh nghiệp, để đáp ứng tốt yêu cầu công việc nếu chỉ giỏi ngoại ngữ là chưa đủ mà cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng mềm.
Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập cơ hội việc làm rộng mở, mức thu nhập hấp dẫn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Lê Thảo Trâm - Giám đốc, nhà sáng lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất Thương mại và Xuất nhập khẩu Bitra (cơ sở sản xuất võng, ghế xếp và vật dụng cắm trại có hợp tác phân phối sản phẩm với thị trường Ả Rập) cho biết: “Hiện tại, công ty đang tập trung thêm vào thị trường Ả Rập với các sản phẩm như ghế xếp, vật dụng cắm trại.
Nhân sự sử dụng tiếng Ả Rập đã được chúng tôi tuyển dụng và giao phó mảng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Các vị trí phù hợp với sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập ở công ty bao gồm phiên dịch, dịch vụ khách hàng, và một số công việc liên quan đến xuất nhập khẩu. Mức lương của các bạn dao động từ 1000 - 1500 USD (khoảng hơn 25 - hơn 38 triệu đồng)/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định để các bạn có thể gắn bó lâu dài với công việc”.
Trong khi đó, chị Triệu Thị Xuân Quỳnh - Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch và Dịch vụ Việt Nam Habibati cho biết: “Khách hàng mà chúng tôi hướng đến chính là các du khách đến từ Ả Rập vì thế các bạn sử dụng được ngoại ngữ này sẽ có lợi thế lớn khi vào làm việc tại công ty, không cần cạnh tranh quá nhiều.
Phần lớn các nhân sự làm việc tại công ty đều là các bạn cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập, bản thân tôi cũng vậy. Các nhân sự hầu hết đều tốt nghiệp từ Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Các bạn đã có khoảng thời gian học tập và trải nghiệm qua những kỳ học tại chính các quốc gia Trung Đông nên đã am hiểu nhất định về văn hóa và con người Ả Rập”.
Kỹ năng nghề nghiệp nên được bổ trợ song hành với tiếng Ả Rập
Cơ hội mở ra luôn đi kèm với những thách thức, với sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập để tạo ra được lợi thế và trụ vững ở thị trường lao động thì việc trau dồi kỹ năng nghề nghiệp là vô cùng cần thiết. Việc chỉ thành thạo về ngôn ngữ là chưa đủ để các bạn sinh viên ra trường có thể gắn bó lâu dài với công việc.
“Ngành Ngôn ngữ Ả Rập có rất nhiều cơ hội khi các bạn biết nắm bắt. Hiện nay, thị trường Ả Rập rộng mở nhưng chưa có nhiều người Việt “khai phá”. Vì thế mục tiêu quan trọng nhất của sinh viên sau khi tốt nghiệp là phải học vững kiến thức cơ bản, chăm chỉ và có tinh thần trách nhiệm với ngành học. Khi làm việc tại doanh nghiệp, ứng viên có khả năng ngoại ngữ tốt nên dành thêm thời gian rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp để cùng song hành, bổ trợ lẫn nhau.
Các bạn không nên bỏ qua những cơ hội rèn luyện kỹ năng như giao tiếp, giải quyết tình huống, phát triển bản thân,... Đây là những kỹ năng cơ bản để các bạn có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Đồng thời, sinh viên đã ra trường hay đang đi học cũng phải tìm kiếm trải nghiệm, tiếp xúc nhiều với các thương nhân, công ty, tập đoàn để hiểu về văn hóa, phong cách làm việc của các quốc gia Trung Đông. Những trải nghiệm thực tế sẽ giúp các bạn nhận ra mục tiêu nghề nghiệp, tìm được ngành nghề phù hợp và phát huy toàn bộ năng lực của bản thân”, Giám đốc, nhà sáng lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất Thương mại và Xuất nhập khẩu Bitra nhấn mạnh.
Đánh giá về chất lượng của sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập trong thị trường việc làm hiện nay, chị Trâm nhận định: có những bạn đã có thể hòa nhập và đáp ứng yêu cầu công việc nhưng bên cạnh đó cũng có nhân sự chưa thực sự đáp ứng tốt do thiếu kỹ năng mềm. Các bạn sinh viên đa phần nghĩ rằng việc thành thạo ngoại ngữ đã đủ để đáp ứng yêu cầu công việc nhưng thực tế không đúng như vậy. Nếu các bạn có ngoại ngữ nhưng các kỹ năng cần thiết ở công việc lại chưa đáp ứng tốt sẽ là một bất lợi vì ngoại ngữ khi ấy mới chỉ là một công cụ phục vụ cho công việc.
“Ví dụ khi làm ở vị trí một nhân viên bán hàng, bạn có tiếng Ả Rập tốt nhưng thiếu kỹ năng giao tiếp, khả năng sử dụng tin học văn phòng còn hạn chế thì việc giỏi ngôn ngữ lúc này cũng chưa giúp bạn hoàn thành tốt công việc. Việc bổ túc kiến thức về chuyên môn công việc là điều mà các nhân viên khi vào làm tại các doanh nghiệp cần phải tự trau dồi. Doanh nghiệp thường sẽ chỉ đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ chung, còn sự phát triển đến đâu là từ cá nhân mỗi người”, chị Trâm nhận định.
Chị Dương Thị Thơm - phụ trách nhân sự Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trầm hương Hoàng Giang - đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm về trầm hương cho thị trường Ả Rập nhận định, phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập ra trường đều cần được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ ít nhất 3 tháng để sẵn sàng cho công việc:
“Công ty chúng tôi hiện có hơn 200 nhân sự trong đó có 4 nhân sự phụ trách mảng ngôn ngữ Ả Rập. Công ty hiện hợp tác với 6 quốc gia Trung Đông, với số lượng nhân sự hiện tại các bạn có thể đảm nhiệm các vị trí cốt cán ở mảng thị trường đặc biệt này.
Khi mới được tuyển dụng, hầu hết các nhân sự chỉ mới thạo tiếng, còn thiếu nhiều kỹ năng mềm. Các bạn sẽ trải qua quá trình đào tạo nghề từ những điều cơ bản nhất, trong đó có hai kỹ năng quan trọng là đàm phán và thuyết phục khách hàng.
Đặc thù về cách thức giao tiếp của người Ả Rập là họ khá chú trọng đến những biểu hiện thái độ bên ngoài. Việc thương lượng công việc cũng cần sự kiên nhẫn cao, yêu cầu phải thường xuyên liên hệ, trao đổi, đề nghị sẵn sàng trao đổi với đối tác. Sau quá trình đào tạo các bạn sẽ được thực tập từ 3-6 tháng để bắt nhịp với công việc.
Tôi thấy rằng các bạn đều đáp ứng tốt yêu cầu công việc sau khi được đào tạo thêm các kỹ năng mềm. Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Ả Rập không quá đông, công ty chúng tôi cũng tập trung phân bổ các mảng công việc cho các nhân sự một cách hợp lý nhất. Quy trình đào tạo được triển khai kỹ lưỡng để kịp thời bổ sung những kỹ năng còn thiếu của các bạn sinh viên mới ra trường. Nếu các bạn chỉ có ngôn ngữ tốt mà không có kỹ năng nghiệp vụ đủ thì cũng khó để đáp ứng công việc”, chị Thơm thông tin.
Là cựu sinh viên K14, chuyên ngành Ả Rập học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chị Lê Ni Thảo chia sẻ những kinh nghiệm làm việc của bản thân sau khi ra trường: “Với cá nhân tôi, thị trường việc làm dành cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập hay chuyên ngành Ả Rập học sau tốt nghiệp là vô cùng lớn, quan trọng là các bạn nắm bắt cơ hội như thế nào. Hiện tại, tiếng Ả Rập vẫn còn chưa phổ biến nên tỉ lệ cạnh tranh không khắc nghiệt, các bạn ra trường luôn có sẵn những cơ hội việc làm.
Tuy nhiên, khi đã có ngoại ngữ ổn các bạn vẫn cần nâng cao những kỹ năng nghề nghiệp thực tế để có thể phát triển trong nhiều vai trò hơn. Cùng là nhân sự biết tiếng Ả Rập nhưng nếu kỹ năng giao tiếp hay kỹ năng tin học của bạn tốt hơn thì thu nhập cũng sẽ cao hơn.
Những sản phẩm được Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường Ả Rập có thể kể đến như: cà phê, giày dép, nông sản, bánh kẹo,... Những doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này rất cần một lượng nhân sự chất lượng để đáp ứng việc chuyên trách thị trường. Nếu tìm kiếm trên thanh tìm kiếm cụm từ International Sale bạn sẽ thấy: Orion, FPT, cà phê Trung Nguyên,... đều tuyển nhân sự biết tiếng Ả Rập - đây đều là các tập đoàn lớn”.
Trong khi đó, chị Lê Thảo Trâm - Giám đốc, nhà sáng lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại và Xuất nhập khẩu Bitra đưa ra lời khuyên dành cho những bạn sinh viên đang theo học ngành Ngôn ngữ Ả Rập và những sinh viên mong muốn làm việc ở môi trường sử dụng ngoại ngữ này: “Các bạn sinh viên ngay từ thời điểm còn ngồi trên ghế nhà trường cần cố gắng đào sâu nghiên cứu về tiếng Ả Rập. Ngoài ra, các bạn cũng cần bổ sung thêm vốn tiếng Anh để đọc hiểu cơ bản sẽ tăng thêm cơ hội được chú ý hơn ở các doanh nghiệp lớn, có liên kết đa quốc gia.
Ngôn ngữ luôn được nhấn mạnh là công cụ để giao tiếp nên nếu chỉ chú trọng riêng vào mỗi ngoại ngữ thì các bạn mới chỉ tạm thời đáp ứng một phần nhỏ yêu cầu trong công việc. Học thêm những kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm để có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mà bạn theo đuổi mới thực sự quan trọng.
Bên cạnh đó, để có cơ hội việc làm tốt các bạn cần rèn luyện khả năng chịu áp lực cao, không ngại vất vả bởi không chỉ tiếng Ả Rập, ngoại ngữ nào cũng cần sự chăm chỉ, nghiêm túc. Và khi học ngoại ngữ bạn cần xác định chúng ta đang học về cả nền văn hóa của chính quốc gia đó”.