Trường ĐH Sư phạm TPHCM: 2 năm học, tăng 5 phó giáo sư, giữ nguyên 3 giáo sư

02/02/2024 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có số giảng viên chức danh phó giáo sư từ 32 lên 37 người (tăng 5 người).

Theo thông tin trên website của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường là một trong hai trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước, đóng vai trò nòng cốt, đầu tàu đối với hệ thống các trường sư phạm và phổ thông ở phía Nam.

Trong 3 năm, giảng viên chức danh phó giáo sư tăng, có 3 giáo sư

Qua báo cáo ba công khai cho thấy, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2021-2022, tổng giảng viên của trường từ 490 lên 512 người (tăng 22 người). Nhưng đến năm học 2022-2023, tổng giảng viên của trường lại giảm từ 512 xuống 499 người ( giảm 13 người).

Số lượng, cơ cấu giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thống kê theo báo cáo ba công khai các năm học gần đây. Bảng: Sao Mai

Số lượng, cơ cấu giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thống kê theo báo cáo ba công khai các năm học gần đây. Bảng: Sao Mai

Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng giảng viên hàng năm trên báo cáo ba công khai được tính theo mốc thời gian báo cáo.

"Số lượng giảng viên tại một thời điểm bất kỳ phụ thuộc vào số giảng viên nghỉ hưu, số tuyển dụng mới, chuyển công tác,… nên sẽ có biến động nhất định theo từng năm. Việc tăng, giảm giảng viên này cho thấy sự biến thiên rất bình thường của dữ liệu thống kê", Thạc sĩ Lê Phan Quốc chia sẻ.

Cũng theo số liệu thống kê, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, số giảng viên chức danh phó giáo sư của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh từ 32 lên 37 người (tăng 5 người).

Số lượng giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Biểu đồ: Sao Mai

Số lượng giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Biểu đồ: Sao Mai

Chia sẻ kinh nghiệm để tăng số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư, thầy Quốc cho biết, mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ có các cách khác nhau để tăng số lượng giảng viên đạt chức danh phó giáo sư, giáo sư.

"Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tự đánh giá vẫn còn khá khiêm tốn trong việc làm tăng số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư dù có tín hiệu phát triển. Quan điểm của trường là tập trung về chất lượng, phát triển bền vững, phát triển từ nội tại, đảm bảo hiệu quả, thích nghi; phát triển để khai thác và sử dụng", Thạc sĩ Phan Lê Quốc chia sẻ.

Cụ thể, theo thầy Quốc, để tăng số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tổng hòa các biện pháp như:

Thứ nhất, truyền thông nội bộ về tầm nhìn và sứ mạng của trường để việc các giảng viên trong trường phấn đấu đạt chức danh phó giáo sư vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi, đáp ứng yêu cầu của một trường sư phạm trọng điểm.

Thứ hai, trường có lộ trình rõ ràng cho các giảng viên sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ để đạt chức danh phó giáo sư: như thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn để giảng viên đạt chức danh (về số giờ giảng dạy, công trình nghiên cứu khoa học, trình độ ngoại ngữ…). Bên cạnh đó, nhà trường còn hỗ trợ thực hiện các đề tài đặt hàng, trọng điểm, khuyến khích các công bố quốc tế bằng nội lực.

Thứ ba, hỗ trợ thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng có các nhà khoa học hàng đầu dẫn dắt để tăng số lượng và chất lượng công trình nghiên cứu của các tiến sĩ.

Thứ tư, tự đánh giá, đánh giá và khuyến khích động viên đa hình thức, các cấp khác nhau để từng giảng viên quyết tâm phấn đấu. Định kỳ gặp gỡ, tọa đàm để chia sẻ và khuyến khích đội ngũ phấn đấu trong nghề nghiệp với lộ trình cụ thể, khoa học…

Không có xu hướng tăng như số lượng giảng viên có chức danh phó giáo sư, số lượng giảng viên chức danh giáo sư từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023 của trường giữ ổn định là 3 người.

Phóng viên cũng đặt câu hỏi, với số lượng giảng viên chức danh giáo sư chỉ có 3 người liệu có gây khó khăn cho công tác đào tạo sau đại học, cũng như việc mở ngành đào tạo của trường sư phạm, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, bên cạnh các giảng viên chức danh giáo sư, trường còn có đội ngũ giảng viên chức danh phó giáo sư và giảng viên trình độ tiến sĩ đủ điều kiện để duy trì các hoạt động đào tạo sau đại học của trường.

Việc mở ngành mới của nhà trường luôn được tính toán trên đội ngũ năng lực giảng viên hiện có để mở theo đúng quy định. Trong trường hợp, nếu nhà trường muốn mở ngành mới mà chưa có nhân lực đáp ứng, trường sẽ xây dựng lộ trình tuyển dụng trước sao cho bài bản và khoa học.

Điều 5, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện mở ngành đào tạo thạc sĩ: "Có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu... trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên...".

Điều 6, Thông tư 02 quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ: "Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu... trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên...".

"Như đã khẳng định, việc đào tạo của nhà trường được định hướng bài bản theo lộ trình nên không gặp nhiều khó khăn, số lượng giảng viên chức danh giáo sư - là những chuyên gia luôn được trường khai thác và sử dụng một cách hiệu quả.

Riêng việc đào tạo sư phạm, nhà trường định hướng tổng lực của các giảng viên có học vị, học hàm; các giảng viên có kinh nghiệm sư phạm và kinh nghiệm về giáo dục phổ thông cũng như tận dụng và khai thác tối đa thế mạnh của các trường thực hành, trung tâm thực hành giáo dục, viện và các trung tâm khác cũng như trường thực hành, thực tập… nên hoạt động đào tạo không gặp phải khó khăn đáng kể nào", thầy Quốc khẳng định.

Theo báo cáo ba công khai, 3 giảng viên chức danh giáo sư này tập trung ở khối ngành I (ngành Sư phạm Vật lý) và khối ngành VII (ngành Công tác xã hội và ngành Tâm lý học), các khối ngành IV, V, VI không có giảng viên chức danh giáo sư nào.

Thầy Quốc cho biết: "Hiện nay, 2 khối ngành I và VII có các nhóm nghiên cứu mạnh, có bề dày thành tích được bồi đắp qua nhiều năm nên thuận lợi hơn trong công tác phát triển đội ngũ. Còn các ngành khác của trường đang trên lộ trình phát triển đội ngũ giảng viên chức danh giáo sư.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 30 nhà giáo đạt chức danh phó giáo sư, trong đó nhiều nhà giáo chưa đến 40 tuổi. Đây là các giảng viên tiềm năng để đạt chức danh giáo sư trong tương lai. Hơn nữa, việc phát triển cũng phải có thời gian và đảm bảo khách quan cũng là vấn đề cần xem xét".

Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lại không có giảng viên nào thuộc khối ngành VI theo thông tin trong báo cáo ba công khai. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lại không có giảng viên nào thuộc khối ngành VI theo thông tin trong báo cáo ba công khai. Ảnh chụp màn hình

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên trong báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, nhà trường có số liệu quy mô đào tạo trình độ đại học và vừa làm vừa học đối với khối ngành VI là 6.142 sinh viên. Tuy nhiên, ở thống kê số lượng giảng viên cơ hữu trong báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh các năm lại không có giảng viên nào được thống kê ở khối ngành VI.

Chia sẻ về số liệu trên, thầy Quốc khẳng định: "Nhà trường không đào tạo các ngành thuộc khối VI đối với trình độ đại học và vừa làm vừa học. Qua kiểm tra, số liệu về quy mô đào tạo trình độ đại học và vừa làm vừa học ở khối ngành VI có xuất hiện trong báo cáo ba công khai là do nhầm khi thao tác của cán bộ kỹ thuật dẫn đến việc nhập lệch dòng dữ liệu (dữ liệu của khối ngành VII lại nhập vào khối ngành VI). Trường sẽ điều chỉnh và cập nhật lại số liệu đúng vào biểu mẫu ba công khai của nhà trường".

Ngọc Mai