Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 xây dựng "kênh" tư vấn tuyển sinh qua nhóm Zalo

16/04/2024 06:50
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Bên cạnh các hình thức tư vấn tuyển sinh trước đó, năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đẩy mạnh “kênh” tư vấn qua Zalo với nhiều ưu điểm và hiệu quả tích cực.

Bước vào mùa tuyển sinh năm 2024, bên cạnh các hình thức tư vấn tuyển sinh đã được đẩy mạnh từ các năm trước như tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp, tư vấn tại các trường trung học phổ thông, hay các nền tảng tư vấn trực tuyến (Facebook, Website và các số hotline...), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tiếp tục mở rộng “kênh” tư vấn, cung cấp thông tin, tương tác trực tuyến thông qua các nhóm Zalo.

Đa dạng hình thức tư vấn tuyển sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hòa - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sản xuất học liệu (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) đã chia sẻ về “kênh” tư vấn tuyển sinh mới của Nhà trường.

z5350033418877_36dd7f708b31981b4176a7b7e56d69bd.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hòa - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sản xuất học liệu (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2). Ảnh: NVCC.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hòa, Nhà trường đã chủ động đổi mới linh hoạt cách thức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, qua đó chú trọng truyền tải nội dung trọng tâm, ứng dụng công nghệ mới, trực tuyến một cách đa diện, nhiều chiều, tạo tối đa cơ hội cho các thí sinh, phụ huynh và cộng đồng quan tâm, tìm hiểu.

Cụ thể, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sản xuất học liệu cho biết: “Những năm trước, Ban Truyền thông Tư vấn tuyển sinh của nhà trường thường phân công tư vấn theo 2 mảng: qua mạng xã hội Facebook và qua các số hotline.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, Nhà trường nhận thấy một số vấn đề, nhất là đối với các số hotline, tỉ lệ thí sinh gọi điện có thể gặp tình trạng bị nghẽn mạng, máy bận là rất cao, hoặc gặp người nhận tư vấn không đúng chuyên môn ngành học mà thí sinh đang quan tâm...

Chính vì vậy, năm nay, Nhà trường lựa chọn bổ sung thêm đối với 15 đơn vị đào tạo, mỗi đơn vị sẽ có từ 2-4 số hotline tư vấn tuyển sinh, thí sinh quan tâm đến ngành học nào, có thể liên hệ trực tiếp theo số hotline của khoa đó. Như vậy, sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho thí sinh khi được trực tiếp các thầy/cô của khoa tư vấn chuyên sâu về ngành nghề”.

“Bên cạnh đó, hằng năm, Nhà trường cập nhật thông tin tuyển sinh trên fanpage Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (fanpage đã được đăng ký “tích xanh” và hiện có hơn 100.000 người theo dõi). Song, lại có một vấn đề là thông tin được đăng tải lên trang này không chỉ có thông tin về tuyển sinh, mà sẽ bao gồm tin/bài về cả các hoạt động khác, nên thông tin rất dễ bị “loãng”, bị “trôi”.

Vì vậy, năm nay, Nhà trường bên cạnh việc tạo lập Chuyên trang tuyển sinh trên Cổng thông tin điện tử, còn triển khai xây dựng và vận hành fanpage Thông tin tuyển sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 để thường xuyên đăng tải các thông tin tuyển sinh hằng năm, đồng thời đẩy mạnh hình thức tư vấn tuyển sinh thông qua các nhóm Zalo theo từng ngành học. Mỗi đơn vị đào tạo sẽ có nhóm Zalo tương ứng, thí sinh quan tâm đến ngành học nào, sẽ chủ động quét mã QR tham gia nhóm đó, mặt khác thí sinh có thể tham gia vào nhiều nhóm Zalo của các ngành khác nhau phù hợp với từng nguyện vọng xét tuyển của bản thân. Như vậy, thí sinh sẽ được chính các thầy cô của khoa đó tư vấn, giải đáp những thắc mắc một cách kịp thời, chính xác. “Kênh” tư vấn này phần nào khắc phục được những bất cập xảy ra đối với các “kênh” khác” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hòa thông tin thêm.

Tính đến thời điểm hiện tại, các nhóm Zalo của mỗi khoa/viện/trung tâm đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã có hàng trăm phụ huynh và thí sinh tham gia sinh hoạt, trao đổi.

“Có thể thấy rằng, thí sinh và phụ huynh tiếp cận với thông tin tuyển sinh qua các nhóm Zalo tư vấn là rất nhanh và cập nhật. Bản thân thí sinh sẽ được tương tác nhiều hơn với các giảng viên, được chính các thầy cô trong khoa tư vấn tận tình và đúng chuyên môn nhất, nhờ đó, các em sẽ hiểu rõ hơn về ngành học mình đặt nguyện vọng.

Không chỉ có vậy, thông qua các nhóm Zalo tư vấn, các đơn vị đào tạo sẽ thuận tiện hơn trong việc thống kê số lượng thí sinh quan tâm đến từng ngành học. Đến hết tháng 6/2024, khi yêu cầu các đơn vị đào tạo thống kê, Nhà trường sẽ có cái nhìn tổng thể của giai đoạn 1 - hiện tại, ngành nào đang được thí sinh quan tâm nhiều, ngành nào đang chưa có nhiều thí sinh tiếp cận, để có kế hoạch tiếp tục đầu tư trọng điểm, đẩy mạnh truyền thông cho những ngành khó tuyển sinh, ít thí sinh quan tâm” - vị Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sản xuất học liệu đánh giá.

GDVN_Anh 2.jpg
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Mộc Trà.

Thông qua hình thức tư vấn tuyển sinh mới, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hòa kỳ vọng, sẽ giúp các thí sinh quan tâm đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có thể dễ dàng tiếp cận hơn đối với các luồng thông tin mà Nhà trường cung cấp.

“Đồng thời, với sự “phủ sóng” và thuận tiện của hình thức này, Nhà trường kỳ vọng có thể tăng hiệu quả tư vấn tuyển sinh: tăng số lượng thí sinh quan tâm cũng như tăng lượng hồ sơ đăng ký vào Trường trong kỳ tuyển sinh năm nay” - vị này cho biết.

Không chỉ thầy cô, sinh viên cũng chia sẻ kinh nghiệm cho thí sinh

Tiến sĩ Lê Chí Toàn - Phó Trưởng khoa, Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cũng chia sẻ: “Đối với hình thức tư vấn qua nhóm Zalo, thực sự phải đánh giá cao tính cập nhật và khả năng tư vấn cho nhiều người cùng một thời điểm. Bên cạnh 3 số hotline, “kênh” tư vấn này cũng góp phần tích cực trong việc giải đáp những thắc mắc của thí sinh.

Hiện nay, hầu như thí sinh nào cũng có điện thoại thông minh, nên việc tiếp cận với thông tin qua một nhóm Zalo sẽ rất thuận tiện và nhanh chóng. Chưa hết, mỗi thí sinh cũng có thể tham gia vào nhiều nhóm khác nhau, vì có thể mỗi bạn lại quan tâm và đặt nhiều nguyện vọng khác nhau.

Mặt khác, đối với Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, chúng tôi đã thông báo đến các em sinh viên trong trường, để em nào có thời gian có thể cùng tham gia nhóm và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cho các thí sinh. Một mặt, ngôn ngữ của các bạn trẻ thường gần gũi và dễ nắm bắt với nhau hơn, đôi khi thầy cô giải đáp, thí sinh có thể chưa hiểu ngay, nhưng nếu là các anh chị sinh viên khóa trước chia sẻ, sẽ “khớp” nhau ngay. Mặt khác, khi sinh viên trong trường chia sẻ những kinh nghiệm của mình, các thí sinh sẽ dễ dàng hình dung điều kiện thực tế đối với ngành học mình theo đuổi”.

z5350040796993_4ed3683cd8539577209df661852075b7.jpg
Tiến sĩ Lê Chí Toàn - Phó Trưởng khoa, Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2). Ảnh: NVCC.

Theo vị Phó Trưởng khoa, Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp hiện có 3 nhóm tư vấn tuyển sinh, ứng với 3 ngành đào tạo.

“Đối với ngành Sư phạm Sinh học, hiện tại đã có khoảng 50 thí sinh tham gia nhóm chat. Ngành Công nghệ sinh học cũng đang có khoảng 40 thành viên tham gia.

Còn đối với ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên - ngành mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo từ năm nay, hiện cũng đã có khoảng 80 thí sinh quan tâm. Ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên do cả 3 khoa: Vật lý, Hóa học và Sinh học - Kỹ thuật nông nghiệp phụ trách đào tạo, nên cả 3 khoa sẽ sử dụng chung một nhóm Zalo để tư vấn cho thí sinh. Như vậy, thí sinh có băn khoăn, thắc mắc gì liên quan đến những vấn đề chuyên sâu, đều có thể được giải đáp ngay lập tức” - Tiến sĩ Lê Chí Toàn thông tin.

Cũng theo thầy Toàn, hiện tại, trong mỗi nhóm Zalo, khoa đã có thể tạm “khoanh vùng” được một số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào mỗi ngành học của khoa.

“Việc tư vấn trong các nhóm Zalo như vậy giúp thí sinh có thể tương tác trực tiếp với các thầy cô, Nhà trường cũng “cắt giảm” được một số khâu trong tư vấn, truyền tải trực tiếp thông tin đến người cần nhận tư vấn” - thầy Toàn nói.

Một thí sinh đặt câu hỏi, sẽ có nhiều thí sinh nắm được thông tin

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Vũ Thị Tuyết - Phó Trưởng khoa, Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cũng bày tỏ: “Chỉ mới hơn 10 ngày lập nhóm tư vấn qua Zalo, nhưng chúng tôi đã ghi nhận gần 1.000 thành viên tham gia, chứng tỏ được sự quan tâm đông đảo của xã hội đối với ngành, từ phụ huynh đến học sinh. Trong nhóm có các thầy cô với vai trò là những người tư vấn và hỗ trợ rất nhiệt tình. Thí sinh có thể tiếp cận thông tin từ rất nhiều nguồn, của nhiều “kênh” khác nhau, đặc biệt qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Trong nhóm Zalo, không chỉ có các em học sinh mà còn có nhiều phụ huynh quan tâm đến thông tin tuyển sinh.

Ưu điểm của các nhóm này là có thể tương tác trực tiếp, phản hồi nhanh. Khi các thầy cô cung cấp thông tin tuyển sinh hoặc trả lời câu hỏi của một thành viên, thì những thành viên khác cũng đều có thể theo dõi và nắm được. Có những thông tin khi được giải đáp, các em có thể ngay lập tức thả tim, thể hiện phù hợp với nhu cầu mình đang tìm kiếm”.

z5334530896775_a909609535ead937c26a32690f3d3d7e.jpg
Tiến sĩ Vũ Thị Tuyết - Phó Trưởng khoa, Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2). Ảnh: NVCC.

Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thành lập Khoa Tâm lý - Giáo dục, nhằm phát triển mã ngành cử nhân Tâm lý học giáo dục, xây dựng một số ngành học mới thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi và khoa học giáo dục.

Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh - Trưởng khoa Khoa Tâm lý - Giáo dục chia sẻ thêm: “Hiện tại, trong nhóm Zalo của khoa đã có hơn 130 thí sinh tham gia. Điều đó cũng phần nào cho thấy sự quan tâm của người học đối với ngành học này. Thậm chí có những thí sinh hiện đã đang là sinh viên trường khác, ngành khác, nhưng vẫn tham gia nhóm và bày tỏ thiết tha muốn học ngành này, cần được tư vấn cặn kẽ.

Ngoài việc cử giảng viên về tư vấn trực tiếp tại các trường trung học phổ thông, các phương tiện như Facebook, Zalo cũng là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin về ngành học.

Chẳng hạn, nhu cầu xã hội đối với nhân lực ngành này đang ngày một tăng lên; đặc biệt, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, đã có vị trí việc làm cho giáo viên làm công tác tư vấn học sinh trong học đường,... những thông tin này cũng cần được cung cấp cho phụ huynh và thí sinh, bởi không phải ai cũng biết. Thứ hai, nhiều thí sinh chưa nắm rõ, sinh viên ngành này sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở đâu... nên rất cần được giới thiệu”.

z5333722955195_fc8a5628350a9d9d0d873884868f31d8.jpg
Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh - Trưởng khoa Khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2). Ảnh: NVCC.

Theo Tiến sĩ Doãn Ngọc Anh, thông qua những chia sẻ của các thí sinh trong nhóm Zalo, khoa sẽ phần nào định hình được nguyện vọng của các em.

“Thông qua nhóm Zalo, tôi thấy cũng mang lại hiệu quả khá tích cực. Bởi vì khi tham gia vào nhóm, thí sinh không chỉ được chia sẻ mà còn đọc được những chia sẻ của các bạn khác, để có những lựa chọn phù hợp với năng lực nội sinh của mình, cũng như xu hướng xã hội đang cần” - vị Trưởng khoa đánh giá.

Thông qua các hình thức tư vấn online linh hoạt, đa dạng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 kỳ vọng thí sinh có thêm sự tự tin, mạnh dạn hơn trong hỏi - đáp các vấn đề mình quan tâm cũng như được giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, để cân nhắc lựa chọn phù hợp, đạt nguyện vọng của mình trong mùa tuyển sinh.

Thí sinh quan tâm có thể truy cập và tham gia các nhóm Zalo tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại đây.

Mộc Trà