Trường ĐH Hải Dương tuyển sinh khó khăn, chuyên gia kiến nghị cách khắc phục

16/12/2023 06:22
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu thì phải xem lại năng lực quản trị đại học, đặc biệt là năng lực đội ngũ lãnh đạo và giảng viên của Trường ĐH Hải Dương.

Ngày 15/12, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Trường Đại học Hải Dương: Tuyển sinh èo uột, có năm chỉ tuyển được 1/3 chỉ tiêu" trong đó nêu rõ 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) trường tuyển không đủ chỉ tiêu ở hầu hết các ngành.

Đơn cử như năm 2022, Trường Đại học Hải Dương được phê duyệt 900 chỉ tiêu, song chỉ có 292 sinh viên nhập học.

Điều này khiến nhiều chuyên gia đặt ra băn khoăn về sự lãng phí nguồn lực của nhà trường.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Trường Đại học Hải Dương thành lập năm 2011 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương.

Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương.

"Tiền thân của trường là Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật, sau đó nâng cấp lên cao đẳng và lên Trường Đại học Hải Dương nên kinh nghiệm về quản trị đại học của nhà trường chưa nhiều.

Thực tế cho thấy, thói quen và tư duy quản trị trường nghề hay trường cao đẳng không phải một sớm một chiều mà thay đổi ngay được", ông Vinh nhận định.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Hải Dương thực chất có nhiều giáo viên quen với cách dạy trong giáo dục nghề nghiệp nên năng lực về dạy đại học - môi trường học thuật có thể vẫn còn nhiều hạn chế.

Chưa kể, Trường Đại học Hải Dương cách thủ đô Hà Nội không xa thành ra thị phần để đào tạo cũng phải cạnh tranh nguồn tuyển sinh với các trường đại học tại Hà Nội trong một thế yếu hơn.

Bên cạnh đó, tại Hải Dương có nhiều trường đại học, gồm các trường thuộc Bộ Y tế, Bộ Công thương và trường tư thục (Trường Đại học Thành Đông)… cũng là những thách thức trong tuyển sinh của Trường Đại học Hải Dương.

Trong khi đó, cơ sở vật chất (như diện tích, nhà cửa, phòng học...) của Trường Đại học Hải Dương khá tốt do được sáp nhập.

Do đó, việc nhà trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với chỉ tiêu được phê duyệt thì phải xem lại năng lực quản trị đại học, đặc biệt chú ý đến năng lực đội ngũ lãnh đạo và giảng viên.

Chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh nhập học của Trường Đại học Hải Dương trong 3 năm liên tiếp (Ảnh: LT)

Chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh nhập học của Trường Đại học Hải Dương trong 3 năm liên tiếp (Ảnh: LT)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, tình hình tuyển sinh của Trường Đại học Hải Dương tương tự với một số trường đại học địa phương khác.

"Để khắc phục những thách thức trong tuyển sinh, tôi cho rằng, tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo sâu sát và quyết liệt hơn, tạo điều kiện cho nhà trường tự chủ mạnh mẽ hơn, tích cực tìm kiếm nguồn lực, đổi mới cơ chế tuyển dụng nhân tài về làm giảng viên cho trường đại học.

Còn về phía nhà trường cần tăng cường năng lực quản trị, mời các chuyên gia tư vấn về năng lực quản trị và năng lực cho toàn đội ngũ giảng viên.

Một việc nữa cũng rất quan trọng đó là, trước khi sáp nhập các đơn vị, điều kiện tiên quyết cần phải có là một chiến lược phát triển nhà trường thời kỳ sau khi sáp nhập. Điều đó giúp cho cơ sở giáo dục đại học có tầm nhìn phát triển, mục tiêu chiến lược rõ ràng, tạo ra sự đồng thuận để triển khai hiệu quả.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận định, hiện nay có tình trạng chung là nhiều trường đại học tuyển sinh khó khăn, nhất là các trường đại học trực thuộc tỉnh. Trong đó có Trường Đại học Hải Dương.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Ảnh: quochoi.vn)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương (Ảnh: quochoi.vn)

Theo bà Nga, nguyên nhân là do trong thời gian ngắn nhiều trường đại học ngoài công lập được thành lập; các trường đại học công lập mở thêm nhiều mã ngành đào tạo, hình thức tuyển sinh đa dạng…

Trường Đại học Hải Dương gặp tình trạng tuyển sinh khó khăn do phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của những trường đại học khác, đặc biệt là các trường tại Hà Nội (cách Hải Dương khoảng 50km). Chưa kể, tại Hải Dương hiện có 7 trường đại học.

Đại biểu Quốc hội Việt Nga cho rằng, những năm qua không thể phủ nhận nỗ lực của Trường Đại học Hải Dương trong việc đào tạo đội ngũ, mở các mã ngành. Nhưng nhìn vào thực tế, số lượng sinh viên tuyển được rất ít ỏi so với chỉ tiêu được phê duyệt. Điều này dẫn đến những khó khăn nhất định cho nhà trường, bởi vì cơ sở vật chất của trường khá đầy đủ; đội ngũ giáo viên sau khi sáp nhập rất lớn mạnh.

Theo bà Nga, Trường Đại học Hải Dương sau sáp nhập chỉ có thể khẳng định mình bằng cách nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo để thu hút sinh viên.

LÃ TIẾN