Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì là cơ sở giáo dục Đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương thành lập năm 2011 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Hóa chất, tiền thân là Trường Kỹ thuật Trung cấp II thành lập năm 1956.
Website Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì nêu thông tin, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng các ngành và quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi học thuật và khoa học công nghệ.
Hiện, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì do Tiến sĩ Lê Thanh Tâm làm Chủ tịch hội đồng trường; Tiến sĩ Vũ Đức Bình là Hiệu trưởng nhà trường.
Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học chiếm tỷ lệ khiêm tốn
So với báo cáo ba công khai hai năm học trước (2021-2022, 2022-2023), tổng thu năm học 2023-2024 của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì có tăng trưởng. Cụ thể:
Theo báo cáo ba công khai năm học 2021-2022, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì có tổng nguồn thu là 45,895 tỷ đồng. Ba công khai năm học 2022-2023, tổng nguồn thu của trường là 50,21 tỷ đồng, tăng 4,315 tỷ đồng, tương đương tăng 9,4% so với năm học trước. Báo cáo ba công khai năm học 2023-2024, tổng nguồn thu của nhà trường là 56,09 tỷ đồng, tăng 5,88 tỷ đồng, tương đương tăng 11,7% so với năm học trước.
Báo cáo ba công khai của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì trong 3 năm học qua cho thấy, nguồn thu đến từ học phí vẫn chiếm tỉ trọng cao trong tổng thu của nhà trường và có xu hướng tăng theo thời gian.
Cụ thể, năm học 2021-2022, tổng thu từ học phí là 29,149 tỷ đồng. Năm học 2022-2023, tổng thu từ học phí là 29,3 tỷ đồng, tức tăng thêm 151 triệu đồng so với năm học trước. Năm học 2023-2024, tổng thu từ học phí là 35,52 tỷ đồng, tăng thêm 6,22 tỷ đồng so với năm học 2022-2023.
Năm học 2021-2022 nguồn từ ngân sách là 13,866 tỷ đồng. Năm học 2022-2023 nguồn từ ngân sách là 17,75 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 3,8 tỷ đồng so với năm học trước. Năm học 2023-2024, nguồn này giảm còn 16,12 tỷ đồng, tương đương giảm 1,63 tỷ đồng so với năm học trước.
Theo thông báo công khai tài chính năm học 2023-2024 được đăng tải trên website của trường, tổng nguồn thu của trường là 56,9 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách 16,12 tỷ đồng; thu từ học phí là 35,52 tỷ đồng; 0,7 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và 3,75 tỷ đồng từ nguồn hợp pháp khác.
Như vậy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm 1,24%; thu từ nguồn hợp pháp khác chiếm 6,68% so với tổng thu của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.
Về giải pháp giúp nhà trường gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các nguồn hợp pháp khác, đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cho biết: "Năm 2023, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 0,7 tỷ đồng. Đây là nguồn thu từ đề tài nghiên cứu cấp Bộ (300 triệu đồng) và từ đề án “Tăng cường nâng cao năng lực, chuyển đổi nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở” (400 triệu đồng). Đây là nguồn thu không thường xuyên, phát sinh theo từng năm, nhưng cũng là một hướng tốt để nhà trường triển khai cho các năm sau".
Giảng viên toàn thời gian có xu hướng giảm
Theo Điểm a, Tiêu chí 2.3, Tiêu chuẩn 2, Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.
Trong khi biểu mẫu công khai thông tin đội ngũ giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì năm học 2023-2024, nhà trường đang bỏ trống thông tin.
Phóng viên băn khoăn, hiện tại, giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì là bao nhiêu? Trong đó có bao nhiêu giảng viên có trình độ tiến sĩ?
Về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì chia sẻ: "Biểu mẫu 20 – Báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 đã công khai số lượng, danh sách giảng viên toàn thời gian theo từng ngành. Theo quy định, mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo. Do đó, nếu cộng tổng số giảng viên theo từng ngành thì cho số liệu không chính xác. Tổng số giảng viên toàn thời gian là 201 thầy cô; số giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là 41 thầy cô".
Theo thống kê, trong 3 năm qua, số giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì có xu hướng giảm.
Năm học 2021-2022 Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì có 238 giảng viên cơ hữu; năm học 2022-2023 số giảng viên giảm 6 thầy cô, còn 232 giảng viên. Hiện, số giảng viên cơ hữu của trường là 201 thầy cô, tương đương giảm 13,36% so với năm học 2022-2023.
Nhà trường có chính sách gì để thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao?
Chia sẻ chính sách thu hút giảng viên trình độ cao về làm việc nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cũng như đáp ứng quy định của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT, đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cho hay, nhà trường có chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao, được thể hiện quy chế chi tiêu nội bộ hằng năm.
Quy chế năm 2024-2025, tại Điều 15 nêu: Căn cứ vào yêu cầu phát triển của nhà trường, nhằm khuyến khích những giảng viên có trình độ học vấn cao, trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của nhà trường, khi về trường công tác được hưởng các quyền lợi sau:
Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo mà nhà trường có nhu cầu, được tuyển dụng, cam kết phục vụ lâu dài (từ 10 năm trở lên), ngoài mức lương theo cấp bậc, chức vụ theo quy định của Nhà nước và tiền thưởng, phụ cấp ưu đãi của nhà trường, còn được nhà trường hỗ trợ một khoản tiền như sau: từ 250-300 triệu đồng/người (đối với giáo sư); từ 200-250 triệu đồng/người (đối với phó giáo sư); từ 120-200 triệu đồng/người (đối với tiến sĩ).
Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo mà nhà trường có nhu cầu, được ký hợp đồng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học cam kết phục vụ lâu dài (từ 5 năm trở lên), ngoài mức lương theo thỏa thuận, còn được hỗ trợ một khoản tiền. Cụ thể, từ 150-200 triệu đồng/người (đối với giáo sư); từ 100-150 triệu đồng/người (đối với phó giáo sư); từ 100-150 triệu đồng/người (đối với tiến sĩ).
Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đúng chuyên ngành đào tạo mà nhà trường có nhu cầu, được ký hợp đồng làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhưng có thời gian công tác dưới 5 năm thì nhà trường họp xét quyết định mức chi đối với từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, theo đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, hàng tháng, nhà trường cũng có chế độ hỗ trợ ưu đãi đối với cán bộ, viên chức có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ.