Trường đại học tự kiểm định sẽ giảm chi phí nhưng liệu có đảm bảo khách quan?

27/09/2023 06:37
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của một trường ĐH vẫn cần thiết phải có một bên thứ ba tiến hành để đảm bảo tính khách quan và công tâm.

Mục đích chính của kiểm định chất lượng giáo dục nhằm đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo.

Hoạt động kiểm định chất lượng hiện đang được tiến hành bởi một tổ chức độc lập thực hiện. Tuy nhiên, hiện có ý kiến đề xuất nên cho phép trường đại học được tự kiểm định chương trình đào tạo thay vì một trung tâm bên ngoài để giảm bớt chi phí cho hoạt động kiểm định.

Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai

Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai

Về đề xuất này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho rằng, các trường đại học sẽ dễ dàng ủng hộ đề xuất trường đại học được tự kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo thay vì một trung tâm kiểm định ngoài như hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng của chương trình đào tạo khi trường đại học tự kiểm định sẽ không được như kỳ vọng và khó đảm bảo tính khách quan. Điều này có thể do quan điểm, cách vận hành, tư tưởng của tập thể lãnh đạo từng trường khi tiến hành tự kiểm định.

Lộ trình thực hiện kiểm định hiện nay theo chu kỳ 5 năm lại tiến hành kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo một lần. Hiện thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá của Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT Ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của các trình độ của giáo dục đại học. Bên cạnh đó, cũng căn cứ vào Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học cũng có các tiêu chuẩn liên quan đến xây dựng và vận hành chương trình đào tạo.

“Thực tế hiện nay, với chương trình đào tạo, nhà trường triển khai đánh giá chương trình, tự rà soát định kỳ tối thiểu 2 năm/chương trình đào tạo. Sau đó, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và mời Trung tâm kiểm định về trường để thực hiện đánh giá ngoài.

Do đó, nếu cứ 5 năm tiến hành một lần kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thì các trường mất nhiều thời gian cho việc tự đánh giá, kiểm định chương trình. Đặc biệt, những trường đại học có càng nhiều chương trình đào tạo thì lại càng mất nhiều thời gian kiểm định hơn.

Việc thực hiện đánh giá ngoài giúp nâng cao chất lượng kiểm định chương trình đào tạo (bởi có sự điều chỉnh, bổ sung, có sự tham gia của các bên liên quan,…). Cơ bản hoạt động đánh giá ngoài của trung tâm kiểm định hiện nay thực hiện tốt, chỉ có điều kinh phí hơi cao, quy trình cũng như hình thức tiến hành trong thời gian dài nên cần giảm bớt thủ tục không cần thiết”, thầy Tường chia sẻ.

Thầy Tường cũng cho rằng, trường đại học tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo khi không có sự tham gia đánh giá ngoài có thể dẫn đến nguy cơ như: lập minh chứng cho đảm bảo tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá xuề xoà, nhận định chủ quan,… Do đó, cần thiết phải ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá nếu trường đại học được tự đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

“Cần phải có thông tư quy định chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá. Căn cứ vào đó, nếu trường làm không đúng theo quy định thì sẽ bị xử phạt sau thanh tra, kiểm tra. Chúng ta có thể có các quy định như: chu kỳ kiểm định kéo dài 6-8 năm; cần thành lập hội đồng tự đánh giá có ít nhất 50% thành viên ngoài trường, có trình độ chuyên môn phù hợp, có thẻ kiểm định viên (chứng chỉ bồi dưỡng)”, thầy Trường chia sẻ.

Cùng trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo trường đại học ở miền Bắc chia sẻ quan điểm trước đề xuất nên hay không để trường đại học tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo thay vì một trung tâm kiểm định ngoài.

Theo đó, vị này cho rằng không nên để trường đại học tự đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

“Theo tôi, nếu có quy định về trường đại học tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo thì có thể các trường sẽ làm đúng.

Tuy nhiên, hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của một trường đại học vẫn cần thiết phải có một bên thứ ba tiến hành để đảm bảo tính khách quan và công tâm”, vị này chia sẻ.

Cũng theo vị này, thực tế khi trường đại học tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sẽ đỡ tốn kinh phí hơn so với việc thuê ngoài (vì phải thuê nhân sự độc lập). Hơn nữa, việc trường đại học tự kiểm định chất lượng có thể sử dụng đội ngũ nhân lực trực tiếp của cơ sở, được chủ động về thời gian, từ đó giúp tiết kiệm kinh phí hơn.

Song, vị này cho rằng nếu trường tự kiểm định thì phải có thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, nếu không có thông tư thì kế hoạch kiểm định của trường phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

"Nếu làm sai theo văn bản được phê duyệt hay thông tư hướng dẫn, trường sẽ phải bị xử phạt khi phát hiện sai sót. Điều này nhằm tránh các cơ sở giáo dục làm trái quy định, "vừa đánh trống vừa thổi còi" khi kiểm định chất lượng chương trình đào tạo", lãnh đạo trường chia sẻ.

Ngọc Mai