Trường công làm "đầu mối" gom thí sinh cho nước ngoài, quản lý nhà nước ra sao?

15/02/2023 06:32
Bình Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ GD cần sớm rà soát, kết luận, việc Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM làm "đầu mối" gom thí sinh thi chương trình AP là đúng hay sai?

VnExpress ngày 2/2/2023 đưa tin, Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 1/2 cho biết trường đã mở 11 lớp ôn thi môn học AP, gồm Toán, Toán thống kê, Lý, Hoá, Sinh, Tin học ở các cấp độ khác nhau.

AP (Advanced Placement) do College Board thiết kế, thường được gọi là lớp nâng cao hay chương trình dự bị đại học. Đây là chương trình không bắt buộc, do học sinh tự chọn ở các trường trung học Mỹ. AP gồm 38 môn học, tương ứng với nội dung đào tạo cơ bản các môn này trong năm đầu đại học. Học sinh có thể học theo nhu cầu và dự kỳ thi chuẩn hóa vào tháng 5 hàng năm.

VnExpress dẫn lời Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho biết: "Trường nhận thấy tiềm năng học thuật và điều kiện đầu vào của học sinh đủ khả năng học và thi các môn AP nên đã ký kết với College Board tổ chức học và thi tại trường". Tiến sĩ Dũng cho biết ngay sau khi thông báo, trường nhận được hơn 80 đơn đăng ký của học sinh các trường công lập, tư thục trong cả nước. [1]

Không phải liên kết giáo dục với nước ngoài, trường công tổ chức ôn và thi AP theo cơ sở pháp lý nào?

Ngày 6/2, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Do nhu cầu của học sinh rất lớn, trường lại có uy tín, nên đối tác phía Mỹ chỉ quyền cho trường là đầu mối nhận học sinh đăng ký rồi được ủy quyền tổ chức thi. Đề thi cũng được phía Mỹ gửi trực tiếp sang trường, bài thi học sinh làm cũng gửi sang bên kia chấm. Việc này hoàn toàn khác nếu trường liên kết, cấp bằng Tú tài quốc tế IB thì phải xây dựng đề án, trình Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh duyệt. [2]

Về hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục, theo Điều 108 Luật Giáo dục số 49/2019/QH14, có các hình thức sau: a) Liên kết giáo dục, đào tạo; b) Thành lập văn phòng đại diện; c) Thành lập phân hiệu; d) Thành lập cơ sở giáo dục; đ) Các hình thức hợp tác, đầu tư khác. Khoản 4 Điều 108 Luật Giáo dục quy định: Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Mai trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 6/2: "Nhà trường nhờ người hỏi ý kiến Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Cục Quản lý chất lượng), Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhận được câu trả lời miệng là, AP chỉ là quy mô nhỏ, chỉ cần xin phép đơn vị chủ quản là được, ngoài ra còn căn cứ vào quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường". [2].

Nếu thông tin Giáo sư Nguyễn Thanh Mai chia sẻ đúng là “hướng dẫn” từ ai đó có trách nhiệm thuộc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Cục Quản lý chất lượng), Bộ Giáo dục và Đào tạo, vậy phải chăng tất cả các trường phổ thông công lập ở Việt Nam đều có thể trở thành "đơn vị được ủy quyền" gom thí sinh ôn và thi cho các tổ chức giáo dục nước ngoài và hưởng phần trăm hoa hồng?

Ngoài ra, các chương trình giáo dục của nước ngoài như thế nào là "quy mô nhỏ, chỉ cần xin phép đơn vị chủ quản là được"? Hai câu hỏi này xin được gửi tới Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu đúng như khẳng định của Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để các trường dễ thực hiện, không nên "trả lời miệng" (nếu có).

Lịch học ôn chương trình AP được Trường phổ thông Năng khiếu đăng tải công khai trên website của trường.

Lịch học ôn chương trình AP được Trường phổ thông Năng khiếu đăng tải công khai trên website của trường.

Ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về các chương trình nước ngoài đang dạy cho người Việt trên lãnh thổ Việt Nam qua các “đầu mối” là trường công lập?

Không rõ có vị "có trách nhiệm" nào ở Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời miệng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh rằng "AP chỉ là quy mô nhỏ, chỉ cần xin phép đơn vị chủ quản là được" hay không.

Tuy nhiên, có thể thấy Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ đóng vai trò "đầu mối" gom thí sinh và thu tiền giúp đối tác nước ngoài qua câu trả lời của Tiến sĩ Trần Nam Dũng với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, rằng:

Việc tổ chức ôn và thi chương trình AP hoàn toàn không phải là liên kết đào tạo. Trường chỉ tổ chức cho học sinh thi, như là một đơn vị được ủy quyền bình thường, chứ hoàn toàn không giảng dạy. AP chỉ là một chứng chỉ, chứ không phải là một chương trình đào tạo, không được cấp bằng. Chương trình thi AP hoàn toàn do phía College Board của Mỹ quản lý, khác với IB là chương trình được cấp bằng Tú tài quốc tế. [2]

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chỉ đạo rõ: Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam.

Trong trường hợp chương trình AP mà Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh "chỉ tổ chức cho học sinh thi", còn "chương trình thi AP hoàn toàn do phía College Board của Mỹ quản lý", vậy cơ quan nào sẽ thực hiện việc quản lý nhà nước về chương trình, như chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW?

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm rà soát và công bố kết luận cụ thể, việc Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm "đầu mối nhận học sinh đăng ký rồi được ủy quyền tổ chức thi chương trình thi AP hoàn toàn do phía College Board của Mỹ quản lý", là đúng hay sai, được phép hay không được phép?

Nếu đúng, việc này dựa trên cơ sở pháp lý nào, để các trường công lập khác đều biết và thực hiện? Nếu không đúng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên thực hiện quyền quản lý nhà nước về chương trình giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương?

Việc này không chỉ đảm bảo ý thức chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng như tính nghiêm minh của pháp luật nhà nước, mà còn đảm bảo sự công bằng giữa các cơ sở giáo dục công lập và tư thục, bởi lẽ nhà nước quy định rất chặt chẽ hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục. Không có lý gì các trường tư thục phải chấp hành nghiêm các quy định về chương trình tích hợp khi hợp tác với nước ngoài trong khi một số trường công lập lại được thoải mái làm "đầu mối" gom thí sinh, tổ chức “dạy thêm” và thu hộ tiền cho nước ngoài mà không cần phải lo gì về chương trình, bởi đó là việc của nước ngoài.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vnexpress.net/truong-cong-lap-dau-tien-day-va-thi-chuong-trinh-du-bi-dai-hoc-my-4565778.html

[2]https://giaoduc.net.vn/ai-cho-truong-pho-thong-nang-khieu-to-chuc-on-va-thi-chuong-trinh-ap-post232870.gd

Bình Minh