Ai cho Trường Phổ thông Năng khiếu tổ chức ôn và thi chương trình AP?

13/02/2023 06:25
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- GS Nguyễn Thị Thanh Mai cho hay: Trước khi thực hiện, nhà trường cũng đã nhờ người hỏi ý kiến của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường công lập công khai tổ chức ôn và thi chương trình dự bị đại học Mỹ

Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo công khai trên website của trường về việc tổ chức ôn và thi chương trình AP (Advcanced Placement). Theo đó, bắt đầu từ năm học này, nhà trường sẽ tổ chức dạy và ôn thi chương trình AP (Advcanced Placement) do Tổ chức giáo dục College Board của Mỹ tổ chức.

AP được coi như là một chương trình dự bị đại học dành cho học sinh trung học. Được biết, Trường Phổ thông Năng khiếu là trường phổ thông công lập đầu tiên tại Việt Nam có tổ chức học ôn, thi chương trình AP.

Thông báo của Trường phổ thông Năng khiếu.

Thông báo của Trường phổ thông Năng khiếu.

Điều kiện để đăng ký khóa học là học sinh đang học trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, có nhu cầu và có năng lực tiếng Anh tương đương với IELTS 6.0.

Trường tổ chức nhiều môn thi nằm trong chương trình AP gồm Toán, Toán thống kê, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học…Học sinh theo học ôn sẽ học trong vòng 10 tuần, cả với hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Đội ngũ giảng dạy là các giáo viên của Trường Phổ thông Năng khiếu, hoặc là giảng viên đại học.

Kết thúc khóa học ôn, học sinh sẽ tham dự kỳ thi chuẩn hóa vào tháng 5. Cấu trúc mỗi bài thi AP sẽ gồm hai phần là gồm tự luận và trắc nghiệm, có thời gian làm bài từ 90 đến 180 phút.

Trường Phổ thông Năng khiếu, cơ sở ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Trường Phổ thông Năng khiếu, cơ sở ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Ngay sau khi thông tin trên được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả, các chuyên gia giáo dục về cơ sở pháp lý của việc tổ chức ôn và thi chương trình AP của Trường phổ thông Năng khiếu - một cơ sở giáo dục phổ thông công lập thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng) trả lời bằng miệng với Trường?

Ý kiến độc giả bày tỏ băn khoăn, căn cứ vào Nghị định 86/2018/NĐ-CP, quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đối tượng được phép liên kết giáo dục đào tạo với nước ngoài là các trường ngoài công lập, tư thục chứ không có trường công.

Như vậy, Trường Phổ thông Năng khiếu trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ôn và thi chương trình AP của Mỹ là có đúng quy định?

Để làm rõ các băn khoăn trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng và Tiến sĩ Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ Thông Năng khiếu về vấn đề này.

Đầu tiên, Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, hiện đã có 80 học sinh đăng ký dự thi chương trình AP, với khoảng 160 bài thi, còn số lượng học sinh đăng ký ôn tập chỉ khoảng 10 đến 15 em. Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt các câu hỏi với lãnh đạo Trường Phổ thông Năng khiếu.

Phóng viên: Xin hỏi lãnh đạo nhà trường, việc tổ chức dạy, thi chương trình AP liên kết với College Board của trường dựa vào cơ sở pháp lý nào?

Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Mai: Trước khi thực hiện, nhà trường cũng đã nhờ người hỏi ý kiến của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng - PV), Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phía đơn vị này có trả lời bằng miệng cho nhà trường là AP chỉ là quy mô nhỏ, chỉ cần xin phép đơn vị chủ quản (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là được.

Ngoài ra, còn căn cứ vào quy chế tổ chức hoạt động của Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Do nhu cầu của học sinh rất lớn, trường lại có uy tín, nên đối tác phía Mỹ chỉ quyền cho trường là đầu mối nhận học sinh đăng ký rồi được ủy quyền tổ chức thi.

Đề thi cũng được phía Mỹ gửi trực tiếp sang trường, bài thi học sinh làm cũng gửi sang bên kia chấm.

Việc này hoàn toàn khác nếu trường liên kết, cấp bằng Tú tài quốc tế IB thì phải xây dựng đề án, trình Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh duyệt.

Phóng viên: Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về đối tượng liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài: “Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận chất lượng giáo dục".

Về đối tượng liên kết giáo dục đào tạo với nước ngoài không có đối tượng liên kết là trường công. Xin trường cho biết quan điểm?

Tiến sĩ Trần Nam Dũng: Việc tổ chức ôn và thi chương trình AP hoàn toàn không phải là liên kết đào tạo.

Trường chỉ tổ chức cho học sinh thi, như là một đơn vị được ủy quyền bình thường, chứ hoàn toàn không giảng dạy. AP chỉ là một chứng chỉ, chứ không phải là một chương trình đào tạo, không được cấp bằng.

Chương trình thi AP hoàn toàn do phía College Board của Mỹ quản lý, khác với IB là chương trình được cấp bằng Tú tài quốc tế.

Phóng viên: Trường Phổ thông Năng khiếu là trường công lập. Vậy việc sử dụng tài sản, con người của nguồn lực công vào cung cấp dịch vụ dạy và thu tiền của chương trình AP được hạch toán ra sao?

Tiến sĩ Trần Nam Dũng: Lệ phí thi của học sinh nhà trường phải nộp về cho phía đối tác ở bên Mỹ, chỉ trích lại một phần để trường tổ chức thi.

Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Mai: Đối với việc tổ chức ôn thi, lãnh đạo trường khẳng định là hoàn toàn không bắt buộc. Còn việc đóng tiền thi là 5 triệu đồng/môn, trong đó trường phải chuyển qua Mỹ cho đơn vị tổ chức thi là hơn 4 triệu đồng, ngoài ra còn phải đóng các loại thuế, và chỉ để lại một ít ở trường để tổ chức thi.

Việc tổ chức ôn cũng giống như tổ chức một lớp dạy thêm học thêm bình thường, chủ yếu chỉ là hệ thống hóa lại kiến thức, chứ không có dạy gì hết. Số học sinh đi ôn tập cũng ít.

Trường Phổ thông Năng khiếu là trường tự chủ, trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, được phép mở các lớp học nhằm mục đích nâng cao năng lực của người học, tăng nguồn thu chính đáng cho nhà trường.

Chưa có văn bản đồng ý nhưng đã thông tin rộng rãi do nôn nóng

Phóng viên: Như vậy, cho đến nay, việc tổ chức thi các môn nằm trong chương trình AP và ôn tập của Trường đã được cơ quan chức năng nào cho phép bằng văn bản?

Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Mai: Hiện chỉ có các ban chuyên môn của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý về mặt chủ trương, cho phép nhà trường thực hiện, còn vẫn phải chờ đợi văn bản chính thức từ phía lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý.

Sau khi có văn bản này thì nhà trường mới có văn bản báo cáo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thông tin này trường đã được nhà trường đưa lên website của trường từ ngày 9/1, và được báo chí đăng tải rộng rãi, là do nhà trường quá nôn nóng.

Bởi lẽ, tháng 3 là hết hạn đăng ký thi AP. Nếu công bố thông tin muộn quá, các trung tâm du học biết hết thì học sinh phải qua những nước lân cận như Singapore, Thái Lan để đăng ký và thi thì tốn tiền cho các em quá.

Nếu tổ chức thi ngay tại trường thì sẽ rất đỡ về mặt kinh phí cho học sinh. Tuy nhiên, đó cũng là một sự thiếu sót của nhà trường về mặt truyền thông, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.

Việt Dũng