Trước thềm sự kiện Bộ trưởng GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo: Đại biểu QH đánh giá ra sao?

15/08/2023 06:02
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có cuộc gặp gỡ với giáo viên, CBQL và nhân viên trong toàn ngành, các ĐBQH đánh giá cao hoạt động mang tính dân chủ này.

Hôm nay (ngày 15/8), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ gặp gỡ với các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023.

Chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo năm 2023” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu đặt tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và 63 tỉnh, thành.

Sau 1 tháng lấy ý kiến người lao động toàn ngành, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nhận được 6.200 ý kiến gửi về. Nội dung các ý kiến chia sẻ tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính.

Cơ hội để cán bộ, giáo viên truyền đạt tâm tư, nguyện vọng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho biết: “Ngày 16/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 1062/KBGDĐT về tổ chức chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo năm 2023”. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện cuộc gặp trực tiếp như vậy.

Mục đích của chương trình nhằm giúp Bộ trưởng chia sẻ về tình hình của ngành, đồng thời chia sẻ, động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên tại các cơ sở giáo dục... trong điều kiện chuẩn bị bước vào năm học mới.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: NVCC.

Thứ hai, quan trọng hơn là Bộ trưởng có thể lắng nghe, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và đặc biệt là những khó khăn của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay.

Bộ trưởng cũng rất cầu thị và lắng nghe những ý kiến, tham mưu, hiến kế về mặt chính sách trong giáo dục - đào tạo, để trong thời gian tới giúp toàn ngành thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Ở góc độ của các cơ sở giáo dục, từ bậc mầm non đến đại học đều rất háo hức mong chờ cuộc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của Bộ trưởng cùng chia sẻ và nhìn thẳng vào những khó khăn, vướng mắc hiện nay, và mong muốn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp lãnh đạo chung tay giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện nay”.

Nữ đại biểu nhấn mạnh: “Cuộc gặp gỡ này sẽ là một trong những hoạt động quan trọng hướng đến thực hành dân chủ trong ngành giáo dục: dân biết, dân bàn, dân làm, dân thực hành, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ có thể chia sẻ, đóng góp ý kiến về những “điểm nghẽn” trong thực tiễn triển khai, đồng thời, góp tiếng nói, đề đạt nguyện vọng, giải pháp trong tương lai.

Tôi cũng hy vọng, qua cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng từ thực tế, qua đó, có những điều chỉnh hoặc đóp góp lên Chính phủ, Quốc hội để cùng xây dựng, điều chỉnh những chính sách một cách tích cực, hiệu quả”.

Đồng quan điểm đó, Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) đánh giá: “Chương trình gặp gỡ này thực sự rất ý nghĩa trong tình hình hiện nay, khi mà ngành giáo dục đang phải đối mặt với những vấn đề, thách thức mới trong chương trình, sách giáo khoa mới.

Có rất nhiều ngôi trường, nhất là những ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong chỉ tiêu biên chế, khắc phục vấn đề về cơ sở vật chất và những yếu tố cần thiết cần để thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì vậy, Bộ trưởng có cuộc gặp gỡ trực tiếp với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên như vậy, sẽ có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng rõ ràng nhất từ cơ sở giáo dục”.

Đại biểu Nàng Xô Vi cũng bày tỏ: “Bên cạnh sự lắng nghe, cầu thị của ngành giáo dục, tôi cũng cho rằng, để giải quyết những vướng mắc mà ngành đang gặp phải, rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ các ngành, các lĩnh vực khác có liên quan”.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum). Ảnh: NVCC.

Tiếng nói từ cơ sở là rất quan trọng

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) cũng nhìn nhận: “Đây cũng là cách thức mới để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể lắng nghe ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý và các nhà giáo cấp cơ sở, đại diện cho các vùng miền, các cấp học.

Bởi lẽ, nhiều khi quá trình thực thi và quản lý của đội ngũ và nhà giáo ở cơ sở trong thực tiễn sẽ khác xa văn bản. Tiếng nói từ cơ sở là rất quan trọng nhất, là những “điểm nghẽn”, với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì và phối hợp như thế nào để tháo gỡ.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Tôi đánh giá cao phương thức tiếp cận mới này của Bộ trưởng. Đồng thời, hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ là cơ hội để Bộ trưởng lắng nghe được nhiều ý kiến thực tế, nhất là các cán bộ quản lý, nhà giáo ở những nơi đang muôn vàn khó khăn, đại diện cho các vùng miền... Và Bộ cũng có thể nắm được tình hình triển khai những chính sách của mình đến thời điểm hiện tại, nếu phù hợp thì tiếp tục phát huy, còn “tắc nghẽn” thì phải tìm giải pháp “khai thông” và tham mưu cho Chính phủ”.

Tuy nhiên, vị đại biểu cũng nhấn mạnh: “Thời lượng cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong một buổi, nên cần lưu ý tổ chức làm sao cho thực sự hiệu quả”.

Mong mỏi đưa ra những giải pháp, lộ trình thực hiện chính sách

Trước cuộc gặp gỡ, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh quan tâm đến vấn đề đội ngũ giáo viên, giảng viên - những người trực tiếp tham gia vào công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.

Nữ đại biểu chia sẻ: “Đối với nền giáo dục của bất cứ quốc gia nào, ngay cả khi chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ như hiện nay, đội ngũ giáo viên vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất, là trung tâm của hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, qua báo chí, và qua báo cáo chính thức của Bộ trưởng đã báo cáo trước Quốc hội vào tháng 11/2022, cho thấy, số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc hiện nay vẫn rất nhiều.

Là một đại biểu Quốc hội đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tôi muốn lắng nghe những ý kiến của Bộ trưởng qua buổi gặp gỡ này. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có lẽ đã được “mổ xẻ” rất nhiều, tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh hơn về vấn đề giải pháp và nâng cao chất lượng giáo viên trong thời gian tới.

Chính Bộ trưởng cũng từng nhìn nhận thẳng vào vấn đề thu nhập của giáo viên đang quá thấp, cần có những chính sách như thế nào, cần có những yếu tố ưu tiên, đặc thù đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa hoặc giáo viên mầm non công lập... để cải thiện. Bộ trưởng cũng từng tâm tư trước Quốc hội, khi giáo viên đi dạy 5 năm mà thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, khiến giáo viên nghỉ việc. Điều này làm dịch chuyển đội ngũ giáo viên từ công sang tư... Vì vậy, tôi cũng mong mỏi được lắng nghe những chia sẻ của Bộ trưởng để tháo gỡ những khó khăn này, giữ chân giáo viên và nâng cao chất lượng”.

“Vấn đề thứ hai mà tôi quan tâm là triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua tiếp xúc cử tri, cho thấy việc thực hiện này vẫn còn nhiều bất cập. Tôi cho rằng, trong cuộc gặp gỡ này, đại diện các giáo viên cũng sẽ chia sẻ nhiều ý kiến về những khó khăn, bất cập đối với sách giáo khoa, đối với việc đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình mới. Đây vẫn là một vấn đề lớn với những “điểm nghẽn” mà hiện nay chưa thể giải quyết được.

Tất nhiên, cũng không kỳ vọng quá nhiều trong thời gian rất ngắn, Bộ trưởng có thể giải đáp hết cả những mong muốn của đội ngũ giáo viên, người học... nhưng cũng sẽ có những gợi ý và có thể đưa ra lộ trình trong thời gian tới có những biện pháp như thế nào để tạo chuyển biến, để chương trình giáo dục phổ thông mới đi đúng hướng theo mục tiêu ban đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ cùng các đại biểu Quốc hội công tác trong lĩnh vực giáo dục tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: NVCC.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ cùng các đại biểu Quốc hội công tác trong lĩnh vực giáo dục tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: NVCC.

Thứ ba, đối với lĩnh vực giáo dục đại học, tôi đặc biệt quan tâm đến tự chủ đại học. Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14 ra đời đã có Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học khi triển khai vẫn gặp một số “điểm nghẽn”. Cần có những kiến nghị gì để tháo gỡ những rào cản đó, để thực sự đi vào cuộc sống và mang lại một “luồng gió mới” cho các cơ sở giáo dục đại học.

Một vấn đề nữa, vừa rồi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có chỉ đạo điều chỉnh Nghị định 81/2021/NĐ-CP theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 29, sự nhiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Chính phủ và của toàn dân. Như vậy, chúng ta đang cần rất nhiều nguồn lực để phát triển, nên những vấn đề có thể kêu gọi xã hội hóa được, cũng cần có sự chung tay. Bởi vì, không tăng học phí trong bối cảnh hiện nay là một chủ trương đúng, tuy nhiên, để tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên, mà không “tính đúng, tính đủ” chi phí giáo dục, thì cũn chưa thực sự hợp lý.

Vì vậy, không tăng học phí trong năm học 2023-2024, tuy nhiên, cần có lộ trình trong những năm tiếp theo cụ thể như thế nào. Tôi cũng rất muốn lắng nghe ý kiến của Bộ trưởng để đóng góp xây dựng chính sách, để có thể hình dung được lộ trình cụ thể, tất nhiên phải có sự hài hòa giữa các cơ sở giáo dục và người dân” - Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phân tích thêm.

Mộc Trà