Trung Quốc sẽ không có máy bay chiến đấu hải quân mới 30 năm tới?

21/09/2013 07:35
Đông Bình
(GDVN) - Trong 25-30 năm tới, J-15 sẽ trở thành máy bay chiến đấu hải quân duy nhất được lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc trang bị.
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc

Ngày 16 tháng 9 mạng “Bình luận quân sự” Nga đưa tin, theo báo chí Trung Quốc, máy bay chiến đấu hải quân J-15 do Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương nghiên cứu phát triển hiện đã đưa vào sản xuất hàng loạt.

Thiếu tướng Doãn Trác, chủ nhiệm Ủy ban chuyên gia thông tin hóa Hải quân Trung Quốc cho biết, Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương đã hoàn thành công tác thử nghiệm máy bay chiến đấu J-15. Hiện nay, tập đoàn này đang bắt tay khởi động công tác sản xuất hàng loạt lớn loại máy bay này. Đồng thời, có nhà quan sát quân sự cho rằng, gần đây, máy bay J-15 đã được sơn màu mới, chứng tỏ J-15 đã đưa vào sản xuất hàng loạt.

Các dấu hiệu cho thấy, J-15 không những được đưa vào sản xuất hàng loạt, mà còn chính thức trang bị cho quân đội. Có chuyên gia suy đoán, lô máy bay J-15 đầu tiên đã triển khai cho căn cứ của lực lượng hàng không hải quân. Nhưng, Quân đội Trung Quốc hiện vẫn chưa công bố bất cứ thông tin nào về việc này.

Điều đáng chú ý là, trước đây có tin cho rằng, J-15 sẽ bắt đầu trang bị cho hải quân vào các năm 2014-2015. Thông qua thông tin hiện nay tiến hành phân tích có thể phán đoán, loại máy bay chiến đấu này chậm nhất sẽ trang bị cho lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc vào năm 2014.

Máy bay J-15 bay thử
Máy bay J-15 bay thử

Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ không thực hiện kế hoạch máy bay chiến đấu hải quân mới khác; trong 25-30 năm tới, J-15 sẽ trở thành máy bay chiến đấu hải quân duy nhất được lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc trang bị. Như vậy, xét đến việc Trung Quốc còn có kế hoạch chế tạo vài tàu sân bay, tổng sản lượng J-15 trong tương lai sẽ không chỉ giới hạn ở vài chục chiếc, mà là lên tới vài trăm chiếc.

Trong 10 năm gần đây, Trung Quốc tích cực thúc đẩy kế hoạch nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu hải quân hạng nặng J-15. Trước đây, do đã xảy ra sự kiện Trung Quốc sao chép máy bay chiến đấu Su-27 mà chưa được phép, khiến cho Nga cuối cùng từ chối xuất khẩu máy bay chiến đấu hải quân Su-33 cho Trung Quốc.

Được biết, Trung Quốc từng tìm cách mua 2 chiếc máy bay Su-33 để “đánh giá”, trong khi đó lượng mua tối thiểu do Nga yêu cầu là 48 chiếc. Do không đạt được nhất trí, Trung Quốc cuối cùng chỉ có thể mua một chiếc máy bay nguyên mẫu Su-33 của Ukraine, tức máy bay T-10 còn sót lại từ thời kỳ Liên Xô cũ.

Công tác nghiên cứu chế tạo máy bay nguyên mẫu J-15 lô đầu tiên đã mất khoảng 2 năm. Hai năm trước, máy bay này cuối cùng đã hoàn thành bay thử lần đầu tiên. Sự tiến triển của Trung Quốc rõ ràng là điều Nga không muốn nhìn thấy. Chuyên gia Nga từng công khai chê bai J-15, đồng thời bày tỏ hoài nghi về năng lực sao chép những tính năng quan trọng Su-33 của các nhân viên kỹ thuật Trung Quốc.

Máy bay J-15 Trung Quốc là sản phẩm sao chép của máy bay chiến đấu Su-33 Nga/Liên Xô
Máy bay J-15 Trung Quốc là sản phẩm sao chép của máy bay chiến đấu Su-33 Nga/Liên Xô

Điều cần nhấn mạnh là, xét tới kinh nghiệm phong phú của người Trung Quốc trong việc tìm kiếm sở hữu công nghệ của nước ngoài, tính năng của J-15 có thể không kém so với Su-33. Nhưng, Quân đội Nga hiện đã quyết định dừng tiếp tục trang bị Su-33, chuyển sang lựa chọn MiG-29K có giá rẻ hơn (máy bay này cũng được Ấn Độ lựa chọn sử dụng).

Theo quan điểm của chuyên gia Trung Quốc, J-15 phù hợp với tiêu chuẩn công nghệ của máy bay chiến đấu hải quân thế hệ thứ ba, nhưng hệ thống radar, phần mềm tác chiến và hệ thống đối kháng điện tử của nó còn phải tiếp tục cải tiến.

Điều cần nhấn mạnh là, từ khi J-15 hoàn thành bay thử lần đầu tiên vào năm 2009 đến nay, tất cả các máy bay nguyên mẫu dùng để thử nghiệm đều trang bị động cơ AL-31F do Nga chế tạo. Tháng 12 năm 2012, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng tuyên bố đã bắt đầu đổi sang trang bị động cơ WS-10A cho loại máy bay chiến đấu này.

Công ty Lê Minh của tập đoàn Thẩm Dương cho biết, trọng lượng của động cơ WS-10A là 1,6 tấn, lực đẩy là 132 kN, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng đốt sau là 7,87. Trong khi đó, trọng lượng của AL-31F là 1,57 tấn, lực đẩy là 123 kN, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng khi đốt nhiên liệu phụ trội là 7,87.

Động cơ hàng không WS-10A do Trung Quốc sản xuất
Động cơ hàng không WS-10A do Trung Quốc sản xuất

Nhưng, những thông tin của Trung Quốc về tính năng của WS-10A là đáng nghi ngờ. Trên thực tế, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay vẫn không thể chế tạo được động cơ phản lực có tính năng đáng tin cậy.

Chính vì vậy, Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới không ngừng mua động cơ do Nga chế tạo. Thời gian bảo trì động cơ nội địa của Trung Quốc cách nhau ngắn, thời gian vận hành ổn định liên tục trước khi đại tu cũng không dài.

J-15 thực sự là phiên bản sao chép của máy bay chiến đấu Su-33 do Nga chế tạo, trọng lượng cất cánh tối đa là 33 tấn, tốc độ tối đa là 2.700 km/giờ, hành trình tối đa là 3.500 km. J-15 trang bị một khẩu pháo 30 mm, 12 điểm treo có thể mang theo 6 tấn đạn dược.

Nhưng, điều cần phải thừa nhận là, thực tế J-15 đi vào sản xuất hàng loạt đã phản ánh thực lực của công nghiệp hàng không Trung Quốc và tham vọng của Quân đội Trung Quốc. Trong thời gian tới, tàu sân bay Liêu Ninh và máy bay chiến đấu J-15 sẽ tiếp tục tích lũy kinh nghiệm sử dụng hạm đội tàu sân bay cho Quân đội Trung Quốc. Theo tiến độ hiện nay, Hải quân Trung Quốc sẽ trang bị nhiều tàu sân bay nội địa mới trước năm 2020.

Trung Quốc cho máy bay J-15 tập cất/hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh
Trung Quốc cho máy bay J-15 tập cất/hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh
Đông Bình