Dư luận đang đặt băn khoăn, lo ngại trước đề xuất cần thẩm định lại những luận án tiến sĩ đang gây xôn xao những ngày gần đây.
Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết, quá trình hậu kiểm được thực hiện bài bản đúng quy trình nhưng rất khó đem lại kết quả mạnh mẽ.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Tuấn Hoa, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (ảnh: nguồn báo Vietnamnet) |
“Quy trình hậu kiểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, xét về mặt cần thiết có thể thành lập hội đồng hậu kiểm khi đề tài luận án gây xôn xao dư luận như hiện nay, Bộ chỉ có thể thông báo sẽ tiến hành thẩm định lại, tuy nhiên nếu làm mạnh tay thì khác gì Bộ can thiệp vào nội dung khoa học.
Từ trước đến nay, cũng có nhiều trường hợp lập ra hội đồng thẩm định lại luận án tiến sĩ, tuy nhiên tôi có thể khẳng định sẽ không đem lại kết luận mạnh mẽ có tính răn đe. Vì cơ bản, khi hậu kiểm như vậy vừa phải xét lại nội dung luận án vừa phải xét lại các hội đồng trước đấy mà nghiên cứu sinh từng bảo vệ, điều này vô cùng phức tạp.
Trước hết, quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ rất chặt chẽ, bảo vệ từ hết cấp này đến cấp khác.Trường hợp luận án có vấn đề thì đã bị bác bỏ hoặc thanh tra lại theo đúng quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ. Vậy tại sao phải đến khi luận án đã bảo vệ thành công, đã đăng công khai lên mạng và bị dư luận ‘ném đá’ mới thông báo sẽ thẩm định lại?
Nghiên cứu sinh là người chủ chốt làm ra luận án nhưng đánh giá luận án là do người hướng dẫn, hội đồng bảo vệ và rất nhiều bên liên quan.
Chỉ riêng việc xét hội đồng bảo vệ đã rất khó, điều quan trọng là thẩm định lại việc hội đồng trước đó đã làm công khai, minh bạch chưa, có gì lấp liếm không. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, trong quy trình bảo vệ trước đó, mọi biên bản đều đầy đủ thì làm sao quy trách nhiệm cho hội đồng cũ được?
Trong trường hợp, luận án thẩm định lại phát hiện không xứng ‘tầm’ thì sẽ quay sang một vấn đề nghiêm trọng hơn đó là đánh giá tư cách của những người làm trong hội đồng, liệu họ có đang dễ dãi hoặc có sự nể nang, không làm đúng trách nhiệm? Vấn đề này phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều.
Tôi lấy ví dụ, ở Việt Nam nhiều người mặc định phải có học hàm, học vị để ‘thăng quan tiến chức’. Chính vì vậy, trừ sao chép, ăn cắp thì rất khó để thẩm định một luận án tiến sĩ và đưa đến kết luận thu hồi luận án, tước bỏ học vị”, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Toán học nói.
Giáo sư Lê Tuấn Hoa bày tỏ, không nên trông chờ quá nhiều vào khâu hậu kiểm luận án tiến sĩ, điều quan trọng là phải có cơ sở khoa học rõ ràng để cân, đo, đong, đếm tính khoa học của một luận án ngay từ ban đầu.
Tiến sĩ không phục vụ cho bộ máy công quyền
Cũng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng thẩm định lại luận án tiến sĩ thường không đem lại kết quả chỉ mất thời gian và tiền bạc.
“Nếu phải truy xét lỗi thuộc về ai thì chắc chắn là do hội đồng.
Phải biết rằng, tiến sĩ bây giờ khác với hồi xưa. Ông Nghè (chỉ những ai đỗ tới bậc tiến sĩ trước đây) thi cử chỉ cần đọc mấy câu thơ rồi bình là có thể làm quan huyện, thống đốc. Tuy nhiên, tiến sĩ ngày nay cần là những công trình nghiên cứu khoa học, có tính ứng dụng thực tiễn. Học vị tiến sĩ ngày nay chỉ có nhiệm vụ chứng minh trình độ chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó chứ không phục vụ cho bộ máy công quyền.
Một thực tế đáng buồn là ít ai hiểu được điều đó, nhiều người đổ xô đi học tiến sĩ cho ‘oai’ để dễ dàng thăng tiến mà quên mất rằng bản chất của học vị tiến sĩ là phục vụ công việc nghiên cứu khoa học”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải phân tích.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, muốn ngăn chặn được tình trạng ‘đẻ’ ra nhiều tiến sĩ ‘dởm’ thì cần:
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh lại quy trình đào tạo tiến sĩ. Khi đã trở thành tiến sĩ thì phải có những công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng và chứa hàm lượng khoa học cao. Đặc biệt, quy chế cần yêu cầu sau 2 năm làm tiến sĩ không có công trình nghiên cứu thì phải xử lý như thế nào?
Thứ hai, dùng người đúng theo năng lực. Học vị không phục vụ cho bộ máy công quyền, chính vì vậy cần trả lại các tiến sĩ, giáo sư về các viện nghiên cứu, nhà máy, các trường đại học, còn ai không muốn làm cho nhà nước thì tự mở công ty.
Thứ ba, muốn thẩm định thì hãy thẩm định hậu buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. Ví dụ ở nước ngoài những luận án có sản phẩm thì phải thẩm định sản phẩm.
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cũng nhấn mạnh các cơ sở quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo cần nâng cao vai trò giám sát để có thể cho ra những tiến sĩ ‘thực’, có năng lực và phẩm chất xứng tầm.