Tham dự buổi họp báo có ông Cao Lại Quang – Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam; Ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty UBM Asia; Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 7/11 đến ngày 9/11, Triểm lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam – VIETWATER 2018 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Ông Cao Lại Quang phát biểu tại họp báo. Ảnh: V.C |
Đây sẽ là sự kiện đánh dấu chặng đường 10 năm VIETWATER đồng hành cùng ngành nước Việt Nam.
Sự kiện năm nay dự kiến thu hút tham gia từ 13 nhóm gian hàng quốc tế đến từ các quốc gia có ngành nước phát triển như Anh, Pháp, Bỉ, Phân Lan, Đức, Úc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan...
Tại buổi họp báo, ông Cao Lại Quang – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhấn mạnh: “Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá.
Tính đến ngày 30/6/2018, 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h, chất lượng dịch vụ và chất lượng nước đã được cải thiện.
Hiện trạng cấp nước có tổng công suất thiết kế đạt 8,7 triệu m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, ngành nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Hệ thống cấp nước hiện nay của chúng ta còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa. Tỷ lệ thất thoát nước còn rất cao và năng lực quản lý còn rất thấp”.
Ngoài vấn đề về cấp thoát nước, các đô thị tại Việt Nam còn đang đối mặt với khó khăn trong xử lý chất thải rắn.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Việc phân loại rác thải, chất thải rắn tại nguồn hiện nay chúng ta chưa làm được, và công nghệ của Việt Nam hiện nay đa phần là chôn lấp.
Lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề bức xúc, vì vậy cần có hướng đầu tư mới để hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý chất thải rắn.
Trong bối cảnh này, Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam đã cùng với Công ty UBM Asia phối hợp tổ chức hội thảo chuyên môn.
Tôi hi vọng đây sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng nhau tìm ra giải pháp thích hợp với điều kiện của từng địa phương tại Việt Nam”.
Ông BT Tee phát biểu tại họp báo. Ảnh: V.C |
Cũng xoay quanh vấn đề cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn, ông BT Tee – Tổng Giám đốc UBM VIETNAM (đại diện đơn vị tổ chức VIETWATER 2018 UBM ASIA) nhấn mạnh: “Có 5 từ khóa mà tôi muốn nói về vấn đề này đó là: Sự bền vững, trách nhiệm của doanh nghiệp, đô thị hóa và công nghiệp hóa, sự nóng lên toàn cầu, chất thải nhựa.
Chúng ta có trách nhiệm với sự phát triển kinh tế nhưng cũng phải có trách nhiệm với các thế hệ mai sau của mình.
Vì thế cần phải có sự đồng bộ trong phát triển xử lý chất thải, nhất là chất thải nhựa vì Việt Nam đang nằm trong top đầu thế giới các nước phát sinh chất thải nhựa".