Hưng Yên: Đã cấp phép 46 dự án đầu tư giáo dục ngoài công lập
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, kết quả thực hiện đến năm học 2021-2022, đối với giáo dục mầm non, toàn tỉnh có 369 cơ sở công lập và ngoài công lập. Trong đó, có 161 cơ sở giáo dục mầm non công lập (chiếm 43,6%), 31 trường mầm non ngoài công lập và 177 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (chiếm 56,4%).
So với năm học 2019-2020, tăng 6 trường và 24 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tăng 3,3% .
Về số trẻ mầm non, toàn tỉnh có 71.034 trẻ mầm non đến trường trong đó có 13.790 trẻ mầm non ngoài công lập (chiếm 19,4%). So với năm học 2019-2020, tăng 1,77%.
Đối với giáo dục phổ thông, toàn tỉnh có 347 trường. Trong đó: có 332 trường phổ thông công lập (138 trường tiểu học; 142 trường trung học cơ sở; 27 trường tiểu học và trung học cơ sở; 01 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, 24 trường trung học phổ thông), chiếm 95,7% và 15 trường phổ thông ngoài công lập (01 rường tiểu học, 11 trường trung học phổ thông, 03 trường phổ thông nhiều cấp học), chiếm 4,3%. So với năm học 2019-2020, tăng 01 trường (tương đương tăng 0,4%).
Một giờ sinh hoạt ngoại khóa của cơ sở giáo dục ngoài công lập tại Hưng Yên. (Ảnh: Trường Trung học phổ thông Hùng Vương). |
Số học sinh phổ thông trên toàn tỉnh là 243.335 học sinh. Trong đó, số học sinh phổ thông ngoài công lập là 10.989 em (2.596 học sinh tiểu học; 1.274 học sinh trung học cơ sở; 7.119 học sinh trung học phổ thông), chiếm 4,5%. So với năm học 2019-2020, tăng 0,5%.
Về giáo dục nghề nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 11 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, còn lại là các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (chiếm 66,7%) và 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập (chiếm 33,3%).
Theo ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên, tính đến thời điểm này, Hưng Yên đã đa dạng hoá các loại hình giáo dục, phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập ở cả bậc học mầm non, trung học phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp.
Số lượng các dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa được thành lập, cấp giấy phép hoạt động bao gồm: 31 trường mầm non ngoài công lập, 01 trường tiểu học, 11 trường trung học phổ thông, 03 trường phổ thông nhiều cấp học (tổng số 46 dự án).
"Chất lượng giáo dục ở một số trường mầm non và phổ thông ngoài công lập khá tốt. Các cơ sở mầm non ngoài công lập đã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giáo dục trẻ đến trường và giảm bớt sức ép cho các trường công tại các khu công nghiệp do lượng tăng dân số cơ học cao", giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên nhận định.
Cao Bằng: Kết quả tính đến năm 2022 ở bậc mầm non thấp hơn mục tiêu đặt ra năm 2020
Theo số liệu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cung cấp tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/8/2022 cho thấy một số kết quả huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo được ghi nhận như sau:
Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập; tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có số ít các trường, lớp ngoài công lập với quy mô nhỏ được thành lập ở trung tâm thành phố Cao Bằng và tập trung hầu hết ở cấp mầm non. Mặc dù vậy, mô hình này đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập và được chăm sóc đối với trẻ mầm non trên địa bàn các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, giảm tải cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Số liệu cụ thể như bảng dưới đây:
(*) Số liệu năm 2019 được cộng dồn từ năm 2016 đến năm 2019; Số liệu năm2022 được cộng dồn từ năm 2020 đến năm 2022. |
Tính chung các cấp học, đến tháng 8/2022, toàn tỉnh Cao Bằng có 7,69% cơ sở giáo dục là cơ sở ngoài công lập (bao gồm cả các cơ sở giáo dục mầm non chưa đủ điều kiện thành lập trường mầm non) (thấp hơn 0,84% so với mục tiêu đặt ra cho năm 2020) và có 0,71% học sinh theo học các cơ sở giáo dục ngoài công lập (cao hơn 0,06% so với mục tiêu của năm 2020).
Tính riêng cấp mầm non, toàn tỉnh có 19,46% là cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (thấp hơn 5,68% so với mục tiêu đặt ra cho năm 2020) và 2,73% trẻ em theo học các cơ sở ngoài công lập (cao hơn 0,42% so với mục tiêu của năm 2020).
Số cơ sở giáo dục mầm non xã hội hóa (bao gồm cả các nhóm, lớp độc lập tư thục) được thành lập, cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019- 2022 là 14 đơn vị với tổng kinh phí xã hội hóa được đầu tư là khoảng 16,27 tỷ đồng, hầu hết tập trung ở khu vực thành phố Cao Bằng.
Cũng theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 04/6/2019.
Cụ thể, Cao Bằng là một tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, phân bố dân cư không đồng đều, mật độ dân số thấp (79 người/km). Dân số Cao Bằng hầu hết tập trung ở nông thôn, miền núi (76,76%), tỉ lệ dân số là người dân tộc thiểu số lớn (hơn 95%); hầu hết người học ở Cao Bằng thuộc đối tượng thụ hưởng các chính sách miễn, giảm học phí, các chương trình, dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Điều này cho thấy công tác phát triển giáo dục ngoài công lập và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục tại Cao Bằng trong giai đoạn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thu ngân sách hằng năm của tỉnh Cao Bằng còn rất hạn chế; chi ngân sách địa phương hầu hết phụ thuộc vào nguồn thu bổ sung từ ngân sách Trung ương; do đó, việc bố trí ngân sách nhà nước để khuyến khích và hỗ trợ công tác phát triển giáo dục ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, địa bàn tỉnh miền núi với nhiều hạn chế về mặt bằng xây dựng, cùng nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, các chính sách huy động đầu tư của tỉnh cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để cân đối giữa khả năng đáp ứng và nhu cầu của nhà đầu tư.
Trong giai đoạn thành lập, nhiều cơ sở giáo dục xã hội hóa gặp khó khăn trong công tác huy động nguồn lực tài chính để đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các nhóm, lớp. Trong khi đó, với điều kiện kinh tế - xã hội còn có nhiều hạn chế, cùng với những tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, tỉnh Cao Bằng chưa thể ban hành các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc loại hình này.
Đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thường không ổn định, ít gắn bó lâu dài; Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số chủ nhóm trẻ và giáo viên còn hạn chế nên công tác tổ chức, quản lý và hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non này chưa thực sự hiệu quả.
Một số nhóm, lớp hoạt động chưa có tính ổn định và không có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững. Tại một số địa phương, phụ huynh có công việc không ổn định, chỉ khi nào không thể tự trông giữ trẻ mới có nhu cầu gửi trẻ; do vậy, một số cơ sở có số trẻ không ổn định.
Toàn bộ các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa có điều kiện để phát triển; do vậy, định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục, nội dung nền tảng để giao nhiệm vụ và giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, còn gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai xây dựng và ban hành.
Từ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng có một số đề xuất kiến nghị, đối với Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, cần tiếp tục có các chính sách, chương trình, dự án phù hợp đẩy mạnh hỗ trợ cho các tỉnh miền núi để cải thiện và nâng cao điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Đối với các cấp chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ học sinh về quyền học tập của trẻ em, về chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để mỗi gia đình, mỗi người dân nhận thức một cách đầy đủ về ý nghĩa quan trọng của giáo dục - đào tạo trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, thực hiện công bằng trong giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện xã hội hóa giáo dục; đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.