Giao đất phải qua đấu thầu khiến Thanh Hoá gặp khó trong mở rộng trường NCL

18/08/2022 06:56
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc giao đất phải thông qua đấu thầu, vì vậy từ năm 2020 đến nay các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư trong lĩnh vực xã hội hoá giáo dục.

LTS: Thực hiện loạt bài về quá trình triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP từ năm 2019 đến nay, với mong muốn ghi nhận từ chính các địa phương triển khai, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi công văn tới 63 tỉnh, thành phố đề nghị cung cấp thông tin về những kết quả, thuận lợi, khó khăn sau 3 năm triển khai Nghị quyết cũng như đề xuất, kiến nghị.

Vừa qua, Toà soạn đã nhận được công văn phản hồi của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Thanh Hoá. Để rộng đường dư luận, Toà soạn thông tin tới độc giả một số nội dung chính mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá đã cung cấp do Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tạ Hồng Lựu ký.

Từ trước cho đến năm 2019, các cơ sở giáo dục ngoài công lập tại Thanh Hoá được đầu tư từ các nguồn lực xã hội gồm:

Mầm non: Có 34 cơ sở ngoài công lập, số học sinh được huy động là 9.016.

Tiểu học: Có 3 cơ sở ngoài công lập, số học sinh được huy động là 1.665.

Trung học cơ sở: Có 0 cơ sở ngoài công lập, số học sinh được huy động là 373.

Trung học phổ thông: Có 8 (trong đó có 1 trường liên cấp tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông) cơ sở ngoài công lập, số học sinh được huy động là 3.141.

Tổng số các cơ sở ngoài công lập được đầu tư từ các nguồn lực xã hội là 45 cơ sở, huy động 14.195 học sinh. Số học sinh ngoài công lập đạt tỷ lệ 1,71%.

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Theo thống kê năm học 2021-2022, Thanh Hoá có 60 cơ sở giáo dục ngoài công lập được đầu tư từ các nguồn lực xã hội, huy động 28.269 học sinh, đạt tỷ lệ 3,22%, cụ thể như sau:

Mầm non: Có 41 cơ sở ngoài công lập, số học sinh được huy động là 19.421.

Tiểu học: Có 5 cơ sở ngoài công lập, số học sinh được huy động là 3.874.

Trung học cơ sở: Có 3 (trong đó có 3 trường liên cấp tiểu học – trung học cơ sở) cơ sở ngoài công lập, số học sinh được huy động là 1.036.

Trung học phổ thông: Có 11 (trong đó có 4 trường liên cấp tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông) cơ sở ngoài công lập, số học sinh được huy động là 3.938.

Như vậy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ, theo thống kê các cơ sở ngoài công lập được đầu tư các nguồn lực xã hội tăng thêm 15 cơ sở, học sinh tăng 14.074 học sinh, tỷ lệ học sinh tăng 1,51%, dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh tăng 5%.

Bên cạnh những thuận lợi thì Thanh Hoá cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ do là tỉnh đất rộng người đông, điều kiện kinh tế còn chậm phát triển, đại đa số người dân còn khó khăn nên con em của họ chủ yếu đi học trong các trường công lập, mục tiêu để phải đóng góp kinh phí ít.

Cùng với đó, sau khi có Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ ban hành về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Việc giao đất cho các nhà đầu tư trong tất cả các lĩnh vực phải thông qua đấu thầu, vì vậy từ năm 2020 đến nay các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư trong lĩnh vực xã hội hoá giáo dục.

Do đó, Thanh Hoá đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù trong lĩnh vực xã hội hoá giáo dục để kêu gọi các nhà đầu tư phát triển nhằm đạt được mục tiêu đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hoá theo Nghị quyết 35.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn sự phối hợp cung cấp thông tin của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá và Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá.

Linh Hương