Theo số liệu mới nhất, số trẻ em tử vong do sởi ở nước ta là 108 trường hợp, gấp hơn 4 lần so với trước đó Bộ Y tế đã công bố. Nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh sởi năm nay bùng phát trên diện rộng, có nhiều biến chứng nguy hiểm,… được các chuyên gia y tế nhận định là do công tác dự phòng dịch còn nhiều hạn chế, trong đó có việc tiêm phòng vacxin sởi cho trẻ em.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Tuấn (GĐ Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển Cộng đồng), một nguyên nhân nữa cũng đáng lưu ý không kém, đó là tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở nước ta đang có chiều hướng ngày càng đi xuống. Điều này dẫn tới trẻ không có hoặc suy giảm chức năng miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi.
TS. Trần Tuấn - GĐ Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển Cộng đồng. |
TS. Trần Tuấn cho biết: “Bệnh sởi thường xảy ra ít nhất là sau 6 tháng đầu. Rất hiếm khi mà trẻ dưới 6 tháng tuổi bị sởi, trừ trường hợp không được bú sữa mẹ, hoặc có 1 bệnh lý nào đó ở người mẹ. Bởi nếu người mẹ đã có miễn dịch đối với bệnh sởi thì trong sữa mẹ cũng sẽ có các kháng thể chống được kháng nguyên sởi. Kháng thể này sẽ được truyền sang cho con và là yếu tố bảo vệ trẻ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
“Vì vậy, nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có thể giúp trẻ phòng tránh được bệnh sởi, hoặc nếu có bị sởi cũng sẽ không nguy hiểm bằng những trẻ không được ăn sữa mẹ. Tất nhiên là trong trường hợp người mẹ có kháng thể sởi”- TS. Trần Tuấn nhấn mạnh.
Thầy thuốc ưu tú – Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi, Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. |
Theo các chuyên gia y tế, sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, bao gồm đường, chất béo, đạm, nước với nồng độ cần thiết cho trẻ. Cơ thể của trẻ tiêu hóa nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ tốt hơn sữa ngoài. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng và kháng thể mà bé cần, sữa mẹ làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường và bệnh bạch cầu ở trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi sự nhiễm trùng hô hấp, tai và một số bệnh dị ứng như hen suyễn, chàm. Sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của bé bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật… Đối với trẻ sanh thiếu tháng, được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài. Ngoài ra, trẻ nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn.
Tuy nhiên, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), số trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ ở nước ta hiện chỉ đạt 17%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực khác./.