TPHCM: Trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh, ngành GD lần đầu “bàn sâu, nói thẳng"

13/01/2024 07:27
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 3 năm thực hiện Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT, lần đầu tiên ngành giáo dục TPHCM “bàn sâu, nói thẳng” về việc trẻ em làm quen với tiếng Anh.

Ngày 12/1/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT.

1.218 cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh

Phát biểu tại hội thảo, bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong năm học 2023 – 2024, có 1.218 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố có tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Trong số này có 449 trường công lập, 401 trường dân lập hay tư thục, 368 lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non báo cáo tại hội thảo (ảnh: V.D)

Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non báo cáo tại hội thảo (ảnh: V.D)

Qua thống kê của Sở, hiện toàn địa bàn thành phố có hơn 156.000 trẻ em được làm quen với tiếng Anh, chiếm gần 58% số học sinh mẫu giáo trên địa bàn.

Trong đó, cao nhất là trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 6 tuổi chiếm 62,28%, sau đó thì giảm dần với lứa tuổi 4 đến 5 tuổi và 3 đến 4 tuổi.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 18 chương trình trẻ làm quen với tiếng Anh, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.

Thông thường, trẻ em trên địa bàn thành phố sẽ được làm quen với tiếng Anh thời lượng 2 buổi/tuần, thời gian là từ 25 đến 40 phút, tùy theo độ tuổi của trẻ.

Theo đánh giá của Sở, việc triển khai chương trình trẻ làm quen với tiếng Anh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp trẻ sớm làm quen với ngôn ngữ thứ hai, mạnh dạn và tự tin hơn trong giao tiếp.

Hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh cũng tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh với nhiều hình thức đa dạng, đảm bảo tính khoa học, vừa sức, liên thông giữa các độ tuổi và phát triển năng lực giao tiếp.

Thế nhưng, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, hiện tỷ lệ trẻ em ở các nhóm lớp độc lập tư thục được làm quen với tiếng Anh vẫn chưa cao. Các em trong gia đình thuộc diện hộ cận nghèo ở khu vực ngoại thành chưa có điều kiện tham gia chương trình.

Tại một số cơ sở giáo dục mầm non, số lượng trẻ tham gia giờ làm quen với tiếng Anh vẫn còn đông, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, vẫn có tình trạng giáo viên thiếu chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm mầm non.

Đề xuất 4 phương pháp nâng cao hiệu quả trẻ làm quen với tiếng Anh

Phát biểu tại hội thảo, ông James Moran – Giám đốc học vụ EMG Education đã đề xuất 4 phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả trẻ em làm quen với tiếng Anh.

Ông James Moran phát biểu tại hội thảo (ảnh: V.D)

Ông James Moran phát biểu tại hội thảo (ảnh: V.D)

Thứ nhất: Nên khuyến khích các trường kết hợp hoạt động phát triển kỹ năng nghe – nói có sử dụng các từ ngữ và câu lệnh đồng nhất trong các hoạt động học tập bình thường của trẻ.

Thứ hai: Các trường phải thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên.

Thứ ba: Các trường phải tích hợp công nghệ trong giảng dạy. Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, các công cụ giáo dục và tài nguyên học tập có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, và làm quen với tiếng Anh của trẻ.

Thứ tư: Các trường phải thường xuyên đánh giá và phản hồi. Theo đó, nên có công cụ và phương pháp hiệu quả để đánh giá, đưa ra các phản hồi về các biểu hiện tiến bộ trong từng kỹ năng nghe, nói, làm quen với đọc và cả làm quen với viết, cũng như đánh giá về sự hứng thú của trẻ đối với hoạt động làm quen với tiếng Anh.

Theo ông Nguyễn Bá Lĩnh – đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi, nguồn giáo viên đủ điều kiện tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại huyện vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc thuê giáo viên người nước ngoài, hoặc giáo viên người Việt Nam đáp ứng được yêu cầu giảng dạy chủ yếu lấy từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, mức thu học phí cho hoạt động này còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong việc hợp đồng với đơn vị cung cấp giáo viên tiếng Anh.

“Bàn sâu, nói thẳng” về hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh

Đến tham dự và chủ trì hội thảo, bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, sau 3 năm thực tế triển khai, đây là lần đầu tiên, ngành giáo dục thành phố “bàn sâu, nói thẳng” về thực tế triển khai hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh làm quen với tiếng Anh (ảnh minh họa: V.D)

Trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh làm quen với tiếng Anh (ảnh minh họa: V.D)

Bà Lê Thụy Mỵ Châu cho hay, số liệu thống kê tỷ lệ trẻ được làm quen với tiếng Anh vẫn chưa thể khiến cho ngành yên tâm, nhất là ở khối các trường dân lập, tư thục và nhóm lớp độc lập, tư thục.

“Để học ngôn ngữ thứ hai thật chuẩn, chúng ta cần tăng cường quản lý, kiểm tra và đánh giá việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Việc khảo sát đánh giá Chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh cần có cơ sở để thực hiện theo chuẩn.”

Trong thời gian tới, bà Lê Thụy Mỵ Châu đề nghị các địa phương trong thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng, nhân rộng những mô hình có chất lượng, xây dựng kế hoạch triển khai với giải pháp phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Quá trình triển khai, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước, tăng cường phối hợp giữa các trung tâm ngoại ngữ với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường nhằm nâng cao hiệu quả triển khai.

Việt Dũng