Cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh: Trường bỏ giữa chừng vì khó thực hiện

31/05/2023 06:34
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở Sốp Cộp (Sơn La) có trường đã cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh song phải bỏ vì nhiều phát sinh khi triển khai thực tế.

Không biết bao giờ mới thực hiện được theo thông tư của Bộ

Ngày 31/3/2021, Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, đến hết năm học 2022 – 2023, toàn huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) chỉ có duy nhất một đơn vị trường tư thục thực hiện được việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh. Đây là thông tin thầy Đoàn Văn Kham – Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cung cấp cho phóng viên khi được hỏi về chương trình cho trẻ mầm non 5 tuổi làm quen với tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Thầy Đoàn Văn Kham cho biết thêm: “Địa phương đã tích cực triển khai nhưng có nhiều khó khăn nên phải dừng.

Đơn cử, các trường, phụ huynh không có điều kiện đóng thêm kinh phí để cho con em làm quen với tiếng Anh và khó khăn cơ bản nhất ở Sốp Cộp là thiếu giáo viên tiếng Anh.

Năm trước, cả huyện có 1 cơ sở giáo dục mầm non thực hiện cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh khi tổ chức hợp tác với trung tâm tiếng Anh ngoài tỉnh vào thực hiện. Tuy nhiên, do chi phí cao, số trẻ tham gia không nhiều nên phải tạm dừng”.

"Ở Sốp Cộp không có vị trí việc làm là giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non. Do vậy, không có thầy cô để thực hiện cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh.

Trên địa bàn vùng sâu, vùng xa như Sốp Cộp thì tỷ lệ giáo viên biết tiếng Anh rất ít, với các cô giáo mầm non thì dù có đi đào tạo, bồi dưỡng để lấy chứng chỉ về cũng không thể dạy được.

Giờ học của cô trò điểm trường mầm non bản Nậm Khún, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Ảnh minh họa: Huyền Trang

Giờ học của cô trò điểm trường mầm non bản Nậm Khún, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Ảnh minh họa: Huyền Trang

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non không có chuyên môn tiếng Anh nên việc giám sát chất lượng rất khó thực hiện.

Như đã nói, trên địa bàn huyện Sốp Cộp từng có 1 cơ sở giáo dục mầm non thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh, tuy nhiên, nhà trường không có chuyên môn nên khó giám sát.

Để kiểm soát chất lượng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phải nhờ giáo viên tiếng Anh ở phổ thông tham gia vào quá trình đánh giá sơ bộ trước khi cho tổ chức”, thầy Kham cho biết thêm.

Trên cơ sở một số khó khăn khi quá trình thực hiện, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cho rằng, để thực hiện được trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trước hết phải cho biên chế giáo viên tiếng Anh; rồi cấp thêm kinh phí để giáo viên mầm non được bồi dưỡng tiếng Anh thì mới hỗ trợ hiệu quả cho giáo viên ngoại ngữ được.

Cùng với đó, cần phải có kinh phí để đầu tư thiết bị dạy, học tiếng Anh.

“Thông tư 50 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được xây dựng với thời lượng 35 tuần/năm trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện và phụ huynh có nhu cầu.

Song, các trường mầm non đóng trên miền núi như Sốp Cộp với đặc thù có rất nhiều điểm lẻ, lớp ghép… các điểm bản cách xa trung tâm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn.

Từ con người đến thiết bị nghe nhìn, trình chiếu... phục vụ cho học tiếng Anh còn gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, để thực hiện được việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh như Thông tư 50 thì không biết đến bao giờ mới có thể thực hiện được", thầy Đoàn Văn Kham chia sẻ.

"Ngay cả khi có cho vị trí việc làm là giáo viên tiếng Anh tại các cơ sở mầm non cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Bởi, giáo viên tiếng Anh trên này đang rất hiếm, nhiều người học sư phạm tiếng Anh ra họ cũng không muốn về các vùng sâu, vùng xa đi dạy vì thu nhập thấp, vất vả...

Nếu bảo tìm giáo viên tiếng Anh lên đây dạy hợp đồng, phải đi các điểm lẻ, vùng sâu vùng xa cách hàng chục km thì chắc chẳng mấy người làm. Bởi, cơ hội kiếm việc làm của giáo viên tiếng Anh luôn nhiều hơn so với các giáo viên khác ở các vùng thuận lợi.

Chưa kể, tại huyện Sốp Cộp nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh cho tiểu học, trung học cơ sở theo biên chế giao mấy năm nay rất khó khăn”, thầy Kham cho biết.

Khó giám sát chất lượng

Tại huyện vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu), thầy Phạm Văn Phôi – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng cho biết: “Năm học 2022 – 2023, toàn huyện có 01 trường tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh với 260 trẻ, tăng 90 trẻ so với năm học 2021-2022.

Cơ sở giáo dục mầm non này đã phối hợp với một trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu hợp đồng giáo viên tổ chức dạy làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non 5 tuổi với thời lượng trung bình 02 tiết/tuần với 01 giáo viên tham gia giảng dạy.

Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo của cơ sở giáo dục mầm non được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định theo đúng quy định, đảm bảo nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp với trẻ và đảm bảo chất lượng”.

Nói về việc có ít cơ sở thực hiện cho trẻ làm quen với tiếng Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ cho biết:

“Các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Sìn Hồ không có biên chế giáo viên chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ, trình độ tiếng Anh của giáo viên mầm non còn hạn chế; các trường chưa có phòng học, thiết bị dành riêng cho việc dạy và học tiếng Anh.

Trẻ vùng cao còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, không biết bao giờ mới thực hiện được việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Ảnh minh họa: LC

Trẻ vùng cao còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, không biết bao giờ mới thực hiện được việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Ảnh minh họa: LC

Huyện Sìn Hồ có tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (trên 90%), đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên việc quan tâm đầu tư cho trẻ mầm non học tiếng Anh từ phía phụ huynh còn nhiều hạn chế.

Một số phụ huynh cũng chưa nhận thức rõ ý nghĩa của việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh hoặc cho rằng trẻ người dân tộc thiểu số chỉ cần học tốt tiếng Việt và tiếng của dân tộc mình là đủ, không cần học tiếng Anh.

Việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh sẽ khiến phụ huynh phải gánh thêm chi phí học tập, nên khó khăn cho các nhà trường trong công tác vận động phụ huynh cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, đặc biệt là phụ huynh người dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn.

Cùng với đó, Sìn Hồ là địa bàn huyện vùng cao biên giới nên môi trường giao tiếp tiếng Anh của trẻ mẫu giáo còn nhiều hạn chế.

Thời gian sắp xếp lịch học của các nhà trường phụ thuộc vào trung tâm ngoại ngữ tại Lai Châu nên việc triển khai cũng gặp nhiều bất cập”.

Về việc giám sát chất lượng, thầy Phạm Văn Phôi cho biết, việc cho trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh được thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu.

Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng như thế nào cũng đang gây khó cho các cơ sở giáo dục mầm non bởi các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện không có chuyên môn tiếng Anh.

Trần Phương