TP.HCM cho phép điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học THCS đi dạy tiểu học

12/09/2022 09:51
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do thiếu giáo viên, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các Phòng Giáo dục có thể điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học trung học cơ sở dạy tiểu học.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký văn bản 3159/SGDĐT-GDTH, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học của thành phố năm học 2022 – 2023.

Theo đó, lãnh đạo Sở đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, các quận huyện phải đảm bảo cho 100% học sinh lớp 3 trong năm học này được học Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ động có các kịch bản, phương án cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế.

Thực hiện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục tiểu học có nhiều điểm trường (phòng học có thiết bị nghe, nhìn, có thiết bị kết nối internet), xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, tập huấn và thực hiện hướng dẫn giáo viên thực hiện phương án dạy học linh hoạt tại các trường, điểm trường không thể bố trí giáo viên dạy học trực tiếp Tiếng Anh, Tin học.

TPHCM sẽ điều giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học trung học cơ sở đi dạy tiểu học (ảnh minh họa: P.L)

TPHCM sẽ điều giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học trung học cơ sở đi dạy tiểu học (ảnh minh họa: P.L)

Xây dựng kế hoạch khai thác và sử dụng hiệu quả các phòng học bộ môn theo hình thức liên trường, liên cấp học đối với các tiết học thực hành, đảm bảo thuận lợi, khả thi, an toàn trong tổ chức dạy học, xây dựng ngân hàng máy tính, thiết bị dạy học dùng chung để đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học tại các trường, điểm trường theo đúng quy định.

Có phương án bố trí giáo viên linh hoạt, hợp lý, hiệu quả, bảo đảm tổ chức dạy học được môn Tiếng Anh, Tin học theo quy định ở tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục tiểu học trên địa bàn, thực hiện việc điều động giáo viên dạy liên trường ở cùng cấp học, biệt phái, điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp trung học cơ sở theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học (sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học).

Thực hiện việc quản lý, đánh giá giáo viên, có phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên biệt phái, điều động dạy liên trường, liên cấp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo đúng quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên, cần xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường, xây dựng phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến khi đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, đường truyền, thiết bị và có giáo viên trợ giảng, phụ trách lớp học tại các điểm cầu, tham mưu các cấp quản lý thực hiện phương án phối hợp với các tổ chức, cá nhân có chức năng, năng lực cung cấp dịch vụ để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học, bảo đảm thực hiện môn học.

Với lớp 1,2, các cơ sở giáo dục tiểu học thực hiện việc triển khai Chương trình Tiếng Anh tự chọn, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận đối với môn Tin học.

Với học sinh lớp 4,5, các trường tiếp tục dạy Tiếng Anh tự chọn theo chương trình cũ và chương trình thí điểm Tiếng Anh cấp tiểu học, tăng cường tổ chức dạy Tiếng Anh 8 buổi/tuần.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp lâu dài trong việc quy hoạch, tuyển dụng giáo viên dạy đúng và đủ các môn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hoặc bố trí giáo viên không đúng cơ cấu, không phù hợp với chuyên ngành đào tạo, chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên cho những môn mới của chương trình mới.

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học này, thành phố thiếu hơn 2.300 giáo viên ở bậc tiểu học, trong đó nhiều nhất vẫn là giáo viên Tiếng Anh và Tin học.

Việt Dũng