Tổng thu tăng nhưng chi phí đào tạo/sinh viên của ĐH Sư phạm nghệ thuật TW giảm

20/12/2023 06:34
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mặc dù "trắng" giáo sư nhưng số giảng viên cơ hữu là phó giáo sư của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đạt 63 người.

Qua tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong đề án tuyển sinh năm 2022 và năm 2023 của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho thấy, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường có xu hướng tăng.

Tổng nguồn thu hợp pháp của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương 3 năm gần đây.

Tổng nguồn thu hợp pháp của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương 3 năm gần đây.

Từ bảng dữ liệu trên cho thấy, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2021 của trường tăng hơn 1 tỷ đồng so với năm 2020 thì đến năm 2022 tổng thu tăng hơn 6 tỷ đồng so với năm 2021.

Đáng nói, dù tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường tăng nhưng tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/ năm liền trước năm tuyển sinh lại có xu hướng giảm qua các năm.

Cụ thể, năm 2021, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm liền trước năm tuyển sinh là 18.757.000 đồng, chi phí này ở năm 2022 là 18.524.416 đồng và ở năm 2023 là 17.730.550 đồng.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bày tỏ, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Thế nhưng, từ khi bắt đầu có Nghị định 116, nhiều sinh viên học ngành sư phạm của trường không đăng ký hưởng chế độ theo Nghị định này nên vẫn đóng học phí bình thường.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tổng nguồn thu hợp pháp của trường tăng lên sau năm 2020.

Bên cạnh đó, từ khi có Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, là một đơn vị có bề dày cùng uy tín trong đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, trường cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng giáo viên từ các địa phương; quy mô người học hệ vừa làm vừa học của trường tăng do thầy cô phải đáp ứng quy định về văn bằng theo Luật Giáo dục 2019 nên trường cũng có thêm nguồn thu hợp pháp từ đó.

Mặt khác, thầy Hưng bày tỏ, chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm liền trước năm tuyển sinh là tối đa bằng với mức thu học phí của sinh viên năm học đó. Và không phải cứ nguồn thu tăng là chi cho sinh viên nhiều hơn bởi nguồn ngân sách giảm theo lộ trình tự chủ.

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (Ảnh: Website nhà trường).

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (Ảnh: Website nhà trường).

Ngoài ra, chiếu theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT về thực hiện đăng tải báo cáo ba công khai, theo tìm hiểu của phóng viên, trên website của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương hiện chỉ có báo cáo 3 công khai của năm học 2022 - 2023.

Đặc biệt, trong báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm năm học 2022 - 2023 của trường có một số điểm đáng lưu ý.

Theo đó, trường có số lượng sinh viên hệ đại học vừa làm vừa học ở năm học 2022 - 2023 tương đối cao, chiếm 1/3 số sinh viên của hệ đại học chính quy.

Về vấn đề này, thầy Hưng chia sẻ, năm 2020 và năm 2021, trường được phép tuyển sinh số sinh viên hệ vừa làm vừa học bằng khoảng 30% so với chỉ tiêu tuyển sinh của hệ đại học chính quy.

Riêng năm 2022, trường được phép đào tạo khoảng 50% sinh viên hệ vừa làm vừa học so với chỉ tiêu tuyển sinh của hệ đại học chính quy.

Khoản 1 và 2, Điều 9, Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học vừa làm vừa học như sau:

1. Chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hình thức vừa làm vừa học (bao gồm đào tạo cho đối tượng đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đối tượng đã có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng và đào tạo liên thông trình độ cao đẳng cho đối tượng đã có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp) được xác định tối đa không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng chính quy.

2. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học vừa làm vừa học (bao gồm đào tạo cho đối tượng đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đối tượng đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học và đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng lên trình độ đại học) được xác định tối đa không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy theo từng lĩnh vực đào tạo trình độ đại học của cơ sở đào tạo. Đối với lĩnh vực Nghệ thuật và nhóm ngành Đào tạo giáo viên, chỉ tiêu tuyển sinh đại học hình thức vừa làm vừa học của cơ sở đào tạo được xác định tối đa không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy theo từng lĩnh vực đào tạo (theo từng ngành đào tạo đối với nhóm ngành Đào tạo giáo viên) trình độ đại học của cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, 2 năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, việc đào tạo của trường do đó cũng bị kéo dài theo. Bởi, không giống như những cơ sở đào tạo khác có thể học online để đảm bảo đúng tiến độ, các ngành học nghệ thuật có những môn học đặc thù phải học trực tiếp nên tiến độ chậm hơn.

Chính vì vậy, có một lượng lớn sinh viên hệ vừa làm vừa học của năm học 2022-2023 là do tồn đọng lại của hai năm trước nên số quy mô người học hệ này có tăng hơn so với những năm trước.

Mặt khác, thầy Hưng cho biết thêm, chủ yếu sinh viên hệ vừa làm vừa học của trường đến từ những người học đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng về sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật nhưng theo quy định phải có bằng đại học nên các em phải đi học nâng cao trình độ để hoàn thiện bằng cấp.

Tuy nhiên, năm 2023, trường gặp khó trong tuyển sinh nguồn người học hệ này. Bởi vì nguồn từ những người học này đã dần dần không còn nữa.

Mặt khác, tại báo cáo công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường năm học 2022-2023, phóng viên thấy, trường không có giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư. Tuy nhiên, số giảng viên cơ hữu là phó giáo sư lại tương đối cao với 63 người.

Số giảng viên cơ hữu năm học 2022-2023 của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương phân theo trình độ, chức danh.

Số giảng viên cơ hữu năm học 2022-2023 của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương phân theo trình độ, chức danh.

Thầy Hưng chia sẻ, việc đảm bảo có một đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao là một trong những chiến lược phát triển nguồn nhân lực của nhà trường nhằm phù hợp với hoạt động thực tiễn.

Hiện, nhà trường đang đặt ra mục tiêu có 20% số giảng viên cơ hữu là tiến sĩ, phó giáo sư. Đây cũng là mục tiêu then chốt của nhà trường trong thời gian tới.

Theo thầy Hưng, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một trong những cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ giảng viên có trình độ cao về lĩnh vực nghệ thuật tương đối lớn mạnh so với cơ sở đào tạo khác cùng khối ngành.

Trong thời gian tới, nhà trường cũng sẽ đưa ra những chính sách để thu hút nhân tài, người có kinh nghiệm giảng dạy, trình độ cao về lĩnh vực nghệ thuật để mở rộng quy mô đào tạo.

Đặc biệt, nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện để khuyến khích cán bộ quản lý, giảng viên nâng cao trình độ năng lực, tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước; các công tác tuyển dụng, quy hoạch, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cũng được nhà trường thực hiện rõ ràng, công khai để duy trì đội ngũ.

Là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo tiến sĩ về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, hiện trường đang đào tạo cán bộ, giảng viên đào tạo nghệ thuật có trình độ cao cho nhiều cơ sở đào tạo khác.

Do đó, rất cần có sự quan tâm hơn của Đảng và nhà nước về các chế độ chính sách cho những đơn vị như vậy. Bởi, văn hóa – nghệ thuật đang ngày càng ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế - xã hội, điều này được thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết của Đảng.

Cũng theo thầy Hưng, hầu hết cơ sở giáo dục đại học nào cũng đều muốn có đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao. Và Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng không ngoại lệ.

Nhà trường cũng rất muốn thu nhập cao hơn cho giảng viên để thu hút, chiêu mộ và giữ chân nhân tài nhưng do là cơ sở đào tạo về những ngành/chuyên ngành mang tính đặc thù nghệ thuật nên quy mô đào tạo, cách thức đào tạo cũng khó khăn để thực hiện được việc này.

Ngoài ra, chia sẻ về lý do vì sao không có giảng viên cơ hữu nào giáo sư, thầy Hưng cho hay, việc không có giảng viên cơ hữu là giáo sư đang là khó khăn chung của tất cả các trường đào tạo nghệ thuật.

Theo thầy Hưng, hiện nhà nước cũng có hướng mở như xét các tác phẩm nghệ thuật đối với giáo dục đào tạo, những giải thưởng nghệ thuật trong nước và quốc tế được tính điểm của các ứng viên xét công nhận phó giáo sư, giáo sư nhưng thầy mong rằng, điều này ngày càng được làm một cách chi tiết hơn nữa thì các ngành nghệ thuật mới có thể phát triển đúng nghĩa của nó.

Sau khi bài viết "3 năm liên tiếp Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương không tuyển đủ chỉ tiêu" được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 19/12/2023, lãnh đạo nhà trường xác nhận là có sự nhầm lẫn trong tổng hợp số liệu của ngành Công tác xã hội.

Theo đó, tại Đề án tuyển sinh năm 2022, trường nhầm lẫn số liệu ở số nhập học của ngành Công tác xã hội và ngành Du lịch của năm 2020. Và hiện tại trường đã điều chỉnh và cập nhật lại trên hệ thống website của nhà trường.

Cụ thể, thực tế, năm 2020, số nhập học chính xác là 15/80 chỉ tiêu đối với ngành Công tác xã hội và 52/80 chỉ tiêu đối với ngành Du lịch.

Số liệu nhập học trước đó (52/80 chỉ tiêu đối với ngành Công tác xã hội; 15/80 chỉ tiêu đối với ngành Du lịch), nhà trường xác nhận là có sự nhầm lẫn trong tổng hợp số liệu.

Tường San