Tôi nghĩ Bộ Giáo dục đã không lường trước được tình huống phát sinh 108 tổ hợp

13/04/2022 06:48
Ly Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nguyễn Xuân Thành viện dẫn Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập.

Bài viết "Dạy học tự chọn từ lớp 10: Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?" ngày 10/4/2022 đăng tải trên Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời một số nội dung liên quan đến việc triển khai Chương trình mới đối với lớp 10. [1]

Cá nhân tôi - một giáo viên đang dạy bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, không đồng tình với nhiều nội dung như Vụ trưởng Thành đã nói với báo chí, xin có đôi điều cùng trao đổi thêm.

Thứ nhất, Vụ trưởng Thành cho biết, "khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục đã nhận thấy việc lựa chọn 5 môn học trong 3 nhóm môn học sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp môn học mà điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường rất khó có thể đáp ứng được tất cả nguyện vọng của học sinh."

Nếu quả thực như vậy, phải chăng các nhà biên soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không đáp ứng được yêu cầu này của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông:

Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh.

Theo nhận định của người viết, Bộ Giáo dục đã nhận thấy sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp môn học nhưng việc "đẻ" ra 108 nhóm môn thì có lẽ Bộ Giáo dục cũng như ban soạn thảo chương trình chưa nghĩ tới đâu.

Minh chứng là, kể từ lúc Bộ Giáo dục ra Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đến nay, Bộ Giáo dục chưa một lần đề cập đến chuyện sẽ xuất hiện 108 tổ hợp môn trên các phương tiện truyền thông.

Cho đến ngày 16/3/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh "Hơn 80 tổ hợp môn của chương trình mới, các trường sẽ chọn sách giáo khoa thế nào?", và sau khi giải bài toán tổ hợp thì cho ra kết quả chính xác 108 nhóm môn, lúc đó dư luận và các phương tiện truyền thông mới biết đến "ma trận" chọn môn lớp 10 thế nào.

Tôi đã có dịp trao đổi với một số hiệu trưởng, hiệu phó bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì các lãnh đạo này cũng "mắt tròn mắt dẹt" khi nghe chương trình lớp 10 năm học tới xuất hiện đến 108 nhóm môn.

Các nhà trường trung học phổ thông đang gặp lúng túng khi chương trình giáo dục phổ thông mới "đẻ" ra 108 tổ hợp môn. (Ảnh minh họa: Dương Hà/giaoduc.net)

Các nhà trường trung học phổ thông đang gặp lúng túng khi chương trình giáo dục phổ thông mới "đẻ" ra 108 tổ hợp môn. (Ảnh minh họa: Dương Hà/giaoduc.net)

Thứ hai, theo ông Thành, vì "điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường rất khó có thể đáp ứng được tất cả nguyện vọng của học sinh nên Bộ Giáo dục ra Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định:

“Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.

Tôi cho rằng, Nghị quyết 88/2014/QH13 đã quy định rõ "Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh" và trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bởi thế việc để phát sinh tới 108 tổ hợp môn học trong chương trình mới, Bộ Giáo dục chỉ đạo các trường tự xây dựng các tổ hợp môn sao cho phù hợp phải chăng là đang đá "quả bóng" trách nhiệm về cho cơ sở?

Hơn nữa, thực tế các trường trung học phổ thông hiện nay đang thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm. Riêng Nội dung giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm do giáo viên các môn khác kiêm nhiệm nhưng thầy cô ở Thành phố Hồ Chí Minh (và nhiều tỉnh thành khác) vẫn chưa được tập huấn.

Thứ ba, ông Thành yêu cầu "sau khi đã xây dựng được các tổ hợp môn học lựa chọn, số lớp/mỗi tổ hợp mà trường có thể đáp ứng, các trường phải công bố sớm, rộng rãi để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ và quyết định đăng ký, lựa chọn, đây cũng là vấn đề các địa phương cần quy định trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông".

Theo ghi nhận của tôi, cho đến đầu tháng 4/2022, nơi trường tôi đang công tác và nhiều trường khác ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang loay hoay xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn. Nhiều trường dự tính sẽ xây dựng khoảng 10 tổ hợp môn, nếu cho học sinh chọn nhiều hơn cũng không kham nổi.

Hiện, hiệu trưởng các trường có thế mạnh về khoa học tự nhiên đang rất lo lắng có khả năng môn Lịch sử bị "xóa trắng", còn môn Âm nhạc, Mỹ thuật cũng rất khó xây dựng tổ hợp môn vì không có giáo viên - mặc dù Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã rất lạc quan khi chia sẻ với báo chí về nguồn nhân sự môn Nghệ thuật.

Cùng với đó, nhiều lãnh đạo trường học dự đoán môn Địa lí và Sinh học đang gặp bất lợi so với các môn tự chọn khác. Và vấn đề nảy sinh là, ít nhất sẽ có 50% học sinh không chọn hai môn học này, kéo theo giáo viên bộ môn thiếu tiết dạy chuẩn. Như vậy, thầy cô phải làm việc gì để nhận đủ lương hay ngồi chơi xơi nước?

Điều oái oăm, học sinh được tự chọn 5 môn từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật) nhưng lại bắt buộc đối với Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Thay lời kết

Trên diễn đàn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thời gian qua đã có rất nhiều bài phản ánh về sự bất cập của Chương trình mới tạo ra 108 tổ hợp môn nhưng dường như Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành đều né tránh khi trả lời dư luận, chưa đi vào trọng tâm vấn đề.

Thiết nghĩ, trước mắt Bộ Giáo dục nên có chỉ đạo rõ ràng về việc các nhà trường cần xây dựng bao nhiêu tổ hợp môn, tránh mỗi đơn vị làm một kiểu dẫn đến giáo viên, học sinh là những người chịu thiệt thòi nhất.

Tiếp đến, các trường trung học phổ thông phải nhanh chóng công khai các tổ hợp môn học lựa chọn, số lớp/mỗi tổ hợp để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu rõ và quyết định đăng ký, lựa chọn, vì thời gian thi tuyển sinh vào lớp 10 không còn nhiều.

Sau cùng, Bộ Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh khi học sinh chọn tổ hợp, đơn cử, lớp 10 các em chọn tổ hợp môn này nhưng lên lớp 11 lại chọn tổ hợp môn khác thì các trường giải quyết ra sao.

Về vấn đề này, ông Thành cho biết, "có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11" [2], theo tôi là không khả thi chút nào.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thanhnien.vn/day-hoc-tu-chon-tu-lop-10-bo-gd-dt-noi-gi-post1447214.html

[2] //giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuong-trinh-moi-lop-10-hoc-sinh-can-nhac-ky-truoc-khi-chon-to-hop-mon-hoc-lua-chon-23mISRs7R.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ly Ly