Cơ hội và thách thức đối với các trường đại học địa phương mùa tuyển sinh 2020

08/06/2020 15:52
Phạm Ngọc Lan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu lạc bộ Các trường đại học đại phương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Cơ hội và thách thức của các trường đại học địa phương trong mùa tuyển sinh năm 2020.

Sáng ngày 05/06/2020, Câu lạc bộ Các trường đại học đại phương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Cơ hội và thách thức của các trường đại học địa phương trong mùa tuyển sinh năm 2020”, tại phòng họp online, 707 Nhà điều hành Trường Đại học Hồng Đức.

Chù trì Hội thảo có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Hoàng Nam - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ; Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang – Ủy viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Điểm cầu Đại học Hồng Đức

Điểm cầu Đại học Hồng Đức

Tới tham dự hội thảo tại 22 điểm cầu có đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các Trưởng, Phó Ban Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng trường, Ban Giám hiệu; đại diện các phòng chức năng và các khoa đào tạo của 18 trường đại học địa phương:

Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Tân Trào, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Hải Dương, Trường Đại học Thái Bình, Trường Đại học Hoa Lư, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Trường Đại học Phú Yên, Trường Đại học Khánh Hòa, Trường Đại học Đồng Nai, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Tiền Giang, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, Trường Đại học Bạc Liêu.

Đài Truyền hình VTV2, Báo Giáo dục Việt Nam tham dự và đưa tin.

Điểm cầu Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Điểm cầu Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ nhiều vấn đề về những cơ hội, khó khăn và thách thức trong mùa tuyển sinh năm 2020 và những năm tiếp theo của các trường đại học địa phương;

Chia sẻ một số kinh nghiệm, một số giải pháp hữu hiệu trong công tác chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngành Giáo dục Đào tạo và các trường đại học địa phương trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh;

Chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong công tác tuyển sinh của các trường đại học địa phương trong bối cảnh tự chủ đại học.

Đồng thời, Hội thảo đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất của các trường đại học trong câu lạc bộ các trường đại học trực thuộc địa phương đối với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành trong việc tạo điều kiện, hành lang pháp lý để các trường đại học trực thuộc địa phương phát triển.

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục đại học, các cán bộ quản lý, các giảng viên của các trường đại học địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng đề án tuyển sinh và thực hiện công tác tuyển sinh.

Trên cơ sở đó, Hội thảo đã xác định rõ những cơ hội, khó khăn và thách thức trong mùa tuyển sinh 2020, từ đó giúp các trường đại học địa phương có những định hướng đúng đắn trong công tác tuyển sinh năm 2020 và những năm tiếp theo đảm bảo chất lượng, phù hợp với đặc thù địa phương.

Màn hình tổng thể

Màn hình tổng thể

Kết luận hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Nam - Quyền Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường đại học địa phương thay mặt đoàn chủ tọa tổng kết các ý kiến của các điểm cầu.

Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị sau: Đa phần các trường đại học trực thuộc địa phương là trường đại học đa ngành, đều có tiền thân là trường cao đẳng sư phạm, nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo giáo viên và có đội ngũ giảng viên hùng hậu, có trình độ chuyên môn cao.

Đại học Quảng Nam phát biểu tham luận

Đại học Quảng Nam phát biểu tham luận

Cho nên, đề nghị Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có trường đại học cần phải tạo điều kiện, giao chỉ tiêu, đặt hàng để các trường đại học địa phương tiếp tục đào tạo giáo viên cho các địa phương;

Đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các tỉnh/thành có trường đại học địa phương cần tạo điều kiện và có cơ chế hành lang pháp lý để 08 trường đại học sư phạm (nhóm G8) phải kết nối với các trường đại học địa phương tại các địa phương được giao phụ trách trong việc triển khai thực hiện “Chương trình phổ thông mới” và thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, lựa chọn sách giáo khoa mới cho địa phương;

Đề nghị lãnh đạo các địa phương cần quan tâm hơn, giao cho các trường đại học địa phương (nếu đủ điều kiện) trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, bồi dưỡng nâng ngạch, thăng hạng ở các địa phương;

Đề nghị Hiệp hội là đầu mối tăng cường tổ chức các Hội thảo trực tuyến để các trường đại học, cao đẳng trong Câu lạc bộ và trong hệ thống được tham gia, có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, …

Qua đó, tạo điều kiện cho các trường đại học địa phương phát triển.

Phạm Ngọc Lan