Tiêu chuẩn xét thăng hạng giáo viên minh bạch, rõ ràng hơn giúp thầy cô "tự soi"

25/11/2024 06:32
Anh Tú
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn về xét thăng hạng giáo viên, nhưng là điều cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT nhằm hướng dẫn việc xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học từ ngày 15/12/2024. Thông tư này thay thế Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT.

Việc thay thế, làm rõ các quy định cũ và đặt ra các tiêu chuẩn mới kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy.

Những thay đổi của Thông tư số 13 đảm bảo đội ngũ nhà giáo phải nỗ lực không ngừng để duy trì kiến thức cũng như cải tiến năng lực, để theo kịp yêu cầu quy định thăng hạng. Tuy nhiên, việc này đã đặt ra cho giáo viên cũng như nhà quản lý giáo dục những “bài toán” mới.

Tác động tích cực, song, vẫn gây áp lực lên giáo viên lớn tuổi

Trước hết, Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT đã làm rõ quy định việc xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tương đương, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc tính thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi giáo viên đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Cụ thể, Điều 13 bổ sung thời gian được tính vào thời gian giữ chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở hạng III như sau:

Điều 13 Thông tư 13_2024_TT-BGDĐT bổ sung thêm thời gian được tính vào thời gian giữ chức danh nghề nghiệp của giáo viên. Ảnh chụp màn hình..JPG
Điều 13 Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT bổ sung thêm thời gian được tính vào thời gian giữ chức danh nghề nghiệp của giáo viên. Ảnh chụp màn hình.

Đang trong quá trình chuẩn bị xét thăng hạng giáo viên từ mức III lên mức II, cô Đỗ Hồng Linh - giáo viên Trường Mầm non Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ về thuận lợi của Thông tư số 13: “Trước đây, nhiều giáo viên gặp khó khăn khi phải đối diện với các yêu cầu không được quy định chặt chẽ, dẫn đến việc thiếu công bằng trong quá trình xét duyệt.

Bây giờ, với tiêu chí cụ thể hơn, Thông tư số 13 không chỉ giúp quy trình xét thăng hạng công khai và minh bạch, mà còn giảm thiểu những tiêu cực, tạo nên một môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng hơn cho các giáo viên.

Chẳng hạn, Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT không có quy định cụ thể việc xác định thời gian giữ hạng tương đương để tính thời gian giữ hạng thấp hơn trước đó, đặc biệt đối với các giáo viên hạng III có nhu cầu đăng ký xét thăng hạng.

Vì vậy, khi Thông tư số 13 có thêm hướng dẫn cách tính đối với hạng này, tôi tin, các đồng nghiệp sẽ dễ dàng quan sát, tính toán để có kế hoạch rõ ràng cho bản thân”.

Capture.PNG
Cô Đỗ Hồng Linh - Giáo viên Trường Mầm non Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Bắc - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đánh giá, một trong những ưu điểm nổi bật của Thông tư số 13 là việc quy định các tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể hơn về trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy, kinh nghiệm công tác.

Điều này giúp giáo viên và cơ quan quản lý dễ dàng đánh giá, thực hiện quy trình xét thăng hạng theo các tiêu chí minh bạch, tránh hiểu lầm hay tranh cãi thường xảy ra khi tiêu chuẩn không rõ ràng.

Cũng theo cô Bắc, việc xét thăng hạng dựa trên những tiêu chuẩn cao hơn sẽ khuyến khích giáo viên tự cải thiện bản thân, thông qua việc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng và học tập không ngừng.

Mục tiêu của thông tư không chỉ dừng lại ở việc phân loại giáo viên theo từng hạng, mà còn hướng đến việc phát triển đội ngũ giáo viên có năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành giáo dục hiện đại.

Điều này sẽ có lợi cho học sinh, vì khi chất lượng giảng dạy được cải thiện, học sinh sẽ được hưởng lợi từ những giờ học hiệu quả.

“Bên cạnh đó, để đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không chỉ là câu chuyện chuyên môn mà còn có một vài tiêu chí khác.

Đó là sự hăng hái với các hoạt động tập thể, hòa nhập với đồng nghiệp hay cách ứng xử với học sinh và phụ huynh,... Điều này có thể sẽ giúp môi trường giáo dục luôn sôi nổi, gắn kết” - cô Bắc chia sẻ thêm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Đình Bang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị xã Diễn Châu (Nghệ An) cho rằng: “Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT cũng đặt ra một số khó khăn đáng kể cho giáo viên, đặc biệt đối với giáo viên lớn tuổi. Bởi, theo quy định của Thông tư số 13, giáo viên phải có ít nhất 2 năm “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số 5 năm liền kề “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên.

Theo Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không vượt quá 20% số được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo từng nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Rõ ràng, số lượng giáo viên “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” đã được “thắt chặt”, chỉ những cá nhân thật sự nổi trội mới có thể cạnh tranh. Chính vì vậy, các giáo viên trẻ tuổi sẽ có nhiều thời gian hơn để phấn đấu, còn đối với giáo viên lớn tuổi hoặc sắp về hưu thì rất gấp gáp, đôi khi còn phát sinh các vấn đề không đáng có, làm cản trở điều kiện xét trên.

Việc đạt 2 năm hoàn thành xuất sắc trong thời hạn 5 năm liền kề quả thật cũng có bất lợi, vì số lượng công chức được xếp loại chất lượng xuất sắc hằng năm là rất ít. Thậm chí, có khoảng thời gian, tôi phải dành tận 10 năm phấn đấu để đạt 2 năm xếp loại như trên.

Có trường hợp phải phấn đấu lâu hơn, nên việc “thắt chặt” điều kiện của thông tư chỉ thật sự phù hợp với giáo viên trẻ, còn nhiều thời gian cống hiến”.

Hiệu trưởng Lê Đình Bang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị xã Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh do nhân vật cung cấp..JPG
Thầy Lê Đình Bang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị xã Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Chung quan điểm đó, cô Đỗ Hồng Linh chia sẻ: “Việc đưa ra các tiêu chuẩn mới có thể khiến nhiều giáo viên, đặc biệt là người ở độ tuổi gần nghỉ hưu gặp áp lực. Những yêu cầu mới đòi hỏi các thầy cô phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ, kỹ năng và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, điều mà không phải ai cũng dễ dàng thích nghi.

Đối với giáo viên có kinh nghiệm lâu năm nhưng chưa quen với các công nghệ mới, việc đáp ứng các tiêu chuẩn này có thể trở thành một trở ngại. Điều này dễ dẫn đến tâm lý lo lắng, bất an và thậm chí là áp lực về việc giữ hạng nghề nghiệp trong tương lai.

Một khó khăn nữa đến từ việc yêu cầu giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, để nâng cao trình độ và lấy chứng chỉ. Đối với nhiều giáo viên, việc này có thể gây ra áp lực về tài chính, thời gian, khi họ phải cân đối giữa công việc giảng dạy và việc học tập để đáp ứng các tiêu chuẩn mới.

Có những trường hợp giáo viên phải tham gia các khóa học không nhằm mục tiêu nâng cao năng lực thực chất, mà chỉ để có được chứng chỉ theo yêu cầu.

Điều này vô tình làm tăng gánh nặng cho giáo viên, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, vì họ có thể bị phân tâm dẫn tới thiếu thời gian để đầu tư cho công việc chuyên môn”.

Không để việc xét thăng hạng giáo viên trở thành “đẽo chân cho vừa giày”

Với những khó khăn trên, cô Hồng Linh bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ để có thể yên tâm công tác, cống hiến lâu dài và đáp ứng tốt các yêu cầu thăng hạng mới theo Thông tư số 13.

“Theo tôi, cần có thêm các khóa đào tạo chuyên sâu, linh hoạt để phát triển chuyên môn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy hiện đại và kỹ năng mềm.

Việc thường xuyên phải tham gia các khóa bồi dưỡng trong khi vẫn đảm bảo công tác giảng dạy là một thách thức. Vì vậy, chúng tôi hy vọng các khóa học sẽ có hình thức linh hoạt hơn, đặc biệt là trực tuyến, giúp giáo viên có thể chủ động sắp xếp thời gian học tập mà không làm ảnh hưởng đến giờ lên lớp.

Ngoài ra, chi phí cho các khóa bồi dưỡng hiện nay vẫn là một gánh nặng cho nhiều giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, tôi rất mong, đối với những trường hợp nhất định, sẽ nhận được hỗ trợ về tài chính hoặc có chính sách trợ cấp cho các khóa bồi dưỡng bắt buộc.

Điều này không chỉ khích lệ giáo viên tham gia học tập một cách tích cực, mà còn đảm bảo có đủ điều kiện để đáp ứng các tiêu chuẩn xét thăng hạng.

Nếu có nhiều chương trình đồng hành giúp giáo viên gỡ bỏ rào cản xếp hạng chức danh nghề nghiệp, sẽ tránh tình trạng “đẽo chân cho vừa giày”. Khi ấy, giáo viên sẽ phát triển chuyên môn đúng thực chất, đúng tính chất đơn thuần của việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp” - cô Linh phân tích thêm.

Bên cạnh đó, đối với việc các quy định mới đang gây áp lực lên đội ngũ giáo viên lớn tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lạc Trung cũng có đề xuất: “Có thể đưa ra các chính sách đặc biệt đối với giáo viên có thâm niên lâu năm, có những thành tích đóng góp xuất sắc.

Một số phương án có thể thực hiện như: giảm bớt số năm yêu cầu thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi giáo viên đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp, mở rộng phạm vi để công nhận các thành tích thi đua, khen thưởng ở giai đoạn dài hơn.

Ngoài ra, việc thực hiện “xét thăng hạng đặc biệt” cho những giáo viên có đóng góp nổi bật trong quá trình giảng dạy cũng nên được xem xét. Điều này sẽ khuyến khích những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mà không chịu áp lực trong việc thăng hạng”.

Anh Tú