Nhà trường khó kiểm soát HS đi xe máy vì nhiều hộ dân quanh trường nhận trông xe

25/11/2024 11:08
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Học sinh sử dụng phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã xử lý 42.520 thanh thiếu niên chưa đủ tuổi lái xe máy và 17.253 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông. [1]

Thêm vào đó, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc quản lý, giáo dục an toàn giao thông cho thế hệ trẻ.

Theo lãnh đạo các trường trung học phổ thông, dù còn nhiều khó khăn nhưng các nhà trường đã và đang nỗ lực tìm ra giải pháp hiệu quả để giáo dục học sinh tuân thủ quy định an toàn giao thông.

Khó kiểm soát tình trạng học sinh sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Ngọc Ninh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cho hay: “Từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, nhà trường ghi nhận 14 trường hợp học sinh vi phạm quy định về lái xe, trong đó lỗi phổ biến nhất là điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định.

Thực trạng này được phát hiện qua đợt tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của lực lượng công an trên địa bàn tỉnh. Điều đó khiến nhà trường cũng như phụ huynh học sinh lo ngại về ý thức tuân thủ luật lệ an toàn giao thông của các em. Nhà trường cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trật tự an toàn giao thông cho học sinh.

Theo quan sát của nhà trường, các trường hợp học sinh vi phạm quy định an toàn giao thông chủ yếu xảy ra vào thời điểm các em đi học và tan học. Đây là các khung giờ học sinh di chuyển đông đúc, các em thường tranh thủ sử dụng xe mô tô, xe gắn máy để về nhà hoặc đi đến các địa điểm khác”.

Thầy Ninh nhấn mạnh, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tham gia giao thông. Đa số học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên 50 phân khối đều ở độ tuổi vị thành niên, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức giao thông cơ bản và kỹ năng xử lý tình huống trên đường khiến các em dễ gặp nguy hiểm. Những tình huống bất ngờ như va chạm, tránh chướng ngại vật hoặc xử lý đường trơn trượt thường vượt ngoài khả năng xử lý của lứa tuổi này. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân các em mà còn gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Nhà trường cũng gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý tình trạng học sinh sử dụng phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi. Một trong những trở ngại lớn đến từ phía gia đình học sinh, nhiều phụ huynh còn nuông chiều con em, thiếu quan tâm đến việc giáo dục con em chấp hành luật giao thông, hoặc gia đình không có điều kiện để mua sắm phương tiện thay thế phù hợp. Mặc dù nhà trường tuyên truyền thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng tình trạng này vẫn tồn tại.

Ngoài ra, một số hộ dân ở khu vực gần trường tổ chức trông giữ xe máy cho học sinh, vô tình tạo điều kiện để các em vi phạm. Hoạt động này lại nằm ngoài quyền hạn xử lý trực tiếp của nhà trường, gây thêm khó khăn trong công tác quản lý.

ATGT (1).jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi trong một buổi hoạt động ngoại khóa về an toàn giao thông. (Ảnh website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Tuệ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho rằng nguyên nhân khiến học sinh sử dụng xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi phần lớn xuất phát từ nhu cầu đi lại của các em. Nhiều học sinh đi học xa trong khi điều kiện gia đình không có phương tiện thay thế hoặc gia đình còn quản lý lỏng lẻo, cho các em tự ý sử dụng phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là học sinh ở độ tuổi này có tâm lý học đòi theo bạn bè. Khi thấy bạn bè có xe mô tô, xe gắn máy, các em cũng muốn có phương tiện đi lại tương tự để không bị thua kém.

Thực tế, tại Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự, không ít học sinh sử dụng xe mô tô, xe gắn máy trên 50 phân khối để đến trường. Tuy nhiên, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng này và chưa có thống kê được chính xác số học sinh vi phạm quy định. Bởi học sinh sử dụng xe mô tô, xe gắn máy trên 50 phân khối thường gửi xe ngoài khuôn viên trường thay vì để trong lán xe của nhà trường. Thêm vào đó, học sinh tham gia giao thông ngoài phạm vi trường học nên nhà trường cũng không thể kiểm soát được hết hành vi của các em.

Đáng chú ý, một bộ phận học sinh sử dụng xe mô tô, xe gắn máy chưa trang bị đầy đủ kiến thức tham gia giao thông nên điều khiển phương tiện giao thông mất an toàn như đi xe không đội mũ bảo hiểm hoặc xe thiếu gương xe, không xi nhan,... Nghiêm trọng hơn, nhiều học sinh còn tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho bản thân các em và những người tham gia giao thông khác.

Chia sẻ thêm về những lo lắng khi học sinh tham gia giao thông, thầy Tuệ cho biết, hiện nay, xe đạp điện là lựa chọn phổ biến của nhiều học sinh, thực tế đây cũng không phải là phương tiện an toàn. Những mẫu xe đạp điện hiện nay có thiết kế hiện đại và tốc độ không kém gì xe máy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông nếu học sinh không được trang bị kiến thức đầy đủ.

Tình trạng học sinh đi xe đạp điện dàn hàng đôi, hàng ba trên đường hay không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu,... diễn ra khá phổ biến. Nhà trường vẫn đang nỗ lực tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông cho học sinh và siết chặt công tác kiểm tra nhằm hạn chế tối đa các hành vi vi phạm khi tham gia giao thông của học sinh.

15(4).jpg
Thầy Nguyễn Văn Tuệ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự. (Ảnh website nhà trường)

Về phía phụ huynh học sinh, chị Lê Thị Ngọc Huyền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con đang học lớp 12 chia sẻ: “Khi con tôi học lớp 11, một lần đi làm về, tôi bất ngờ bắt gặp con đang chở một bạn khác trên chiếc xe tay ga trên 50 phân khối lạ. Lúc đó, tôi rất sửng sốt và khi về nhà lập tức hỏi con lý do điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi. Con trả lời rằng bạn bè xung quanh đều đi xe máy nên con mượn xe của một người bạn để "thử cho biết". Nghe vậy, tôi vừa giận vừa lo, bởi con tôi chưa có kỹ năng lái xe an toàn, và cũng chưa có bằng lái xe.

Ngay hôm đó, tôi nghiêm khắc nhắc nhở và phân tích cho con những hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện. Tôi cũng giải thích rằng, hành động này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng. Từ đó, tôi theo sát con hơn, thường xuyên nhắc nhở và kiểm tra để con không tái phạm.

Tại trường trung học phổ thông con tôi theo học, nhà trường hiện đã bố trí đội ngũ giám sát tại cổng trường vào đầu buổi học, đảm bảo học sinh không thể mang xe máy vào trong khuôn viên trường. Trước khi có các biện pháp thắt chặt này, khi đưa con đi học, tôi chứng kiến rất nhiều lần học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối để đến trường”.

Trong khi đó, chị Đào Minh Huệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang đang học lớp 10 cho biết: “Gia đình tôi có một chiếc xe máy trên 50 phân khối ít sử dụng. Con tôi đề nghị được sử dụng xe này để đi học cho nhanh, đỡ mất thời gian chờ xe buýt hay đạp xe. Tôi nghĩ đề xuất của con cũng hợp lý, không phải tốn thêm tiền mua xe mới cho con. Vì vậy, gia đình đồng ý cho con được sử dụng chiếc xe này khi con muộn học mà vô tình quên rằng hành động của mình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của con.

Thời gian gần đây, không ít vụ việc do học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Khi đó, gia đình tôi mới nhận ra sai lầm khi giao xe gắn máy cho con khi chưa đủ tuổi và đã quyết định không cho con tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, do đã quen di chuyển bằng xe máy nên khi cha mẹ không sát sao, con lại lén sử dụng xe mà không xin phép.

Điều này khiến tôi vô cùng lo lắng và nhận ra rằng, ngoài việc nhắc nhở, gia đình cần quản lý con chặt chẽ hơn. Đây cũng là bài học để các bậc phụ huynh khác chú ý hơn trong việc kiểm soát con em, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra”.

Giáo dục an toàn giao thông cần sự kết hợp của nhà trường, gia đình và xã hội

Trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, các trường trung học phổ thông đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm nâng cao ý thức và giáo dục học sinh về an toàn giao thông.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi cho biết, để nâng cao ý thức tham gia giao thông của học sinh, nhà trường kiên quyết xử lý tình trạng học sinh vi phạm quy định giao thông. Cụ thể, nhà trường yêu cầu học sinh ký cam kết không vi phạm, có sự xác nhận của phụ huynh, thường xuyên kiểm tra phương tiện học sinh mang vào trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khi nhận được thông báo.

Những biện pháp này đã mang lại hiệu quả tích cực, số vụ vi phạm giao thông trong học sinh giảm rõ rệt, ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của học sinh được nâng cao đáng kể. Nhà trường kỳ vọng đây sẽ là tiền đề để xây dựng môi trường học đường an toàn, văn minh hơn.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng triển khai nhiều hoạt động giáo dục ý nghĩa liên quan đến giao thông. Hằng năm, nhân ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 17/11, nhà trường tổ chức các hoạt động như: phút mặc niệm tưởng nhớ, đến thăm gia đình học sinh từng gặp tai nạn giao thông và truyền thông dưới cờ nhằm phân tích những vụ việc vi phạm an toàn giao thông liên quan đến học sinh, chỉ rõ lỗi sai để các em rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, các buổi hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp của nhà trường cũng được lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông. Những chương trình này thường được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, tạo không khí sinh động, dễ tiếp cận, giúp học sinh nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm và hậu quả của việc vi phạm luật lệ an toàn giao thông.

Song song với đó, để tăng cường giám sát và xử lý tình trạng học sinh sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và gia đình.

Cụ thể, nhà trường thường xuyên phối hợp với lực lượng công an giao thông để tổ chức các buổi tuyên truyền tại trường, đồng thời đề nghị tăng cường các đợt kiểm tra, xử lý vi phạm đối với học sinh.

Mặt khác, nhà trường làm việc với chính quyền địa phương, kêu gọi các hộ dân xung quanh trường không trông giữ các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy mà học sinh sử dụng sai quy định, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm cả bên ngoài khuôn viên nhà trường.

Đối với phụ huynh, nhà trường cũng đề nghị gia đình tăng cường phối hợp trong việc quản lý con em, yêu cầu các gia đình nghiêm túc thực hiện việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, nhằm đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định pháp luật.

460023161_1115602076904531_2025056290870525749_n.jpg
Buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông năm 2024 tại Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự. (Ảnh: website nhà trường)

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự cho biết, nhà trường đã tích cực tuyên truyền để học sinh tự ý thức ngăn ngừa tai nạn giao thông và các rủi ro liên quan. Nhà trường đã yêu cầu phụ huynh ký cam kết không cho con em sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi. Khi học sinh vi phạm, trường sẽ căn cứ mức độ vi phạm để xếp loại hạnh kiểm học sinh như một hình thức cảnh cáo, nhằm răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm tiếp theo.

Nhà trường cũng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và gia đình học sinh triển khai nhiều hình thức tuyên truyền như thông qua giáo viên chủ nhiệm và các buổi chào cờ hàng tuần. Thêm vào đó, nhà trường vận động các hộ dân gần trường không nhận trông giữ xe của học sinh, đặc biệt là phương tiện giao thông mà các em chưa đủ tuổi điều khiển.

Thầy Nguyễn Văn Tuệ cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ huynh trong việc ngăn chặn học sinh vi phạm quy định giao thông. Nếu phụ huynh kiên quyết không đồng ý giao xe cho con, tình trạng học sinh vi phạm quy định sử dụng phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi sẽ không xảy ra.

Tại Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.haiduongtv.com.vn/xem-tin-tuc/xu-ly-hon-42-000-thanh-thieu-nien-chua-du-tuoi-dieu-khien-xe-may-167896.html

Hồng Mai