Ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng phát biểu. Ảnh: VGP |
Cùng dự có các Phó Thủ tướng ở điểm cầu truyền hình trụ sở Chính phủ và lãnh đạo các địa phương tại các điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thường trực Chính phủ tổ chức làm việc trực tuyến với 5 thành phố thuộc Trung ương là bởi các địa phương này, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dân cư đông, mật độ lớn, nhu cầu tiếp xúc tập thể rất lớn.
Thời qua qua, 5 thành phố đã làm nhiều việc chống dịch COVID, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kiên quyết Chỉ thị 15 của Thủ tướng có hiệu lực từ 0h ngày 28/3 và đạt kết quả bước đầu.
Thủ tướng nêu rõ, 15 ngày tới là “giờ vàng” quan trọng quyết định chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh hay không.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo, nhân dân các thành phố lớn đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta, đặc biệt là triển khai nghiêm túc Chỉ thị 15 như cách ly, giãn khoảng cách, không được tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh lại các ổ dịch kịp thời.
Việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm, đã dự trữ nhiều hơn 4-5 lần so với bình thường. Đánh giá cao việc xử lý nghiêm vi phạm, Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp ở Hà Nội, một cá nhân bị xử phạt 200 nghìn đồng vì không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Nhân dịp này, Thủ tướng đồng ý việc Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp xử lý bệnh nhân 178 (khai báo vòng vo, thiếu trung thực) để răn đe giáo dục.
Nhắc lại quan điểm đây đang là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, “chống dịch như chống giặc”.
Việt Nam có 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. “Đây là trách nhiệm nặng nề, vinh dự của tất cả hệ thống của chúng ta”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Tinh thần này cần được vận dụng công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay của nước ta.
Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội |
Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị, cần xác định cụ thể các giải pháp phù hợp, riêng cho từng thành phố, từng địa bàn, khu dân cư. Ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới với mật độ dân cư cao, đầu mối giao thông vận tải…
Tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể. Phải bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.
Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch đã được thảo luận tại cuộc họp, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và quán bar Buddha ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Phải tìm được những người (khoảng 40.000 người) vào ra Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua để theo dõi, sàng lọc, xử lý cụ thể từng trường hợp.
Vì vậy, phải tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ. Tập trung nâng cao năng lực điều trị cho tất cả các tuyến, tập huấn điều trị cho bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đã về hưu.
Cần thiết lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến phòng chống dịch và điều trị bệnh. Phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn.
Tăng cường huy động thêm các bệnh viện khác để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở một số địa phương.
“Các đồng chí phải tiếp tục rà lại, bổ sung năng lực y tế của thành phố về nhân lực, trang thiết bị, về con người, khả năng cung ứng dịch vụ và khả năng huy động tại chỗ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đồng ý dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến đến và đi từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các sân bay tỉnh trong 2 tuần tới.
Ngoài cơ sở vật chất, ngành y tế và các địa phương cần quan tâm hơn đến sự an toàn của các cán bộ đang trên tuyến đầu chống dịch; các lực lượng này đều phải đề phòng lây nhiễm trong nội bộ. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương điển hình, huy động lực lượng y bác sĩ đã về hưu để chia sẻ gánh vác khi cần thiết.
Các thành phố lớn là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất có nhiều lao động, nhất là các khu công nghiệp, cần có giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động như một số thành phố đã làm.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính, theo tinh thần Chỉ thị 15, là tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong 15 ngày, bắt đầu từ đầu tháng tới.
Thủ tướng yêu cầu các thành phố lớn đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc trong thời kỳ dịch bệnh.
Các địa phương, các thành phố lớn tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Chỉ thị 15 của Thủ tướng, phải làm cho nhân dân hiểu được, dự báo được những tình huống xấu nhất để chuẩn bị phương án tốt nhất và hạn chế thấp nhất hậu quả, tránh hiểu sai, hiểu nhầm, lợi dụng xuyên tạc, gây hoang mang tâm lý trong nhân dân. Làm sao từng người dân hiểu rõ, đồng tâm ủng hộ lãnh đạo chính quyền các cấp và Chính phủ trong đợt cao điểm này.
Thủ tướng nhắc lại, với trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này.
Nhắc lại câu “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”, Thủ tướng cho rằng, trận đầu chúng ta đã thắng nhờ nhận diện dịch như giặc và chủ động tất công giặc, lần này, dịch đến từ nhiều nguồn, nhiều hướng, mức độ phức tạp hơn, vì vậy, cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận.
Điều hệ trọng lúc này là trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, tất cả cùng hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng địa bàn thành phố. “Có như vậy, chúng ta có niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19 ở các thành phố lớn của Việt Nam và thành công của các thành phố lớn chính là thành công cho cả nước”, Thủ tướng nói.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các thành phố báo cáo tình hình phòng chống dịch, khẳng định sẽ triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng.