Thứ trưởng Bộ GDĐT nêu lý do chưa giao kỳ thi tốt nghiệp cho địa phương tổ chức

30/06/2023 06:20
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thời điểm để phân cấp về cho các tỉnh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đến nay chưa tính tới.

Tại buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 vào chiều ngày 29/6, Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết ngày 30/6 sẽ bắt đầu triển khai công tác chấm thi, đáp án chính thức của các môn thi sẽ được công bố trong 1- 2 ngày tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho thí sinh và tuyển sinh đại học.

Buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giao địa phương tổ chức kỳ thi khó đảm bảo công bằng

Kỳ thi vừa qua, vẫn còn tình trạng thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, để lọt đề thi ra bên ngoài, có ý kiến cho rằng, nên trả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông về cho các địa phương tổ chức để việc tổ chức thi trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, chủ trương chung của Chính phủ, trong mọi vấn đề là luôn có sự phân cấp. Tuy nhiên, nội dung nào phân cấp được, nơi nào làm tốt thì sẽ giao nơi đó làm. Còn thời điểm để phân cấp về cho các tỉnh tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đến nay chưa tính tới.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, chưa tính đến việc giao địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, chưa tính đến việc giao địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

"Hiện nay chúng ta vẫn đang tổ chức kỳ thi 3 chung: chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả với mục tiêu xét tốt nghiệp trung học phổ thông, và sử dụng kết quả để xét tuyển đại học.

Nếu mỗi tỉnh ra đề thì mức độ khó dễ khác nhau, liệu có đảm bảo sự công bằng?", Thứ trưởng đặt vấn đề

Hơn nữa, theo Thứ trưởng, với nguồn lực, điều kiện tập trung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở cấp quốc gia tổ chức cũng sẽ tốt hơn. Dù vậy, công tác tổ chức vẫn đầy gian nan.

Đây không phải là vấn đề Bộ muốn giao cho địa phương hay không, mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dư luận thấy không phù hợp để giao cho địa phương.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, với một kỳ thi quy mô 15 môn thi, từ khâu ra đề thi, đến thực hiện các khâu, quy trình đều rất vất vả, phải huy động lực lượng vô cùng lớn, nếu giao mỗi tỉnh thành tổ chức thi thì chúng ta lại phải tiếp tục huy động một bộ máy như thế này cho 63 tỉnh thành. Như vậy, tính về hiệu quả kinh tế và tính công bằng, tính an toàn, chia sẻ đều khó đảm bảo.

Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hiện Bộ đã phân cấp nhiệm vụ cho địa phương 4 vấn đề cơ bản là: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, đánh giá xét công nhận tốt nghiệp.

Còn việc ra đề thi là khâu khó nhất, cần có sự thống nhất chỉ đạo chung, để đảm bảo tính công bằng, tính đồng đều giữa các vùng miền.

Cần có thiết bị phát hiện việc gian lận thi cử bằng công nghệ cao

Trao đổi tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay có 41 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có đến 40 trường hợp sử dụng điện thoại di động, cho thấy nguy cơ phát tán đề thi rất cao.

Trong số 40 trường hợp này, có 2 trường hợp phát tán đề thi ra ngoài, 38 trường hợp được các cán bộ coi thi chủ động phát hiện và ngăn ngừa.

“Đây là trường hợp cá biệt, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Tuy nhiên, với hơn 1 triệu thí sinh tham gia thi, đây là điều khó tránh khỏi”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an). Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an). Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Về việc phòng chống gian lận thi cử bằng việc sử dụng công nghệ cao, Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) thông tin: sau khi tiếp nhận thông tin lộ đề thi môn Ngữ văn và môn Toán, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã khẩn trương phối hợp xác minh với các địa phương và đã tìm ra thí sinh dùng điện thoại chụp ảnh đề thi và gửi đề ra bên ngoài.

Bộ Công an vẫn đang tiếp tục xác minh xem có tình trạng giải đề thi ở bên ngoài gửi vào trong phòng thi hay không. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận có thông tin giải đề từ bên ngoài vào phòng thi.

Về việc xử lý hai thí sinh gửi đề ra ngoài phòng thi, Bộ Công an sẽ căn cứ vào kết quả xác minh, tính chất vụ việc, xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tùy theo mức độ sẽ xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính. Trước khi xử lý phải tính toán tính nghiêm minh, tính nhân văn, kết quả của vụ việc sẽ được thông tin đến báo chí.

Cũng theo Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, trong tương lai, chắc chắn vẫn sẽ có những thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận.

Trước khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Công an đã phối hợp với Công an các tỉnh triệt phá 2 đường dây mua bán, cho thuê các thiết bị gian lận thi cử.

Nhưng để ngăn chặn gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thí sinh nắm được hành vi mua bán biết bị gian lận thi cử là vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các thiết bị chống lại các thiết bị công nghệ cao gian lận thi cử và phát hiện thiết bị công nghệ cao được giấu trong người thí sinh.

Vì sao đề thi Ngữ văn chưa thực sự "mới"

Trao đổi về đề thi môn Ngữ văn có trùng ngữ liệu với đề thi của một địa phương trước đó, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng ban đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 cho biết, hai đề này chỉ trùng lặp ngữ liệu, còn lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng ban đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng ban đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Toàn chương trình Ngữ văn lớp 12 có 15 tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy. Trong khi đó, mỗi năm, các tỉnh tổ chức thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2 đến 3 lần. Do vậy sẽ khó tránh khỏi trùng ngữ liệu.

Trong quá trình ra đề thi năm nay, đơn vị luôn chú trọng đến công bằng cho thí sinh và đảm bảo tính phân hoá thông qua 4 cấp độ Thông hiểu - Nhận biết - Vận dụng và Vận dụng cao.

Về thông tin dư luận cho rằng đề thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp phần nghị luận xã hội cũng trùng với đề lớp 10 ở Hà Nội, ông Hà cho hay, hội đồng thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào làm việc từ 2/6, khi kỳ thi lớp 10 chưa diễn ra, nên không có thông tin về đề Ngữ văn của Hà Nội. Nhưng ngữ liệu và lệnh hỏi của 2 đề là khác nhau.

Có ý kiến cho rằng đề thi môn Ngữ văn nhàm chán và chưa thực sự đổi mới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, chúng ta vẫn đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, việc này rất quan trọng và cần thiết.

Còn cấu trúc đề thi, nội dung đề thi, vì học sinh lớp 12 năm nay đang theo học chương trình hiện hành, đây đang là giai đoạn chuyển giao, chúng ta chưa thể hoàn toàn theo ngay chương trình đổi mới.

Phạm Minh