THPT Kỳ Sơn dạy quá 8 tiết/ngày là chưa đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT

13/01/2024 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nội dung trên được Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo nêu trong Kết luận về việc thanh tra hành chính Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn.

Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã ban hành Kết luận về việc thanh tra hành chính Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn.

Nội dung Kết luận đã chỉ rõ những ưu, nhược điểm trong công tác tổ chức dạy thêm, quản lý tài chính, quản lý - bảo quản - sử dụng thiết bị giáo dục, quản lý tài chính... Đồng thời, Thanh tra Sở cũng kiến nghị cách khắc phục hạn chế, yêu cầu kiểm điểm lãnh đạo nhà trường để xảy ra những tồn tại.

Học thêm các môn học năm học 2021-2022 không có phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo

Kết luận thanh tra nêu, về ưu điểm, nhà trường đã triển khai tới cán bộ, giáo viên các văn bản của các cấp có thẩm quyền về tổ chức dạy thêm học thêm.

Năm học 2021-2022, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhằm củng cố, ôn tập kiến thức lớp 12 tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm học 2022-2023, 2023-2024 nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhằm củng cố, ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 10, 11 và ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh lớp 12, có sự phân công và quản lý của ban giám hiệu.

Học sinh nhà trường viết đơn xin học thêm có chữ ký của cha mẹ học sinh. Giáo viên dạy thêm có đơn đăng ký dạy thêm; Nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức lớp học thêm, phân công giáo viên phụ trách môn học của các lớp.

Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Nhà trường đã xây dựng Kế hoạch số 155/KH-THPTKS ngày 21/12/2022; Kế hoạch số 108/KH-THPTKS ngày 14/9/2022, Kế hoạch số 134/KH-THPTKS ngày 25/8/2023 về tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường năm học 2021-2022, 2022-2023, 2023-2024 có phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo.

“Tuy nhiên, chương trình dạy thêm, học thêm các môn học năm học 2021-2022 kèm theo kế hoạch dạy thêm học thêm không có phê duyệt của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian học được thực hiện vào các buổi chiều trong tuần. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm học thêm còn chưa thường xuyên, kịp thời, dẫn đến một số giáo viên ghi trùng buổi dạy giữa sổ ghi đầu bài dạy thêm học thêm với số ghi đầu bài dạy bù chương trình”, kết luận nêu.

Dạy quá số tiết quy định

Kết luận nêu, trong năm học 2022-2023, việc nhà trường cập nhật một số văn bản hướng dẫn để làm căn cứ, cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường chưa đầy đủ, chưa kịp thời;

Kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục các bộ môn chưa có chỉ tiêu cần đạt về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Kế hoạch nâng cao chất lượng của giáo viên bộ môn năm học 2023-2024, phần giải pháp thực hiện sơ sài, chung chung; đăng kí chỉ tiêu phấn đấu của bộ môn Tiếng Anh chưa hợp lý.

Nội dung giáo dục hướng nghiệp của khối 10,11,12 theo chủ đề khác nhau nhưng được thực hiện tại cùng 1 thời điểm, với cùng một giáo viên là chưa hợp lý. Năm học 2022-2023, nhà trường thiếu minh chứng tổ chức hội thảo tổ chức ngày hội STEM.

"Việc bố trí dạy quá 4 tiết/buổi chiều/lớp, quá 8 tiết/ngày/lớp chưa đúng hướng dẫn tại Công văn số 2213/SGD&ĐT-Tr ngày 23/11/2010 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học.

Việc ghi chép, cập nhật thông tin tại một số hồ sơ quản lý chuyên môn còn sửa chữa, tẩy xóa, chưa đầy đủ các thông tin theo quy định. Thiết lập nhiều sổ ghi đầu bài gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra", trích Kết luận thanh tra.

Công tác quản lý, bảo quản, sử dụng thiết bị giáo dục

Ưu điểm, nhà trường tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học cơ bản theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở, có hồ sơ lưu trữ; Bố trí phòng tủ, giá để thiết bị giáo dục, có tiến hành kiểm kê, xuất hủy các thiết bị hư, hỏng, hóa chất hết hạn sử dụng theo quy định.

Hạn chế, nhà trường chưa có biên chế nhân viên chuyên trách phụ trách công tác quản lý thiết bị dạy học. Việc quản lý thiết bị dạy học được các nhà trường giao cho giáo viên kiêm nhiệm, Phòng bảo quản chưa có nội quy: Các giá để thiết bị chưa có biển chỉ dẫn.

Năm học 2023-2024, đến thời điểm thanh tra nhà trường chưa mua bổ sung thiết bị dạy học. Số lượng thiết bị dạy học nhà trường hiện có vẫn còn thiếu so với yêu cầu về thiết bị dạy học tối thiểu theo Thông tư Số 39/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là các thiết bị dùng trong thí nghiệm, thực hành.

Công tác quản lý tài chính

Ưu điểm, trên cơ sở số dự toán ngân sách nhà nước tăng, nhà trường đã xây dựng dự toán chi ngân sách, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện chi đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và các nội dung cần thiết khác đảm bảo hoạt động chi thường xuyên của nhà trường theo Luật ngân sách. Đơn vị thực hiện tự kiểm tra tài chính; công khai tài chính theo quy định.

Đơn vị đã lập các mẫu biểu báo cáo với Sở, đã lập các Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán, mà số tài sản cố định và các loại số sách có liên quan theo quy định, đã tiến hành kiểm kê tài sản vào thời điểm 31/12 hàng năm theo quy định.

Nhà trường đã tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên để khen thưởng cho cán bộ, giáo viên: Năm 2021, đơn vị đã tiết kiệm được 80.000.000 đồng để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giáo viên nhà trường (mức cao nhất 1.030.000 đồng; thấp nhất 820.000 đồng).

Nhà trường đã tổ chức họp thông qua nghị quyết về việc huy động các khoản đóng góp từ cha mẹ học sinh, lập báo của gửi Sở và đã được phê duyệt mức thu, các khoản thu, thiết lập chứng từ thu chi…

Về hạn chế, một số chứng từ kế toán thiết lập chưa chi cho một số chứng từ thu, chi chưa có đủ chữ ký của người nộp, nhận tiền, thiếu giấy đề nghị mua hàng, thanh toán giao nhận hàng đến người sử dụng, danh sách người nộp tiền, một số thiếu ngày tháng, chữ ký của hiệu trưởng, kế toán, người nộp tiền, biên bản kiểm tra cơ sở vật chất, giấy đề nghị thanh toán, thanh lý hợp đồng chưa ghi ngày tháng thanh lý...

Đến thời điểm thanh tra, nhà trường chưa kịp thời triển khai thực hiện việc mua thiết bị phục vụ chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Mặc dù nguồn ngân sách đã được cơ quan có thẩm quyền giao từ đầu năm.

Trong khi hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học của nhà trường cơ bản còn thiếu, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Biên bản họp cha mẹ học sinh đầu năm, nhà trường in mẫu không thống nhất toàn nhà trường; Ghi chép nội dung họp chung chung, chưa thể hiện rõ việc báo cáo công khai các khoản thu cho cha mẹ học sinh, chưa cử người là đầu nối tiếp nhận thông tin với nhà trường trong công tác phối hợp giáo dục học sinh. Nhà trường đã lập các mẫu biểu báo cáo quyết toán, tuy nhiên chưa hạch toán khoản thu hộ, thu thỏa thuận theo báo cáo tài chính của đơn vị.

Nhà trường triển khai thu bảo hiểm thân thể học sinh trong cuộc họp đầu năm của ban giám hiệu.

Kiến nghị các biện pháp xử lý

Thanh tra nhận định, các tồn tại, hạn chế nêu trên, trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các giáo viên, nhân viên có liên quan. Tuy nhiên, chưa đến mức phải xử lý vi phạm hành chính.

"Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, các giáo viên, nhân viên để xảy ra các tồn tại, hạn chế nêu trên.

Rà soát, báo cho cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung đủ biên chế người làm việc để đảm bảo nguồn nhân lực trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 20/2023/TT- BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và quyết định giao chỉ tiêu biên chế hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tổ chức thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học, thực hiện quy chế chuyên môn đầu bảo theo quy định tại Điều lệ trường phổ thông, không bố trí số tiết học buổi vượt quá quy định. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình, bố trí học bù chương trình khoa học, hợp lí phù hợp với tâm, sinh lí lứa tuổi học sinh...", Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu.

Mạnh Đoàn