Nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao từ lâu đã được xem là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ vì mục tiêu xóa mù chữ, mà còn vì trách nhiệm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Một trong những thách thức lớn nhất với các thầy cô vùng khó chính là điều kiện sống bấp bênh, đặc biệt là tình trạng thiếu nhà công vụ.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay trên cả nước đã đầu tư xây dựng khoảng hơn 50.000 nhà ở công vụ cho giáo viên tại những khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, số lượng này chưa đáp ứng được yêu cầu và chất lượng nhiều nhà công vụ đã xuống cấp sau 10-15 năm sử dụng. [1]
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của giáo viên, mà còn đặt ra những thách thức về sự ổn định đội ngũ và chất lượng giáo dục vùng khó. Khi những nỗi lo sinh hoạt còn đè nặng, làm sao các thầy cô có thể toàn tâm toàn ý với bảng đen, phấn trắng?
Giáo viên trường này phải ở nhờ nhà công vụ của trường khác
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lý Thị Thủy Tiên (sinh năm 2000), giáo viên Trường Mầm non An Lương (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vẫn nhớ như in khoảng thời gian đầu quyết định “bám trường”, “bám bản”: “Trước khi có chỗ ở tạm, tôi phải đi lại hơn 30km mỗi ngày từ nhà đến trường. Đường sá khó khăn, nhất là vào mùa mưa, có hôm trời mưa to, đường trơn trượt, tôi chỉ mong có một nhà công vụ để không phải vất vả đi lại nữa.
Những con đường nhỏ, lầy lội vì mưa, khiến mỗi bước đi trở nên nặng nề. Những đoạn đường đất đỏ, sỏi đá sắc nhọn, đôi khi chỉ cần một bước chân không vững là có thể ngã xuống. Hơn thế nữa, vào những ngày mưa lớn, không ít lần tôi phải dừng lại, chờ nước rút hoặc chờ đến khi có người đi qua giúp đỡ.
Khó khăn không chỉ đến từ các điều kiện tự nhiên mà còn là vấn đề đường sá. Những chiếc xe máy cũ kỹ, không đủ sức mạnh vượt qua các đoạn đường lầy lội, là mối lo lớn mỗi khi tôi phải đi qua các vùng đèo dốc.
Dẫu khó khăn là vậy nhưng tôi và các giáo viên tại trường luôn nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục vì trẻ em vùng cao”.
Hiện tại, cô Thủy Tiên và đồng nghiệp đang ở nhờ tại nhà công vụ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học An Lương. Dù có chỗ trú chân, nhưng đây chỉ là phương án tạm thời.
Giấc mơ về một nhà công vụ đầy đủ tiện nghi, có điện, nước sạch, không còn là khát vọng cá nhân của cô giáo Lý Thị Thủy Tiên, mà cũng là mong mỏi chung của nhiều giáo viên vùng cao. “Nếu có nhà công vụ, chắc chắn, các thầy cô giáo sẽ không phải lo lắng về chuyện sinh hoạt, thấp thỏm những buổi di chuyển trên cung đường xa giữa những ngày mưa gió... Thay vào đó, chúng tôi có thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học và chắc chắn hiệu quả làm việc sẽ cao hơn” - cô Tiên bộc bạch.
Theo cô Hoàng Thị Thanh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Lương (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), hiện tại, nhà trường có 32 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có nhu cầu ở nhà công vụ là 12 người.
Điểm trường trung tâm chưa đủ phòng công vụ so với nhu cầu của giáo viên, giáo viên hiện nay đang ở tạm nhà công vụ của một trường tiểu học gần đây. Nhà trường có nhu cầu xây dựng 4 phòng công vụ tại điểm trường trung tâm để giáo viên có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác.
“Trước đây, trường từng có nhà công vụ, nhưng do cần mở rộng phòng học, khu nhà này đã được chuyển đổi công năng. Trường Mầm non An Lương hiện có 351 học sinh, chia làm 3 điểm trường: Trung tâm, Sài Lương và Suối Dầm. Dù quy mô học sinh ngày càng tăng, điều kiện sinh hoạt cho giáo viên đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
Dù đã có những đề xuất và huy động nguồn lực xã hội, nhưng tiến độ giải quyết vẫn chưa đáp ứng kịp thời. Nhiều giáo viên trẻ tâm tư với tôi, mặc dù đã rất yêu nghề, nhưng nếu không có chỗ ở ổn định lâu dài, e rằng cũng khó có thể trụ được lâu dài” - nữ Hiệu trưởng chia sẻ.
Tại tỉnh Cao Bằng, điều kiện về nhà công vụ cho giáo viên cũng không khả quan hơn. Huyện Bảo Lâm là một trong những huyện gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cao Bằng. Với địa hình núi non hiểm trở, đường sá chật hẹp, nhất là vào mùa mưa, khiến việc tiếp cận các trường học trở nên khó khăn. Các giáo viên phải vượt qua quãng đường dài, nhiều khi phải đi qua các con suối, rất nguy hiểm vào mùa mưa lũ.
Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Liêm, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Thạch Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Nhà trường có tổng cộng 48 cán bộ quản lý và giáo viên, nhưng vốn không có nhà công vụ, chỉ có 4 phòng ở công vụ được “mượn tạm” từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thạch Lâm”.
Bên cạnh vấn đề nhà công vụ, cô Liêm còn nhấn mạnh một khó khăn lớn khác: Cơ sở vật chất của các lớp học cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Theo cô giáo, một trong những vấn đề lớn của nhà trường hiện nay là bếp ăn bán trú cho học sinh đang bị hư hỏng, không đảm bảo cho công tác chăm sóc học sinh. Một số lớp học cũng đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là các lớp học tại điểm trường, hiện đang phải mượn tạm từ một căn nhà gỗ của nhà dân.
Có nhà công vụ, nhưng nhiều khi giáo viên không dám ở
Còn tại Trường Mầm non Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), mặc dù đã có nhà công vụ, nhưng lại trong tình trạng “có cũng như không”.
Chia sẻ về điều kiện thực tế của Trường Mầm non Thái Sơn, cô Lương Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường cũng không giấu được nỗi niềm khi nhà công vụ hiện có nhưng chỉ là các công trình tạm bợ bằng gỗ và tôn.
“Hiện nay, nhà trường đang đối mặt với tình trạng nhà công vụ xuống cấp trầm trọng, gây ra rất nhiều khó khăn cho các giáo viên “cắm bản”. Đặc biệt, tại điểm trường trung tâm, dãy nhà công vụ được xây dựng một cách sơ sài, chỉ là những khung cột gỗ, mái tôn được mang về và lắp ghép lại một cách đơn giản để tạo thành phòng ở. Đôi khi, những chỗ thủng được chúng tôi “gia cố” bằng những tấm bạt mỏng manh. Không có sự kiên cố, những phòng công vụ này khó có thể chịu đựng được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Mỗi khi có mưa to, gió lớn, các giáo viên phải di chuyển sang những lớp học gần đó, vì lo sợ mưa sẽ tràn vào phòng công vụ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, khiến giáo viên không thể yên tâm công tác, làm giảm hiệu quả giảng dạy. Bên cạnh đó, khu nhà công vụ cũng không có nhiều đồ dùng thiết yếu. Mỗi căn phòng chỉ có một chiếc giường cũ, một chiếc tủ để đồ. Không gian chật chội và không sạch sẽ khiến giáo viên mới đến thường rất khó thích nghi” - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Sơn phân tích.
Cũng theo cô Lương Ngọc Lan, hiện tại, nhà trường có 4 giáo viên đang phải sống trong khu nhà công vụ tạm bợ tại điểm trường chính. Bên cạnh đó, tình trạng ở các điểm trường lẻ cũng khó khăn. Hầu hết các điểm trường không có phòng công vụ và giáo viên phải tạm trú trong những phòng kho nhỏ, không đủ tiện nghi và không đảm bảo sự riêng tư cần thiết. Bên cạnh đó, nhà trường ưu tiên xây dựng phòng học trước để đảm bảo chỗ học cho các học sinh. Vì vậy, nhà công vụ chỉ được sửa chữa tạm thời, không đáp ứng được nhu cầu lâu dài.
Về giải pháp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Sơn cho biết: “Hiện tại, nhà trường đã và đang tìm cách xây dựng thêm phòng công vụ. Tuy nhiên, các khó khăn về mặt bằng và nguồn lực đã làm quá trình này trở nên chậm chạp. Cụ thể, đất đai tại các điểm trường không đủ để xây dựng phòng công vụ; mặt khác, việc xin đất của dân để mở rộng mặt bằng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vẫn thiếu kinh phí”.
Cũng chia sẻ về tình trạng nhà công vụ cho giáo viên, thầy Bùi Đăng Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quyết Tiến (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chia sẻ : “Hiện nay, nhà trường có 20 giáo viên đang ở nhà công vụ. Nhà công vụ ở đây đã được xây dựng từ lâu, nhưng do nền đất không ổn định và ảnh hưởng từ thời tiết, nên tình trạng sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Sàn nhà lún xuống từng đoạn, khiến việc sinh hoạt của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Nhà trường đã cố gắng tự sửa chữa tạm thời, nhưng vấn đề vượt ngoài khả năng khắc phục. Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí cũng là trở ngại khiến nhà trường chưa thể khắc phục tình trạng trên. Điều kiện sống không đảm bảo, ảnh hưởng đến thầy cô ở đây rất nhiều”.
Thầy Dương cũng chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc thu hút và giữ chân giáo viên vùng cao: “Chỗ ở không ổn định là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên trẻ cảm thấy ngần ngại khi công tác ở đây. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ về sinh hoạt mà còn về tinh thần, khi sống xa gia đình trong điều kiện thiếu thốn. Dù các thầy cô đều rất tâm huyết với nghề, nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ tốt hơn, chúng tôi lo rằng, sẽ khó duy trì được đội ngũ giáo viên lâu dài”.
Bên cạnh đó, vị hiệu trưởng mong mỏi: “Nhà trường rất hy vọng, các cấp chính quyền có thể quan tâm hơn đến việc cải thiện nhà công vụ cho giáo viên. Nếu có được những căn nhà công vụ kiên cố, đủ tiện nghi cơ bản, các thầy cô sẽ yên tâm công tác; từ đó, chất lượng giáo dục cho học sinh sẽ được nâng lên. Đây không chỉ là mong muốn của riêng Trường Trung học phổ thông Quyết Tiến, mà còn là của rất nhiều ngôi trường vùng cao khác”.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://laodongcongdoan.vn/giao-vien-4-khong-va-nhung-bat-cap-mang-ten-chinh-sach-108690.html