Trường đại học kiến nghị nhiều giải pháp để Việt Nam thu hút sinh viên quốc tế

09/01/2025 06:52
Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đa số các chương trình đại học ở Việt Nam sử dụng tiếng Việt, trong khi SV quốc tế thường tìm kiếm các chương trình bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác.

Việt Nam hiện là quốc gia có lượng du học sinh ra nước ngoài học tập lớn thứ 3 thế giới, tương đương 139.000 người. Trong khi đó, Việt Nam chỉ thu hút gần 10.000 sinh viên quốc tế theo học. [1].

Số lượng sinh viên quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhận định: "Số lượng sinh viên quốc tế theo học ở Việt Nam trong những năm gần đây có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam, hay so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…"

Thầy Anh chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này. Thứ nhất, công tác quảng bá thương hiệu và hình ảnh giáo dục đại học Việt Nam trên thị trường quốc tế còn tương đối khiêm tốn. Trong khi đó, nhiều trường đại học trong khu vực Đông Nam Á liên tục quảng bá trên các kênh quốc tế, tham gia hội chợ giáo dục, diễn đàn du học toàn cầu hoặc triển khai chính sách học bổng ưu đãi quy mô lớn.

Thứ hai, chương trình giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam phần lớn bằng tiếng Việt, chưa xây dựng được nhiều chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh với chất lượng quốc tế. Hạ tầng giáo dục và nghiên cứu khoa học của một số trường chưa đồng đều, chưa tạo ấn tượng mạnh mẽ để thu hút sinh viên nước ngoài.

Thứ ba, điều kiện về vật chất, công nghệ; các dịch vụ hỗ trợ sinh viên quốc tế (ký túc xá, thủ tục visa, bảo hiểm y tế…) chưa được triển khai đồng bộ, nhất quán để giúp cho sinh viên quốc tế thuận lợi hơn trong quá trình học tập và sinh sống tại Việt Nam.

thay-Phi-Anh.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng. Ảnh NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng: "Hệ thống giáo dục Việt Nam đang phát triển nhưng chưa có nhiều trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế hoặc nằm trong các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu. Điều này khiến cho việc thu hút sinh viên quốc tế gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng là lý do khiến nhiều người Việt Nam lựa chọn du học ở các nước tiên tiến.

Ngôn ngữ giảng dạy cũng là một rào cản lớn. Đa số các chương trình đại học tại Việt Nam sử dụng tiếng Việt, trong khi sinh viên quốc tế thường tìm kiếm các chương trình bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ phổ biến khác.

Hạ tầng và chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên quốc tế ở Việt Nam chưa thực sự đầy đủ và hấp dẫn. Nhiều trường đại học chưa có hệ thống hỗ trợ toàn diện cho sinh viên quốc tế về visa, nhà ở, hòa nhập văn hóa... Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia khác trong khu vực như: Singapore, Malaysia, Thái Lan, những nước đã và đang đầu tư mạnh mẽ để xây dựng hình ảnh hấp dẫn về giáo dục quốc tế".

Chia sẻ về tình hình thực tế trong vòng 3 năm trở lại đây của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sau giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, năm 2021, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam chào đón sinh viên Ấn Độ đến học tập ngành Y khoa. Kể từ đó, nhà trường đã tiếp nhận thêm hai đợt tuyển sinh và tiếp tục đón sinh viên quốc tế từ các quốc gia khác như: Campuchia, Honduras. Hiện tại, trường đang đào tạo 52 sinh viên quốc tế theo học chương trình Y khoa (6 năm).

Từ năm 2021 đến nay, nhà trường nhận được sự quan tâm và lượng lớn hồ sơ đăng ký từ sinh viên quốc tế, đặc biệt sinh viên Ấn Độ và Sri Lanka mong muốn theo học ngành Y khoa. Ngoài ra, nhà trường có các chương trình tình nguyện viên, học tập ngắn hạn, giao lưu văn hóa với các sinh viên trường đối tác trong khu vực ASEAN. Mặc dù, số lượng sinh viên tham gia chương trình còn hạn chế, nhưng đây sẽ là động lực để nhà trường phấn đấu trong thời gian sắp tới.

thay-Tuan.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh NVCC.

Đồng quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ: "Hằng năm, nhà trường có sinh viên Hà Lan, Đức và một số nước khác ở châu Âu đến học tập với mục đích chính là thu thập tài liệu làm luận văn, đề án tốt nghiệp. Trước đại dịch Covid-19, sinh viên Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia… thường sang học theo chương trình sinh viên trao đổi (student exchange program) 1 học kỳ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sau dịch Covid-19, số lượng sinh viên quốc tế đã giảm đi đáng kể.

Đối với chương trình học toàn thời gian, chủ yếu có sinh viên Lào, Campuchia, Mông Cổ. Với chương trình cao học, có thêm sinh viên Bangladesh theo học, nhưng tương đối ít. Hiện tại, nhà trường đang có chương trình đào tạo cao học dành cho sinh viên Đức. Trường Đại học Thủy lợi có 2 ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh là Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật tài nguyên nước.

Theo xu hướng hiện nay, sinh viên quốc tế thường chọn các ngành về công nghệ thông tin, kinh tế, nông nghiệp và một số ngành khác có tính đặc thù của Việt Nam".

Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn khi thực hiện chính sách thu hút sinh viên quốc tế.

"Chi phí sinh hoạt và học phí tại Việt Nam được đánh giá khá cạnh tranh, giúp sinh viên nước ngoài có thể tiếp cận chương trình đào tạo với mức chi phí tương đối thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Thêm vào đó, Việt Nam sở hữu văn hóa giàu bản sắc, con người thân thiện, môi trường sống an toàn, tạo sức hấp dẫn nhất định đối với những ai muốn trải nghiệm. Môi trường chính trị, xã hội ổn định cũng là lợi thế của Việt Nam so với một số nước trong khu vực, giúp sinh viên quốc tế cảm thấy an tâm khi du học.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất xuất phát từ hạn chế về cơ sở hạ tầng giáo dục, đặc biệt là một số ngành đòi hỏi công nghệ cao hoặc trang thiết bị hiện đại. Nhiều trường không có đủ nguồn lực để đầu tư cho giảng dạy và nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.

Mặt khác, tính kết nối giữa các trường đại học trong nước với mạng lưới trường quốc tế còn lỏng lẻo, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều trường đại học Việt Nam chưa có bề dày truyền thống nghiên cứu quốc tế, nên khó cạnh tranh với các đại học trong khu vực.

Các bảng xếp hạng quốc tế đều yêu cầu tiêu chí khắt khe về công bố khoa học, nguồn lực tài chính và đội ngũ giảng viên nước ngoài.

Nhìn chung, Việt Nam cần khắc phục những trở ngại này để tối đa hóa những điểm mạnh sẵn có, qua đó, tạo "bước nhảy vọt" trong quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh phân tích thêm.

Bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng cũng cho rằng, để thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập, cần phải thực hiện một số giải pháp như:

Thứ nhất, xây dựng chế độ học bổng cho sinh viên bằng nhiều cách khác nhau, hỗ trợ miễn phí ở ký túc xá của trường, tạo cơ hội cho sinh viên có tiếng Anh tốt có thể tham gia làm trợ giảng trong các môn cần giảng dạy bằng tiếng Anh.

Thứ hai, thúc đẩy trao đổi, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, giáo sư, nâng cao trình độ ngoại ngữ để giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ, đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo và từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nâng cấp các tạp chí khoa học trong nước đạt chuẩn quốc tế và tăng tỷ lệ giảng viên công bố bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Thứ ba, cần cải thiện về cơ sở vật chất, xây dựng thêm nhiều phòng học, phòng thí nghiệm… Đưa công nghệ thông tin vào trong quá trình học tập, hỗ trợ tổ chức các lớp học trực tuyến để sinh viên quốc tế có thể tham gia mà không cần đến trực tiếp. Cùng với đó, cần tạo ra các sân chơi, hoạt động, môi trường để sinh viên có thể sử dụng ngoại ngữ như: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật…

Xu hướng đề tài nghiên cứu hiện nay ở dạng liên ngành, liên lĩnh vực, liên vùng và xuyên biên giới. Nhà trường nên tạo dự án nghiên cứu để sinh viên quốc tế cùng tham gia, sau đó triển khai ở nhiều nước khác nhau để so sánh, đánh giá giữa Việt Nam so với Lào, Campuchia, Thái Lan và các nước phát triển khác.

Tăng cường trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên, thu hút sinh viên quốc tế, giảng viên, giáo sư đến học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam.

thay-Dang.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh NVCC.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nói riêng và các trường đại học nói chung đều mong muốn chào đón sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, không giới hạn trong khu vực.

Thầy Tuấn cho rằng, cần tăng cường các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để triển khai các chương trình liên kết, trao đổi sinh viên với các trường đại học uy tín trên thế giới. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất, dịch vụ hỗ trợ sinh viên quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quốc tế hòa nhập và trải nghiệm cuộc sống tại Việt Nam.

Ngoài ra, thầy Tuấn cũng đề xuất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và triển khai chính sách thu hút sinh viên quốc tế. Cần có những chiến lược quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao vị thế và sức hấp dẫn của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế.

Cũng đồng tình với những giải pháp trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Phi Anh đề xuất thêm, cần có chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế trong việc xin visa, giấy phép lưu trú, hỗ trợ sinh viên quốc tế thuận tiện hơn trong quá trình nhập cảnh và gia hạn.

"Có thể xây dựng cổng thông tin e-Visa du học liên thông với các trường đại học, giúp việc đăng ký, gia hạn visa cho sinh viên quốc tế nhanh gọn.

Các trường đại học tăng cường, phát triển chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, hỗ trợ kinh phí nâng cấp hạ tầng nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ các trường đẩy mạnh hội nhập với các mạng lưới kiểm định chất lượng quốc tế.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần chú trọng mở rộng mối quan hệ đối tác, thúc đẩy ký kết thỏa thuận trao đổi sinh viên và giảng viên, tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các dự án quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về truyền thông, nên thành lập các kênh quảng bá và tư vấn trực tuyến đa ngôn ngữ, tổ chức định kỳ các sự kiện giới thiệu học bổng, điều kiện ăn ở, cơ hội việc làm... dành cho sinh viên nước ngoài. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp có thể được hỗ trợ thủ tục làm việc tại Việt Nam hoặc kết nối doanh nghiệp trong nước, nhằm xây dựng môi trường phát triển sau khi tốt nghiệp.

Để thu hút sinh viên quốc tế bền vững, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các địa phương trong việc hỗ trợ hình thành cộng đồng sinh viên quốc tế an toàn, thân thiện. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp trên, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trở thành điểm đến du học hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á" - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

1. https://thanhnien.vn/viet-nam-dung-thu-3-the-gioi-ve-so-luong-du-hoc-sinh-di-hoc-nuoc-ngoai-185241205104354628.htm

Khánh Hòa