Cần đối diện với vấn đề, “bắt đúng bệnh” để tìm ra giải pháp
Tại Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18/4, đã có nhiều nội dung liên quan đến giáo dục và đào tạo được chia sẻ, bàn luận, nhằm tìm ra những giải pháp phát triển hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ, nhìn nhận thẳng vào những vấn đề của vùng và đề xuất những giải pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Bên cạnh những đánh giá về thành tựu, ưu điểm đã được các địa phương nêu cụ thể, cũng tồn tại một số vấn đề, có lẽ là những thách thức mà chúng ta cần quan tâm hơn.
Về giáo dục mầm non, trong 10 năm qua, có rất nhiều biến đổi... Thiết bị dạy học ở cấp mầm non đáp ứng 37,1%; thấp hơn 10,8% so với bình quân cả nước; thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngân Chi. |
Năm học 2021-2022, tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của vùng là 23,94% (tăng 22,78% so với năm học 2010-2011), thấp hơn 27,98% so với bình quân cả nước (51,92%), thấp hơn vùng đứng thứ 5 (vùng Tây Nguyên) 18,19% và vùng đứng đầu cả nước (vùng đồng bằng sông Hồng) 41,53%.
Tỉ lệ giáo viên/lớp cấp học mầm non vùng Đông Nam Bộ đứng đầu trong 6 vùng kinh tế - xã hội với tỉ lệ 2,0 (thấp hơn định mức theo quy định là 0,2; và cao hơn bình quân cả nước 0,24).
Về giáo dục phổ thông, tình trạng quá tải tại các cơ sở giáo dục; các cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp chậm khắc phục. Theo thống kê trong 10 năm qua, số cơ sở giáo dục tăng không đáp ứng kịp số học sinh tăng. Phải chăng đây chính là áp lực đối với vùng Đông Nam Bộ, khi dân số tăng cơ học quá nhanh?
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp còn thấp. Trong khi đó, theo thống kê, năm học 2021-2022, toàn vùng Đông Nam Bộ có 2.773 cơ sở (chiếm 15,7% tổng số cơ sở giáo dục thường xuyên của cả nước).
Về tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đối với các cấp học trong khu vực Đông Nam Bộ cũng tăng dần hằng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân cả nước và thấp nhất trong 6 vùng”.
“Tôi cho rằng, phải nhìn thẳng vào những vấn đề như thế này, tìm hiểu nguyên nhân, “bắt đúng bệnh” thì mới khắc phục được...
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia thấp không đồng nghĩa với chất lượng giáo dục thấp hơn nơi khác. Đây là vấn đề cần bàn sâu, bàn kỹ, đưa ra những giải pháp để trong 7-10 năm nữa có thể đáp ứng nhu cầu học tập, không còn chuyện quá tải trường lớp.
Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế rất phát triển, nhu cầu nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động dồn về nhiều, đặt ra những thách thức, nhu cầu cao đối với hệ thống giáo dục, đào tạo...” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ.
Đề xuất thêm các nhóm giải pháp
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết: “Bên cạnh những giải pháp đã được đề cập, tôi tham gia thêm một số nhóm ý kiến:
Trước hết, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ xuyên suốt, cần thực hiện liên tục, kiên trì, bền bỉ, mới có thể đạt được mục tiêu, kết quả.
Thứ hai, yêu cầu xây dựng đồng bộ thể chế chính sách và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển toàn diện...
Trước hết, cần bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ bảo đảm bảo tính đồng bộ chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch... của các Bộ ngành liên quan và các địa phương để huy động tối đa các nguồn lực, thích ứng bối cảnh của địa phương nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ ba, đối với ngành giáo dục và đào tạo: Về giáo dục mầm non, do đặc điểm của vùng có nhiều khu công nghiệp rất phát triển, lao động trẻ tập trung rất nhiều, nên số lượng trẻ, học sinh tăng cao, cần phải đầu tư phát triển hệ thống trường lớp.
Ngoài ra, ở đây có một số liệu, trong 10 năm, số học sinh phổ thông tăng 764.590 học sinh, như vậy, số phòng học, trường lớp cần phải đầu tư xây dựng là rất lớn. Vì vậy, chúng ta phải lưu ý, đối diện với vấn đề này để có chính sách đầu tư tốt hơn.
Về ngân sách chi xây dựng phòng học, lớp học đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đề nghị Chính phủ và Bộ ngành lưu ý để kịp thời “gỡ khó”.
Do đặc điểm số trẻ tăng nhanh, cần phải đầu tư phát triển hệ thống trường lớp đối với mầm non. Ảnh minh họa: Ngân Chi. |
Đồng thời, cần có giải pháp tinh giản lao động tự do không khai báo thường trú, để tăng cường chính sách đến người dân.
Bên cạnh đó, đối với vùng Đông Nam Bộ, có một tỉ lệ lớn các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, cần tăng cường chính sách hỗ trợ, đồng thời tăng cường quản lý để đảm bảo chất lượng. Tiếp đó là vấn đề chuẩn hóa đội ngũ trông trẻ, cần phải xây dựng hành lang pháp lý, làm sao để hỗ trợ, đào tạo và quản lý thật tốt để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ.
Đối với giáo dục phổ thông, cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, việc đầu tiên đối với khu vực này chính là đảm bảo đội ngũ giáo viên đủ số lượng, cơ cấu, đáp ứng đổi mới. Ở khu vực này, thiếu đội ngũ giáo viên, đa số do chính sách chưa đủ thu hút nên không có đủ nguồn tuyển. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị về cơ chế chính sách hấp dẫn hơn, đặc biệt ở những vùng kinh tế phát triển như thế này, nếu chế độ tiền lương thấp thì không thể thu hút được giáo viên...”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đắc Vinh cũng đề cập đến: “Hiện, nhu cầu nhân lực chất lượng cao tại khu vực Đông Nam Bộ cũng rất cấp thiết, cao so với cả nước. Đối với giáo dục đại học, tôi kiến nghị, cần có những chính sách phù hợp để thu hút giảng viên, chuyên gia giỏi. Đồng thời, sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ hiệu quả.
Ngoài ra, chúng tôi đề nghị rà soát ban hành 5 Đề án về phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong năm 2023 theo Nghị quyết 154 ngày 23/11/2022 của Chính phủ: (Đề án phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; Đề án phát triển một số trường đại học lớn theo hướng trình độ tiên tiến thuộc nhóm các trường hàng đầu khu vực châu Á; Đề án phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN; Đề án phát triển các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm giáo dục - đào tạo giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia; Đề án kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội)”.