Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Tỷ lệ chọi cao không đồng nghĩa điểm chuẩn cao

22/05/2024 06:40
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Điểm chuẩn các trường THPT phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển, độ khó của đề thi, chỉ tiêu, chất lượng của thí sinh...

Ngày 10/5 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông công lập không chuyên và chuyên năm học 2024 - 2025. Căn cứ vào số lượng nguyện vọng 1 và chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường, thí sinh có thể nắm bắt được tỉ lệ chọi.

Đứng đầu danh sách trường có tỉ lệ chọi cao nhất là Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy) với tỉ lệ chọi là 3,11, có nghĩa trung bình hơn 3 thí sinh dự thi sẽ có 1 thí sinh đỗ.

Xếp vị trí thứ 2 và 3 trong tốp trường có tỉ lệ chọi cao nhất là hai trường thuộc khu vực tuyển sinh “nóng” quận Hà Đông. Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn có tỉ lệ chọi là 2,9 và Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo có tỉ lệ chọi là 2,55.

Trường Trung học phổ thông Nhân Chính có tỷ lệ chọi cao thứ tư (2,4) và Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ tỷ lệ chọi xếp thứ năm (2,38).

5 trường tiếp theo nằm trong tốp 10 tỉ lệ chọi cao nhất lần lượt là: Trường Trung học phổ thông Khương Hạ (2,34); Trường Trung học phổ thông Sơn Tây (2,3); Trường Trung học phổ thông Đại Mỗ (2,24); Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (2,18) và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (2,15). [1]

Nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng vì tỉ lệ chọi

Việc một số trường có tỉ lệ chọi tăng mạnh khiến không ít thí sinh và phụ huynh có tâm lý hoang mang, lo lắng, nhất là khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là diễn ra kỳ thi.

gdvn_thi vao 10 (22).JPG
Tỉ lệ chọi ở một số trường cao khiến học sinh, phụ huynh lo lắng cho kỳ thi sắp tới. Ảnh minh họa: PM

Chị Đoàn Thị Bảo Châm, phụ huynh có con thi vào Trường Trung học phổ thông Nhân Chính (Thanh Xuân) chia sẻ, gia đình lựa chọn cho con thi vào trường vì gần nhà, thuận tiện đi lại, và cảm thấy môi trường học tập tốt. Sau khi biết tỉ lệ chọi của trường cao thứ 4 trong thành phố, gia đình chị Bảo Châm rất lo lắng.

Nhưng theo sự tư vấn của cô giáo, chị Bảo Châm vẫn muốn con cố gắng vượt qua thử thách này, vì nếu chọn trường thấp hơn mà đủ điểm đỗ trường như nguyện vọng ban đầu thì sẽ tiếc nuối.

"Con cũng chịu khó học bài và ôn tập đầy đủ, con cũng ý thức được việc thi cử không đơn giản nên luôn cố gắng, tự giác và chủ động học tập.

Tôi cố gắng không làm con cảm thấy mệt mỏi hay áp lực thêm. Gia đình không dám chắc con sẽ đỗ vì đôi khi "học tài thi phận". Nhưng chúng tôi đã có phương án dự phòng nguyện vọng 2 nên không để con phải quá căng thẳng vì chuyện thi cử.

Nếu không đỗ nguyện vọng , con có thể sẽ phải đi học xa hơn. Con chấp nhận thử thách, nếu chọn giải pháp an toàn thì con sẽ ỷ lại và không chịu cố gắng", chị Bảo Châm chia sẻ.

Chị Vũ Thị Mai Anh, một phụ huynh học sinh ở Đông Anh cho biết, gia đình khá lo lắng về tỉ lệ chọi năm nay, mong kỳ thi nhanh đến cho các con sớm cởi bỏ được áp lực.

"Thời điểm này mà con vẫn phải đi học đầy đủ, trong khi khả năng tiếp thu thêm kiến thức trong giai đoạn nước rút không còn cao nữa. Giai đoạn này nên để con tự ôn luyện và chỉ giải đáp những gì con chưa hiểu.

Dù khá lo lắng nhưng gia đình không tạo áp lực quá lớn cho con mà chỉ chia sẻ cùng con, mong con cố gắng hết sức để có thể đạt điểm cao. Nếu có cơ hội vào lớp chọn thì sẽ có môi trường cạnh tranh để phát huy hết khả năng nội lực, đỡ lãng phí tố chất vốn có của con", chị Mai Anh chia sẻ.

Tuy nhiên gia đình chị Mai Anh cũng không ép con phải bằng mọi giá đạt được mục tiêu mà muốn con được học trong tâm thế thoải mái, có ý thức trách nhiệm với bản thân và con phải hiểu việc được đi học và được tạo điều kiện để học tập là may mắn, hạnh phúc.

Em Phạm Linh Hương, học sinh lớp 9 tại khu vực Hoàn Kiếm chia sẻ, năm nay em đặt nguyện vọng 1 vào Trường Trung học Phổ thông Trần Phú (Hoàn Kiếm), nguyện vọng 2 vào Trường Trung học Phổ thông Thạch Bàn (Long Biên).

Linh Hương thấy khá căng thẳng vào kỳ thi vào lớp 10 sắp tới vì đây là kỳ thi quan trọng, chưa kể năm nay số lượng thí sinh dự thi khá đông, tỉ lệ chọi cao. Hiện tại, em vẫn đang ôn tập theo chương trình tăng cường của trường, chủ yếu rà soát lại kiến thức cơ bản và bồi dưỡng thêm kiến thức nâng cao.

“Em khá tự tin vào kiến thức của bản thân, nhưng tâm lý của em không tốt lắm, nên sợ vào phòng thi sẽ không làm bài tốt. Dù biết sẽ khó khăn nhưng em luôn tự trấn an và tự nhủ bản thân phải cố gắng hết sức mình", Linh Hương cho biết.

Em Hà Gia Hân, học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Gia Thuỵ (Long Biên) bày tỏ, để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 năm nay, em đã bắt đầu ôn tập từ năm lớp 8. Lần thi thử ở trường có kết quả tốt nên em khá tự tin. Bố mẹ, ông bà luôn động viên và tạo điều kiện nên em hy vọng vào buổi thi sẽ không bị áp lực quá lớn.

Điểm đầu vào phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Trước thắc mắc của nhiều thí sinh và phụ huynh về tỉ lệ chọi cao có dẫn đến việc điểm chuẩn các trường cao hơn không, các thầy cô giáo có kinh nghiệm đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Cô giáo Phạm Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Liên Hà (Hà Nội) cho biết, tỉ lệ chọi cao chưa chắc đã đồng nghĩa với việc điểm chuẩn của trường sẽ cao. Điểm đầu vào còn phụ thuộc vào chất lượng của học sinh trường trung học cơ sở.

Cô Phạm Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Liên Hà.png
Cô giáo Phạm Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Liên Hà. Ảnh: NVCC

Bởi xu hướng năm nay các con học sinh muốn an toàn, đăng ký nhiều vào trường trung học phổ thông có điểm đầu vào năm ngoái thấp, dẫn tới tỉ lệ chọi của trường đó tăng. Những trường có ít lượng học sinh đăng ký thì tỉ lệ chọi thấp. Những trường có lượng học sinh dồn vào nhiều thì sẽ có tỉ lệ chọi cao.

Xu thế hiện nay cho thấy, nếu một số khu vực có số lượng đông thí sinh đăng ký thì các trường sẽ san sẻ với nhau để tạo ra sự cân xứng. Học sinh có năng lực cao sẽ vào trường tốp trên, còn học sinh có năng lực thấp hơn sẽ vào trường tốp dưới.

Ví dụ học sinh có năng lực xuất sắc mới vào được Trường Trung học phổ thông Yên Hoà, trường đang đứng thứ nhất về tỉ lệ chọi. Tuy nhiên cũng có trường hợp xảy ra, học sinh ở gần trường đồng loạt đăng ký thi vào, học sinh khác lo lắng nên thay đổi nguyện vọng, dẫn đến có những năm điểm đầu vào sẽ ngang bằng với các trường khác.

“Vì vậy, đánh giá tỉ lệ chọi của các trường chỉ là một phương diện, còn thực chất phải đánh giá được trong số tất cả học sinh có bao nhiêu học sinh đạt điểm tầm cao, đó mới là đánh giá chuẩn xác.” – Cô Phạm Thị Hiền cho biết.

Đồng tình với ý kiến của cô Hiền, Thạc sĩ Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ, Hà Nội chia sẻ, tỉ lệ chọi không có ý nghĩa quá quan trọng và không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá. Học sinh giỏi sẽ đăng ký vào trường tốp cao, còn học sinh có lực học yếu hơn sẽ đổ dồn vào trường tốp dưới.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Phi,  Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ.png
Thạc sĩ Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ. Ảnh: NVCC

Điểm chuẩn của các trường trung học phổ thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển, độ khó của đề thi, chỉ tiêu, chất lượng của thí sinh,... Tỉ lệ chọi chỉ là một kênh để thí sinh tham khảo, hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa chỉ tiêu và số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường trung học phổ thông.

Điều quan trọng, chỉ còn hai tuần nữa bắt đầu thi, học sinh không nên quan tâm đến vấn đề này quá, mà nên tập trung ôn tập. Phụ huynh hay tạo ra tâm lý lo lắng cho các con, và chính điều đó ảnh hưởng đến kết quả thi của các con.

“Phụ huynh nên tạo điều kiện tốt nhất cho con tập trung ôn luyện, giúp con bù đắp những kiến thức còn thiếu sót. Các thầy, cô giáo nên quan tâm hỗ trợ tâm lý, giúp các con giảm lo âu, căng thẳng trước kỳ thi để đạt được kết quả cao nhất”, Thạc sĩ Nguyễn Minh Phi đưa ra lời khuyên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/top-truong-co-ti-le-choi-vao-lop-10-cao-nhat-tai-ha-noi-nam-2024-1338257.ldo

Bích Ngọc