Thi vào lớp 10 mà có tới 688 điểm 0 là do học trò...ngồi nhầm lớp

22/06/2019 06:36
Kim Sơn
(GDVN) - Thầy Phạm Tất Dong còn cho rằng: “Thực lực của học sinh ở ta xưa nay chưa ai đánh giá được, thật giả lẫn lộn”.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã công bố một con số “gây sốc”  khi có tới 668 học sinh đạt điểm không môn toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường công lập ở tỉnh này.

Theo đánh giá của nhiều học sinh, giáo viên trong tỉnh, đề thi năm nay nhìn chung là phù hợp, đề ra vừa sức, có phân hóa trình độ nhằm chọn lựa sức học của học sinh.

Điều đáng bàn, trong khi Hà Nội có 83 ngàn thí sinh dự thi lớp 10 công lập nhưng chỉ có 150 em đạt 0 điểm môn toán, trong khi tổng số thí sinh thi vào lớp 10 ở Khánh Hòa là 13,5 nghìn học sinh nhưng lại có tới 668 em điểm 0.

Xung quanh con số này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đưa ra mổ xẻ nguyên nhân, trong đó phải đánh giá được công tác dạy và học môn toán tại địa phương này.

Rồi mổ xẻ xem các trường học trên địa bàn đã thực sự quan tâm đến việc bồi dưỡng học sinh yếu kém hay chỉ làm chiếu lệ?

Tại sao không đẩy mạnh phong trào bồi dưỡng học sinh yếu kém như học sinh giỏi và công nhận những thầy cô có thành tích xóa yếu là giáo viên dạy giỏi?

Thầy Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Kinh Đô, Hà Nội (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).
Thầy Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Kinh Đô, Hà Nội (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Kinh Đô, Hà Nội cho rằng: “Khánh Hòa là một tỉnh bé, nhưng có tới 668 học sinh bị liệt, rõ ràng là một con số rất lớn”.

Theo thầy Niềm: “Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến học sinh yếu kém là do dạy và học (tức thầy & trò) và do đề thi (tức khâu kiểm tra, đánh giá).

Bị điểm 0 tức là 668 học sinh đó không có một chút kiến thức nào.

Kết quả như vậy thường có nhiều yếu tố, trong đó nếu dạy và học tốt nhưng mà khâu kiểm tra đánh giá không chuẩn thì cái phản ánh chất lượng cũng không khách quan.

Còn, nếu đề thi mà phù hợp với chuẩn chung mà điểm số thấp như thế thì nằm ở khâu dạy và học”.

Một số người có ý kiến rằng, đã 6 năm rồi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa không tổ chức thi tuyển, mà chỉ tuyển hồ sơ vào lớp 10 nhưng năm nay quay lại bất ngờ như vậy khiến cho học sinh bị “choáng”, thầy Niềm đã phản bác quan điểm trên.

Theo thầy Niềm: "Nhận định như vậy là không đúng. Bởi vì không phải cuối năm Sở mới phổ biến kế hoạch thi mà từ đầu năm học (2018 – 2019) chắc chắn đã công bố đến các trường.

Còn nữa, kiểm tra trên lớp hay học kỳ thì học sinh vẫn phải học và được ôn luyện?”.

Thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).
Thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Đồng quan điểm, thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, nguyên do là học sinh không có thực lực, ngồi nhầm chỗ.

Ngoài ra, thầy Dong còn cho rằng: “Với nhiều năm kinh nghiệm làm giáo dục, tôi thấy một hiện tượng là không phải học trò nào cũng thích học lên mãi đâu.

Nhiều em chán học nhưng bố mẹ không muốn con đi học nghề.

Các em mà thổ lộ nguyện vọng của mình thì bố mẹ không mắng chửi thì cũng chì chiết cho nên mới có chuyện này”.

Thầy Dong cũng nói thêm: “Thực lực của học sinh ở ta xưa nay chưa ai đánh giá được, thật giả còn lẫn lộn.”

Kim Sơn