Thi tuyển hiệu trưởng trường công: mở chủ trương, đóng tiêu chuẩn

29/04/2022 08:57
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ trương thi hiệu trưởng đã “mở” nhưng tiêu chuẩn vẫn đang “đóng” với phần lớn nhà giáo đang công tác ở các trường mầm non và các cấp học phổ thông hiện nay.

Những năm qua, một số địa phương đã có chủ trương thi tuyển hiệu trưởng cho các trường mầm non và các cấp học phổ thông và chủ trương này đã tạo ra những thay đổi nhất định ở các nhà trường khi người đứng đầu đơn vị đã trải qua một kỳ thi tuyển gắt gao.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế và các tiêu chuẩn cho những những nhà giáo tham gia thi tuyển thì chúng ta thấy việc tổ chức thi tuyển chức vụ hiệu trưởng nhà trường vẫn là việc xa xôi đối với đa phần các nhà giáo.

Về cơ bản, những người tham gia thi tuyển chức vụ hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng nhà trường đều phải là những người đã, đang đảm nhận chức vụ này hoặc đã nằm trong danh sách quy hoạch cán bộ thì mới đủ điều kiện dự thi.

Những giáo viên dù có giỏi chuyên môn, đủ chuẩn trình độ, năm công tác, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định và đáp ứng được sức khỏe, phẩm chất đạo đức muốn tham dự thi tuyển chức danh hiệu trưởng cũng không phải là điều dễ dàng.

Càng ngày càng có nhiều địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Hanoimoi.com.vn)

Càng ngày càng có nhiều địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Hanoimoi.com.vn)

Giáo viên chưa được quy hoạch thì đừng mơ tham gia thi tuyển hiệu trưởng

Chủ trương thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là điều mà nhiều giáo viên mong muốn vì họ cần có người lãnh đạo nhà trường đã tham gia thi tuyển minh bạch, có đủ tâm –tài để lãnh đạo đơn vị đi lên.

Bởi, mấy chục năm qua thì phần lớn các địa phương vẫn thực hiện quy trình bổ nhiệm, không có thi tuyển nên bên cạnh những lãnh đạo giỏi, tâm huyết với đơn vị vẫn có những lãnh đạo nhà trường yếu về chuyên môn và phẩm chất đạo đức cũng chưa thực sự tốt.

Chính vì thế, việc một số địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng mà tạo ra những cơ chế thông thoáng sẽ đem lại luồng gió mới để thay đổi quy trình bổ nhiệm lâu nay là điều tốt nhất.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế thì việc một số địa phương đã và đang tiến hành tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo của các trường mầm non, phổ thông vẫn đang khiến dư luận có những băn khoăn nhất định.

Mới đây nhất, ngày 22/3/2022 thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có Thông báo số 725/TB-SGDĐT thông báo thi tuyển chức danh hiệu trưởng cơ sở giáo dục công lập thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2022.

Trong thông báo này đã quy định rất rõ về tiêu chuẩn của người dự thi chức danh hiệu trưởng. Ngoài điều kiện về chuẩn trình độ, sức khỏe, phẩm chất đạo đức thì người dự thi phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

“-Có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên;

- Có văn bằng, chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục;

- Có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…”.

Nhìn qua những tiêu chuẩn này, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nếu không phải là những nhà giáo đang đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường hoặc những nhà giáo đang nằm trong danh sách quy hoạch nguồn của nhà trường thì khó có thể đạt được các tiêu chí trên.

Đặc biệt là các tiêu chí: “có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên” và “có văn bằng, chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục”.

Bởi lẽ, nếu nhà giáo không nằm trong quy hoạch cán bộ thì chắc chắn ngoài giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ra chẳng ai có “trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên”.

Việc nhà trường, địa phương cử giáo viên đi học lớp trung cấp chính trị hiện nay đang được lựa chọn rất khắt khe và qua nhiều cấp phê duyệt. Phải là người được nhà trường quy hoạch, đề nghị thì giáo viên mới có thể tham gia khóa học này.

Những người không nằm trong danh sách quy hoạch cán bộ thì chẳng có ai cho đi học vì thời gian tham gia khóa học này khá dài. Giáo viên công tác tại trường mà tự đi học thì phải chịu hoàn toàn kinh phí và tất nhiên chẳng hiệu trưởng nào bố trí người dạy thay trong thời gian giáo viên đi học.

Hơn nữa, một giáo viên dạy lớp bình thường thì chẳng mấy ai lại tự nguyện đi tham gia khóa học này làm gì vì sẽ khó khăn trăm bề khi đi học tự túc.

Đối với “văn bằng, chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục” cũng vậy, phải được quy hoạch cán bộ thì nhà trường mới cử đi học lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà trường hoặc tham gia học lớp cử nhân quản lý giáo dục.

Đi học các lớp này rất tốn kém, mất nhiều thời gian nên rất hiếm giáo viên tự bỏ tiền túi đi học để rồi lấy tấm bằng hoặc chứng chỉ mà mục đích của nó không rõ ràng. Hơn nữa, đây là những văn bằng, chứng chỉ không bắt buộc đối với những nhà giáo không đảm nhận chức vụ nên nó vẫn không được mấy giáo viên quan tâm.

Chính vì thế, việc thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực ra cũng chỉ là “sân chơi” của những người đang là cán bộ quản lý nhà trường hoặc ít ra cũng là người đang nằm trong quy hoạch cán bộ nguồn.

Những giáo viên đứng lớp đơn thuần dù có muốn tham dự kỳ thi này cũng không có cửa để dự thi và cho dù có đủ tiêu chuẩn thì cũng khó cạnh tranh với những người đã và đang là cán bộ, quản lý nhà trường hoặc đang nằm trong quy hoạch.

Vậy nên, chủ trương đã “mở” nhưng tiêu chuẩn thì vẫn đang “đóng” với phần lớn nhà giáo đang công tác ở các trường mầm non và các cấp học phổ thông hiện nay.

Chính sách thi tuyển hiệu trưởng cần thoáng và “mở” hơn

Hiệu trưởng trường học là người quản lý mấy chục con người, tài sản, kinh phí hàng năm cùng hàng trăm, hàng ngàn học sinh nên tuyển chọn được một hiệu trưởng nhà trường hội đủ tâm - tài, tâm huyết với nghề là điều rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chính vì vậy, tiêu chuẩn chọn lựa một hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng nhà trường khắt khe cũng là điều dễ hiểu nhưng theo cá nhân tôi thì khâu thi tuyển ban đầu cần phải “mở hơn” về các tiêu chí đối với người dự thi.

Chẳng hạn, khi chủ trương tuyển chọn hiệu trưởng được công khai, minh bạch và mọi nhà giáo có thể tham gia dự tuyển thì tiêu chí “có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên” và “có văn bằng, chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục” cần phải được linh hoạt, mềm dẻo hơn.

Nếu những nhà giáo có tâm, có tài, hội đủ điều kiện, khả năng đảm trách được chức vụ quản lý nhà trường nhưng còn thiếu 2 loại chứng chỉ này thì cơ quan chức năng có thể chọn và cho họ bổ sung sau.

Hoặc, chủ trương tuyển chọn các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cần được duy trì thường xuyên để những nhà giáo có nguyện vọng trở thành nhà quản lý giáo dục có thời gian chuẩn bị. Tránh tình trạng lâu lâu mới tổ chức một kỳ thi rồi lại quay lại quy trình bổ nhiệm lâu nay thì rất khó tạo ra khâu đột phá.

Việc duy trì kỳ thi này trong ngành giáo dục sẽ giúp những nhà giáo có sự chuẩn bị những tiêu chuẩn cần thiết cho mình nhằm đáp ứng những yêu cầu mà cơ quan tuyển dụng đề ra.

Nếu không, việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng nhà trường vẫn khó có những điểm nhấn mới. Nó chỉ khác một chút về hình thức “đầu vào” nhưng về cơ bản vẫn là những người đã được quy hoạch mới có thể tham dự kỳ thi này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY