Thị trường lớn tạo nhiều cơ hội việc làm cho cử nhân ngành Công nghệ giáo dục

09/02/2025 06:42
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngành Công nghệ giáo dục thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh nhờ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong học tập.

Ngành Công nghệ giáo dục đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn trong tương lai, nhờ vào sự chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ số và nhu cầu cải cách giáo dục. Việt Nam, với dân số trẻ, năng động và sự đầu tư ngày càng tăng vào công nghệ, có nền tảng để trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về ứng dụng Công nghệ giáo dục.

Chính vì lẽ đó, chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ giáo dục dù mới được đưa vào giảng dạy tại Việt Nam nhưng đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều thí sinh.

Ngành Công nghệ giáo dục thúc đẩy chuyển đổi số trong học tập

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Học - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chỉ ra ba triển vọng nổi bật của ngành Công nghệ giáo dục.

Thứ nhất, chuyển đổi số trong giáo dục đang được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến, cơ sở dữ liệu học sinh, và các công cụ đánh giá công nghệ, tạo cơ hội cho các công ty EdTech và trường học áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dạy và học.

Thứ hai, cá nhân hóa học tập sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai, nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), các giải pháp công nghệ giáo dục sẽ giúp học sinh học theo tốc độ và phong cách phù hợp với bản thân, vượt ra ngoài khuôn khổ lớp học truyền thống.

Cuối cùng, sự phát triển của Công nghệ giáo dục không chỉ giúp nâng cao kỹ năng cho học sinh, sinh viên mà còn mở ra cơ hội phát triển năng lực cho giáo viên thông qua các chương trình đào tạo tích hợp công nghệ, giúp họ thích ứng và áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại.

vn_62aae7cc0fcc9luz2g4b.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.

“Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành Công nghệ giáo dục tại Việt Nam cần giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng, pháp lý, và nguồn nhân lực. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý giáo dục, các nhà phát triển công nghệ, và các nhà nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Tôi tin rằng, với sự đồng lòng và sáng tạo, ngành Công nghệ giáo dục sẽ trở thành một động lực quan trọng trong công cuộc phát triển giáo dục nước nhà” - thầy Học bày tỏ.

Cũng theo thầy Học, lứa sinh viên đầu tiên của ngành Công nghệ giáo dục tại Đại học Bách Khoa Hà Nội tốt nghiệp năm 2023 là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của chương trình đào tạo và khẳng định chất lượng của ngành học mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.

Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay: “Theo khảo sát của nhà trường, hơn 90% sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên đã có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi ra trường.

Các vị trí mà các em đảm nhận rất đa dạng, từ chuyên gia thiết kế nội dung học liệu số, chuyên viên phát triển sản phẩm giáo dục tại các công ty EdTech, đến chuyên viên ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục tại các trường học và tổ chức giáo dục.

Sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên được đánh giá cao bởi khả năng kết hợp giữa tư duy sư phạm với kỹ năng công nghệ. Nhiều em đã tham gia trực tiếp vào các dự án phát triển ứng dụng học tập, thiết kế hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) và ứng dụng AI trong giáo dục.

Theo khảo sát với các doanh nghiệp và tổ chức giáo dục, sinh viên tốt nghiệp được đánh giá cao về tinh thần sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, và đặc biệt là khả năng thích nghi với những thay đổi trong công nghệ và môi trường làm việc”.

Năm 2024, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành Công nghệ giáo dục. Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, ngành Công nghệ giáo dục tại Việt Nam có triển vọng phát triển mạnh nhờ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu chuyển đổi số trong giáo dục.

Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, như Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", nhằm xây dựng hệ sinh thái học tập số, đào tạo trực tuyến và học liệu số.

Các công nghệ như AI, VR, AR, big data đang được ứng dụng mạnh mẽ trong giáo dục, giúp cá nhân hóa quá trình học tập và cải thiện hiệu quả giảng dạy.

Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển của nền kinh tế số, đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục.

Điều này làm gia tăng nhu cầu về các giải pháp công nghệ trong giáo dục, khi các phương pháp học tập truyền thống không còn đủ để đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động.

e4e250d89924207a7935-5820.jpg
Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTCC.

“Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã mở ngành Công nghệ giáo dục để đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ trong giáo dục.

Với vị trí ở thành phố Hồ Chí Minh, trường có lợi thế về môi trường công nghệ, doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo điều kiện lý tưởng cho việc hợp tác, trao đổi và ứng dụng công nghệ trong giáo dục.

Trường đã đặt mục tiêu trở thành đại học đa ngành có tính ứng dụng cao, hướng tới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phù hợp với ngành Công nghệ giáo dục, đòi hỏi sự sáng tạo và linh hoạt​” - cô Cầm bày tỏ.

Cũng theo cô Cầm, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục có nhiều cơ hội việc làm phong phú trong các lĩnh vực khác nhau.

Các bạn có thể ứng dụng công nghệ vào giáo dục bằng cách thiết kế chương trình đào tạo, hỗ trợ giảng dạy, tổ chức các khóa đào tạo cho người lớn tuổi hoặc nhân viên doanh nghiệp, sáng tạo nội dung khoa học - giáo dục trên các phương tiện truyền thông, và tư vấn áp dụng phương pháp dạy học STEAM.

Ngoài ra, họ cũng có thể tham gia thiết kế và phát triển công nghệ giáo dục, bao gồm việc tạo ra ứng dụng giáo dục trên các thiết bị thông minh, tham gia chuyển đổi số cho các công ty giáo dục trực tuyến, và phát triển học liệu số.

Bên cạnh đó, sinh viên còn có thể làm việc trong lĩnh vực quản trị công nghệ giáo dục, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và ứng dụng giáo dục cho các tổ chức, giám sát đào tạo trực tuyến, trực tiếp, và phát triển các ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà trường và các dự án giáo dục.

Sinh viên làm chủ công nghệ, tham gia giảng dạy thực tế sớm

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Học chia sẻ, chương trình đào tạo ngành Công nghệ giáo dục tại Đại học Bách Khoa Hà Nội được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, kết hợp giữa lý thuyết nền tảng và ứng dụng thực tiễn, nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục và sự phát triển của công nghệ trong thời đại số.

Sau hơn 5 năm triển khai, chương trình đã đạt được những đổi mới đáng chú ý. Đầu tiên, chương trình tích hợp công nghệ và giáo dục, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức về khoa học giáo dục mà còn làm chủ các công cụ công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, công nghệ học tập điện tử, và phương pháp giáo dục STEM.

Tiếp theo, chương trình chú trọng đến định hướng thực tiễn và sáng tạo, với việc sinh viên tham gia vào các dự án thực tế, hợp tác với các trường phổ thông, doanh nghiệp EdTech, và các tổ chức giáo dục để thiết kế bài giảng và phát triển sản phẩm giáo dục số.

Chương trình giảng dạy linh hoạt, cho phép sinh viên lựa chọn chuyên sâu vào các lĩnh vực như phát triển nội dung học liệu số, vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến, thiết kế trò chơi số trong giáo dục, hay phát triển chương trình đào tạo hỗ trợ công nghệ tại các doanh nghiệp và tổ chức, từ đó giúp sinh viên phát huy thế mạnh cá nhân và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

471348719_1167752468688859_5314032762723267325_n.jpg
Sinh viên Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội tham quan Công ty Cổ phần Trường học Trực tuyến Onschool. Ảnh: NVCC.

Cũng theo thầy Học, trong thời gian tới, chương trình đào tạo ngành Công nghệ giáo dục sẽ được cập nhật và bổ sung các kiến thức mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và sự phát triển của lĩnh vực EdTech.

Cụ thể, chương trình sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng về UI/UX, giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trong các sản phẩm công nghệ giáo dục. Đồng thời, chương trình sẽ bổ sung năng lực phân tích nghiệp vụ (Business Analyst) chuyên sâu trong lĩnh vực giáo dục, giúp sinh viên hiểu và đưa ra giải pháp công nghệ phù hợp.

Sinh viên cũng sẽ được cập nhật xu hướng mới của Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) trong giáo dục, từ việc sử dụng AI trong tạo nội dung, cá nhân hóa học tập đến hỗ trợ giảng dạy và phân tích học tập (Learning Analytics), sử dụng dữ liệu người dùng để nâng cao hiệu quả học tập. Những kiến thức và kỹ năng này giúp sinh viên sẵn sàng tham gia thị trường lao động và đóng góp vào sự phát triển của công nghệ giáo dục.

Bên cạnh đó, chương trình cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp, kết nối với các trường đại học quốc tế như Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Monash (Úc), Đại học TU Dresden (Đức); tham gia Hiệp hội Giáo dục số Châu Á và Trung Quốc (ASEAN-China Digital Education); VNPT, Học viện Viettel, FPT Software, Mood.ai, Code Gym... Sinh viên có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi, nghiên cứu chung, hoặc thực tập tại các tập đoàn giáo dục trong và ngoài nước.

Chương trình tích hợp trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và học tập, sử dụng các công cụ AI như hệ thống gợi ý học liệu thông minh và bài giảng mô phỏng thực tế ảo.

Ngoài kiến thức chuyên môn, chương trình chú trọng đến giáo dục toàn diện, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, giao tiếp và làm việc nhóm. Các khóa học ngoại khóa và hoạt động thực tế sẽ giúp sinh viên phát triển đầy đủ năng lực, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc.

“Những đổi mới và điểm đặc sắc này không chỉ giúp sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục có kiến thức vững vàng và kỹ năng vượt trội mà còn mở ra cơ hội việc làm rộng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục đến phát triển phần mềm, quản lý dự án và nghiên cứu giáo dục. Đây cũng là niềm tự hào lớn của chúng tôi tại Đại học Bách Khoa Hà Nội” - thầy Học bày tỏ.

Về chương trình đào tạo ngành Công nghệ giáo dục của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cô Cầm cho biết, chương trình đào tạo ngành Công nghệ giáo dục trang bị cho sinh viên kiến thức liên ngành về khoa học tự nhiên, xã hội, công nghệ, chính trị và pháp luật, giúp họ ứng dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục.

Sinh viên học cách sử dụng kiến thức chuyên ngành để thiết kế và quản lý môi trường giáo dục công nghệ, phát triển khả năng phân tích lý thuyết và thực tế, đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong kỷ nguyên số.

Chương trình đào tạo tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có điểm nổi bật là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Với hơn 45.7% thời gian học tập dành cho thực hành, sinh viên được tham gia vào các dự án thực tiễn, làm việc trực tiếp với các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp.

Ngoài ra, chương trình tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI, VR, AR, giúp sinh viên sáng tạo và phát triển các sản phẩm giáo dục số, từ video giáo dục đến học liệu số và các mô phỏng giáo dục. Sinh viên cũng được tham gia vào các dự án đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm giúp họ phát triển kỹ năng thực tiễn và khả năng ứng dụng công nghệ vào giáo dục.

“Điểm đặc biệt nữa là việc áp dụng các công nghệ giáo dục mới không chỉ giới hạn trong ngành Công nghệ giáo dục mà còn là chiến lược mở rộng cho tất cả các chương trình đào tạo tại Đại học Nguyễn Tất Thành.

Điều này đồng nghĩa với việc các phương pháp giảng dạy truyền thống sẽ dần được thay thế hoặc bổ sung bởi những công nghệ hiện đại như AI, VR, AR, big data. Những công nghệ này không chỉ tạo ra môi trường học tập tương tác và cá nhân hóa, mà còn giúp sinh viên tiếp cận kiến thức theo cách mới, linh hoạt và hiệu quả hơn” - cô Cầm bày tỏ.

Trong năm học 2025-2026, một trong những cập nhật đáng chú ý của chương trình đào tạo là bổ sung học phần “Năng lực số nâng cao: Tư duy, An ninh, Sáng tạo”, nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng về AI, giúp sinh viên hiểu sâu hơn về cách ứng dụng AI trong giáo dục, từ việc cá nhân hóa quá trình học tập đến cải thiện hiệu quả giảng dạy.

Điều này không chỉ đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững mà còn góp phần đảm bảo giáo dục chất lượng và công bằng theo Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 của Liên Hợp Quốc.

Chương trình cũng nghiên cứu tổ chức học thực hành tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển kỹ năng nghề mới và thích ứng với thay đổi công nghệ.

Các hoạt động như cuộc thi công nghệ và khởi nghiệp tiếp tục được tổ chức, giúp sinh viên phát triển kỹ năng mềm và tham gia vào các dự án giáo dục số hóa, đặc biệt hỗ trợ cộng đồng vùng sâu, vùng xa.

Trần Trang