Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tái khởi động mở ra nhiều cơ hội cho cơ sở GDĐH

08/02/2025 06:26
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Kế hoạch tái triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mở ra nhiều cơ hội cho CSGDĐH, song cũng có không ít thách thức lớn trong công tác đào tạo hiện nay.

Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực năng lượng mà còn mở ra cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học khôi phục và đẩy mạnh chương trình đào tạo nhân lực chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp điện hạt nhân trong tương lai.

Cách đây gần 15 năm, vào ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử" (Đề án 1558). Đề án đặt mục tiêu quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở giáo dục đại học, trung tâm đào tạo chuyên ngành phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong thời gian đầu tập trung vào 5 cơ sở giáo dục đại học: Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội), Trường Đại học Đà Lạt và Trường Đại học Điện lực, cùng với Trung tâm Đào tạo thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng, các trường chuyển hướng đào tạo điện hạt nhân ra sao?

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội thực tập tại Lò phản ứng Hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: HUST
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội thực tập tại Lò phản ứng Hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: HUST

Là 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nhân lực phục vụ Đề án 1558, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, năm 2016, khi có Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì các hoạt động đào tạo điện hạt nhân của nhà trường cũng dừng, chỉ ngành kỹ thuật hạt nhân vẫn tuyển sinh, đào tạo hằng năm 60 chỉ tiêu để phục vụ hạt nhân trong y học.

Tương tự, năm 2011,Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã mở chương trình cử nhân Khoa học về Kỹ thuật Hạt nhân để đáp ứng nhu cầu cấp bách vào thời điểm đó, cũng như phát huy thế mạnh truyền thống trong đào tạo về lĩnh vực vật lý hạt nhân của nhà trường.

Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang, Phó Trưởng Bộ môn Vật lý hạt nhân - Kỹ thuật hạt nhân - Vật lý y khoa (thuộc Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay chương trình có 3 ngành đào tạo về: Năng lượng và Điện hạt nhân, Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý Y khoa. Một số sinh viên trong chương trình đã được Chính phủ chọn để đi học tại Liên bang Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và vận hành các nhà máy điện hạt nhân.

Từ khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng đến nay, Khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật vẫn tiếp tục duy trì chương trình đào tạo Kỹ thuật hạt nhân vì ngành này có nhiều ứng dụng quan trọng mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học – công nghệ của đất nước.

DSC_0012.jpg
Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực tập tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (tháng 7/2023). Ảnh: Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực tập tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (tháng 7/2023). Ảnh: Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Khi Việt Nam quyết định tái triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (vào năm 2050 theo cam kết tại COP2) cũng như phục vụ nhu cầu điện năng ngày càng lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang nhận định, các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn.

Trong đó, điểm thuận lợi của nhà trường là chương trình đào tạo về Kĩ thuật hạt nhân, trong đó bao gồm điện hạt nhân, đã sẵn có và đang được duy trì một cách ổn định và hiệu quả. Hằng năm Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tuyển sinh từ 30-40 sinh viên vào ngành Kĩ thuật hạt nhân.

Bên cạnh đó, năm 2020 Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng mở thêm ngành Vật lý y khoa tuyển sinh từ 40- 50 sinh viên song song với chuyên ngành Vật lý hạt nhân truyền thống khoảng 15- 20 sinh viên hằng năm. Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo trình độ sau đại học ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân với số học viên cao học trung bình 25 học viên và 4 nghiên cứu sinh hằng năm.

Đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, tích lũy được nhiều kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực kĩ thuật hạt nhân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu với các phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân đại cương và chuyên đề tại cơ sở Nguyễn Văn Cừ, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh và một phòng thí nghiệm Kĩ thuật hạt nhân tại cơ sở Linh Trung, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là phòng thí nghiệm trọng điểm cấp trường, được đầu tư từ dự án đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân trước đây.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang cho biết nhà trường cũng gặp không ít thách thức trong tình hình mới. Thứ nhất là vấn đề kinh phí. Đầu tư cho điện hạt nhân nói riêng và kĩ thuật hạt nhân nói chung đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn cho đào tạo, nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Điều này cần có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo.

Thứ hai là về mặt chính sách. Nhà nước cần có chính sách và chiến lược dài hạn trong đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân, hướng dẫn, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ sở giáo dục, phát huy thế mạnh đào tạo của mỗi trường.

Thứ ba là về mặt truyền thông thông tin để tạo niềm tin với công chúng. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây bị tạm dừng vì vậy khi quyết định tái triển khai dự án, Nhà nước cần có những cam kết vững chắc và bước đi rõ ràng để xã hội nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng cùng chung tay thực hiện thành công dự án.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nghĩa, Trưởng Bộ môn Vật lý Hạt nhân (thuộc Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng kế hoạch tái triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở đào tạo, song cũng có không ít thách thức lớn trong công tác đào tạo hiện nay.

Đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học được đóng góp công sức trí tuệ cho dự án quan trọng của đất nước. Cùng với đó, các trường được tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình đào tạo, tăng cường lực lượng cán bộ giảng dạy trong lĩnh vực điện hạt nhân và cơ hội được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ giảng dạy…

Tiến sĩ Nguyễn Thế Nghĩa cho biết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội là trường có truyền thống đào tạo tốt trong lĩnh vực hạt nhân. Trước đây trường đã có hẳn một Khoa Vật lý hạt nhân. Hiện nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là cơ sở duy nhất của cả nước có máy gia tốc tĩnh điện Pelletron 5SDH-2 hiện đại phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu về Vật lý hạt nhân và Công nghệ Kỹ thuật hạt nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Nghĩa (Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) đang thuyết trình về Máy gia tốc Pelletron và ứng dụng. Ảnh: Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội)
Tiến sĩ Nguyễn Thế Nghĩa (Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) đang thuyết trình về Máy gia tốc Pelletron và ứng dụng. Ảnh: Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Tuy nhiên song song với cơ hội là thách thức, ví như cần phải bổ sung thêm cán bộ giảng dạy cũng như nâng cao trình độ của giảng viên, nhất là những kiến thức cập nhật về công nghệ năng lượng hạt nhân, phải đầu tư các thiết bị, phòng thực tập thực hành đạt chuẩn quốc tế để phục vụ đào tạo chất lượng cho sinh viên, nhưng các thiết bị thực hành hạt nhân, mặc dù rất cơ bản nhưng chi phí rất cao.

Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cũng chỉ ra thách thức lớn nhất hiện nay là sự thay đổi vượt bậc của công nghệ năng lượng hạt nhân. Sau nhiều năm gián đoạn, công nghệ trong lĩnh vực này đã có những bước tiến mang tính cách mạng, nâng cao đáng kể mức độ an toàn và cải tiến hệ thống lò phản ứng. Tuy nhiên, việc Việt Nam tạm dừng đào tạo chuyên sâu về năng lượng hạt nhân trong thời gian dài khiến công tác cập nhật kiến thức, từ đội ngũ giảng viên đến hệ thống phòng thí nghiệm và thực hành cho sinh viên trở thành bài toán nan giải.

Tập trung vào các cơ sở đào tạo trọng điểm để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao

Hệ thống phòng thí nghiệm của Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội
Hệ thống phòng thí nghiệm của Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội

Tiến sĩ Nguyễn Thế Nghĩa nhận định, nhu cầu nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân sắp tới sẽ rất lớn. Sau khi xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân và đi vào hoạt động (thông thường từ 50 đến 60 năm) thì số nhân lực cần thiết để làm việc trong một nhà máy 2.000MW vào khoảng 1.200 người, hai nhà máy (tương ứng 4.000MW) sẽ cần khoảng 2.400 người. Đội ngũ này này sẽ được đào tạo chuyên môn sâu để làm việc lâu dài trong nhà máy và đảm nhận các công việc như: nhân viên vận hành, nhân viên bảo trì, nhân viên kiểm soát an toàn, nhân viên hỗ trợ, nhân viên an ninh…

“Lưu ý rằng một nhà máy điện hạt nhân có vòng đời 50 đến 60 năm, trong khi trung bình một người sau khi kết thúc quá trình đào tạo chuyên sâu thì thường ở độ tuổi 30 (tuổi mà năng lực chuyên môn đủ độ vững) và làm việc 30 năm (đến 60 tuổi sẽ nghỉ hưu), như vậy chúng ta sẽ phải chuẩn bị nhân lực hai vòng, nghĩa là cần 2.400 người cho 30 năm đầu (cho hai nhà máy) và cần 2400 người cho 30 năm sau. Nếu trong trường hợp chúng ta không chỉ dừng lại ở hai nhà máy, thì số lượng cán bộ được đào tạo chuyên sâu sẽ còn phải tăng lên nữa theo thời gian”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nghĩa nhấn mạnh thêm.

Tuy nhiên, với nguồn nhân lực phục vụ ngành điện hạt nhân hiện đang thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ các cơ sở đào tạo, đặc biệt là những trường trọng điểm, nhằm tạo điều kiện xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, ngoài các kỹ sư điện hạt nhân, việc vận hành nhà máy điện hạt nhân còn cần đến nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác như điều khiển tự động hóa, cơ khí, chế tạo, tiếp thu và chuyển giao công nghệ. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giới hạn trong ngành hạt nhân mà còn phải mở rộng sang các ngành phụ trợ liên quan.

Trước mắt, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất cần cử giảng viên ra nước ngoài đào tạo, do công nghệ hiện nay đã thay đổi đáng kể, trong khi Việt Nam chưa có đội ngũ sẵn sàng để giảng dạy ngay. Bên cạnh đó, lực lượng kỹ sư hạt nhân được đào tạo trước đây hiện cũng đang suy giảm, nhiều người đã chuyển hướng công tác hoặc chuẩn bị nghỉ hưu, dẫn đến tình trạng mai một nhân lực. Vì vậy, để đảm bảo tính bền vững cho chiến lược điện hạt nhân, cần có một kế hoạch bài bản, đầu tư đồng bộ và lộ trình đào tạo cụ thể cho cả lĩnh vực hạt nhân lẫn các ngành liên quan.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Thế Nghĩa cũng cho rằng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho ngành điện hạt nhân trong dài hạn thì việc đầu tư về đội ngũ cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học (được giao nhiệm vụ) là rất quan trọng và tiên quyết.

Trong đó, cần sớm triệu tập các cơ sở đào tạo đã được phân công theo Đề án 1558 trước đây, để phân công cụ thể, rà soát, cập nhật khung chương trình đào tạo. Căn cứ thế mạnh và truyền thống của từng trường mà giao cho họ đào tạo những lĩnh vực mà học có thế mạnh. Rà soát và đầu tư ngay trang thiết bị thí nghiệm, tuy nhiên do trang thiết bị thí nghiệm trong lĩnh vực này thường rất đắt, nên phải đầu tư theo kiểu liên kết giữa các trường để có một hệ thống hoàn chỉnh, chứ không thể đầu tư cho từng trường một hệ thống hoàn chỉnh được.

Còn Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang đề xuất, song song với việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Nhà nước cần tập trung chú trọng, quyết liệt thực hiện dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân với trọng tâm là Lò phản ứng nghiên cứu mới.

Tiến sĩ Phan Lê Hoàng Sang cho rằng đây sẽ là nơi phục vụ đắc lực cho công tác đào nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân, để các sinh viên và giảng viên tham quan học tập thực nghiệm trực tiếp trên lò phản ứng hạt nhân, nâng cao kiến thức và kĩ năng chuyên môn nghề nghiệp, đào tạo đội ngũ nghiên cứu viên, nhà khoa học hạt nhân.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để phát triển chương trình đào tạo nhân lực điện hạt nhân tại các trường đại học trong nước đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đã và đang hợp tác với các quốc gia có nền công nghệ hạt nhân phát triển như Nhật Bản, Liên bang Nga và các nước châu Âu. Việt Nam cũng nên có chính sách thu hút đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài trong các lĩnh vực liên quan đến điện hạt nhân tham gia vào chương trình đào tạo nhân lực điện hạt nhân.

Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW), diện tích 1.642 ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.

Cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng. Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững, đưa nền khoa học công nghệ của đất nước phát triển lên tầm cao mới.

Báo cáo tại Hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân" (ngày 2/1/2025), ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000 MW), nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm một số quốc gia đã phát triển loại năng lượng này, Việt Nam còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật về hạt nhân, chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D).

Mặt khác, số lượng nhân lực nêu trên chưa tính đến nhu cầu nhân lực cho quản lý nhà nước, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu và đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục. Nếu tính trung bình mỗi 12 nhân lực lao động trong ngành điện hạt nhân có tương ứng 1 nghiên cứu viên; 20 sinh viên cần có 1 giảng viên, tổng nhu cầu nhân lực cho nhóm này sẽ khoảng 250 người.

Doãn Nhàn