Thí sinh đạt trên 50 điểm đánh giá tư duy đều có cơ hội đỗ vào ĐH Bách khoa HN

21/01/2024 12:30
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sáng nay, ngày 21/1, có gần 5200 thí sinh tham dự đợt 2 kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, bước vào “cuộc đua” giành tấm vé vào ĐH sớm.

7 giờ sáng, trời Hà Nội dù cơn mưa lúc gần sáng đã kịp tạnh ráo nhưng thời tiết vẫn khá lạnh. Tuy nhiên từ rất sớm, tại sân trường của Đại học Bách khoa Hà Nội đã có đông đảo phụ huynh và học sinh có mặt để tham gia kỳ thi đánh giá tư duy đợt 2.

Thí sinh vượt hơn 300km để tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội

Mặc dù đã hơn 7 giờ sáng, nhưng trời vẫn khá tối. Ảnh: Doãn Nhàn

Mặc dù đã hơn 7 giờ sáng, nhưng trời vẫn khá tối. Ảnh: Doãn Nhàn

Xếp hàng chờ làm thủ tục trước khi vào thi, Phùng Đỗ Minh Đức (học sinh Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ bản thân khá hồi hộp và lo lắng.

“Đợt thi đầu tiên, em thấy thời gian khá sớm và bản thân chưa chuẩn bị đủ kiến thức nên em chưa đăng ký tham gia. Với bài thi đánh giá tư duy, em tự tin nhất phần Tư duy Khoa học, khó nhất là phần Tư duy Toán học”, Đức tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nam sinh đến từ Hà Nội đặt mục tiêu điểm 70+ cho bài thi đánh giá tư duy của mình, với nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hoá của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Vượt hơn 300km từ Hà Giang xuống Hà Nội, Quỳnh Anh cùng chị ruột đã phải đến trước 1 ngày để chuẩn bị cho kỳ thi. Đây cũng là lần thứ 2 nữ sinh xuống Hà Nội để làm bài thi đánh giá tư duy.

Quỳnh Anh cho biết dù đã có kinh nghiệm “thực chiến” ở đợt thi đầu tiên, song bản thân em vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp. Đặt mục tiêu học ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hoá giống với Đỗ Minh Đức, Quỳnh Anh chia sẻ:

“Ở đợt thi đầu tiên, do chuẩn bị chưa kỹ nên kết quả của em không tốt lắm. Hy vọng ở lần thi này, em sẽ tiến đến gần hơn với nguyện vọng của mình. Ngoài tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa, em cũng dự định xét tuyển học bạ vào Trường Đại học Ngoại thương. Mặc dù cũng khá lo lắng nhưng em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt bài thi của mình”.

Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng công nghệ check-in tự động theo thẻ Căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Ảnh: Doãn Nhàn

Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng công nghệ check-in tự động theo thẻ Căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Ảnh: Doãn Nhàn

Trước khi bước vào phòng thi, thí sinh tiếp tục được kiểm tra bằng máy dò kim loại, thiết bị điện tử. Ảnh: Doãn Nhàn

Trước khi bước vào phòng thi, thí sinh tiếp tục được kiểm tra bằng máy dò kim loại, thiết bị điện tử. Ảnh: Doãn Nhàn

Nhà ở Sóc Sơn (Hà Nội), chú Vương Thủy (51 tuổi) cho biết từ 4 giờ sáng, hai bố con đã phải dậy để chuẩn bị hành trình tới Đại học Bách khoa Hà Nội để dự thi. Mặc dù con trai đã vào phòng thi làm bài, nhưng chú Vương Thủy cũng không giấu nổi tâm trạng bồn chồn, nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống trước khu vực thi của con.

Chú Thủy cho hay, con trai có nguyện vọng thi vào ngành Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội. Là bậc phụ huynh, chú Thủy chia sẻ chỉ biết động viên, khích lệ và tôn trọng mọi quyết định của con trai.

“Tôi thấy được sự quyết tâm và nghiêm túc, cũng như nỗ lực rất lớn của con. Ngày nào đèn học cũng sáng tới hơn 12 giờ đêm, vì vậy mong rằng những nỗ lực của con sẽ gặt hái được kết quả tốt. Tất nhiên, gia đình cũng động viên và không đặt quá nhiều áp lực cho con”, vị phụ huynh bày tỏ.

Hơn 5000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy đợt 2 năm 2024

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sáng nay có 5.103 thí sinh dự thi đợt 2 kỳ thi đánh giá tư duy, vắng 61 thí sinh (chiếm khoảng 1,2% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi).

Trong đó, tại điểm thi Đại học Bách khoa Hà Nội tập trung đông thí sinh nhất với khoảng hơn 1000 em, tiếp theo là Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Vinh với khoảng trên 400 thí sinh, các khu vực còn lại dao động trên dưới 300 thí sinh.

Thí sinh sinh được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Doãn Nhàn

Thí sinh sinh được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi bước vào phòng thi. Ảnh: Doãn Nhàn

Đánh giá về tâm lý các thí sinh tham dự kỳ thi, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định đa số thí sinh tham dự kỳ thi đợt 1 còn mang tâm thế thử sức và tìm hiểu cách thức làm bài thi là chủ yếu.

"Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy đợt 2 cũng đa phần đều là thí sinh thi lần đầu tiên. Qua khảo sát học sinh và phụ huynh, chúng tôi ghi nhận đa số các ý kiến đều bày tỏ sẽ dự thi nhiều lần. Điều này cho thấy khát khao của các thí sinh khi muốn có cơ hội để được vào những trường top ở miền Bắc", Phó Giáo sư Điền nói.

Tuy nhiên, thầy Điền cũng cho rằng, khoảng cách giữa các lần thi của thí sinh nếu chỉ cách 1-2 tháng sẽ khá khó để cải thiện kết quả, vì thí sinh cần một thời gian nhất định để trau dồi, nâng cao năng lực tư duy.

Về số lượng học sinh lớp 11 tham gia bài thi đánh giá tư duy, Phó Giáo sư Điền cho hay hiện chưa có nhiều thí sinh tham dự. Đợt 1 kỳ thi đánh giá tư duy năm nay có khoảng 20 học sinh lớp 11 tham gia, với kết quả khoảng trên 30 điểm.

Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh đang là học sinh lớp 11, Phó Giáo sư Điền cho rằng thí sinh cần hoàn thành chương trình học lớp 12 mới đủ năng lực kiến thức và tư duy cần thiết để hoàn thành tốt bài thi.

Dự đoán về phổ điểm trúng tuyển năm nay, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: "Qua đánh giá kết quả thi những năm trước và phổ điểm thi đợt 1 vừa qua, các thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy trên 50 điểm đều có cơ hội đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với những ngành học "hot", thí sinh cần chuẩn bị tinh thần mức điểm đỗ có thể trên 80 điểm, đặc biệt khối ngành về Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển - Tự động hoá,...".

Giám thị phát giấy nháp cho thí sinh. Ảnh: Doãn Nhàn

Giám thị phát giấy nháp cho thí sinh. Ảnh: Doãn Nhàn

Đợt 2 kỳ thi đánh giá tư duy năm nay có khoảng gần 5200 thí sinh đăng ký dự thi. Ảnh: Doãn Nhàn

Đợt 2 kỳ thi đánh giá tư duy năm nay có khoảng gần 5200 thí sinh đăng ký dự thi. Ảnh: Doãn Nhàn

Kỳ thi đánh giá tư duy (TSA) là một trong những phương thức tuyển sinh được Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng từ năm 2020 đến nay. Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy - gấp đôi so với năm ngoái. Với sáu đợt thi, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 30.000 lượt thí sinh dự thi.

Đợt thi

Ngày thi

Thời gian mở đăng ký

Trạng thái

Đợt 1

Sáng Chủ nhật (3/12/2023)

Từ 6/11/2023 đến 12/11/2023

[Đã hết hạn]

Đợt 2

Sáng Chủ nhật (21/01/2024)

Từ 16/12/2023 đến 25/12/2023

[Đã hết hạn]

Đợt 3

9-10/3/2024

Từ 6/2/2024 đến 15/2/2024

[Chưa mở đăng ký]

Đợt 4

27-28/4/2024

Từ 25/3/2024 đến 5/4/2024

[Chưa mở đăng ký]

Đợt 5

8-9/6/2024

Từ 2/5/2024 đến 20/5/2024

[Chưa mở đăng ký]

Đợt 6

15-16/6/2024

Từ 2/5/2024 đến 20/5/2024

[Chưa mở đăng ký]

Cấu trúc bài thi gồm ba phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao). Đây là ba phần thi độc lập, các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với bốn dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn. Nội dung bài thi tập trung vào đánh giá năng lực tư duy của thí sinh trong mỗi phần thi, không đi vào kiểm tra kiến thức của môn học nào.

Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong hai năm và có thể sử dụng điểm số TSA để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này.

Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi TSA được mở rộng, bao gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Được biết, nhằm chống triệt để việc thi hộ và gian lận trong thi cử, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa vào áp dụng công nghệ check-in tự động theo thẻ Căn cước công dân có tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Ngoài ra, trước khi bước vào phòng thi, thí sinh tiếp tục được kiểm tra bằng máy dò kim loại, thiết bị điện tử.

Tính đến tháng 1/2024, có 34 trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Cụ thể gồm các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; Trường Đại học Giao thông vận tải; Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Trường Đại học Mỏ Địa chất; Học viện Tài chính; Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp; Trường Đại học Thương mại; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường Đại học Dược Hà Nội; Trường Đại học Mở Hà Nội; Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Trường Đại học Kinh tế Nghệ An; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Dầu khí Việt Nam; Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị; Trường Đại học Quy Nhơn; Trường Đại học Nguyễn Trãi; Trường Đại học Đông Đô; Trường Đại học Chu Văn An; Học viện Chính sách và Phát triển; Trường Đại học Hải Phòng;. Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông (cơ sở phía bắc); Trường Đại học Lâm nghiệp (cơ sở 1); Trường Đại học Thái Bình; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh; Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà; Trường Đại học Phenikaa;. Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

Doãn Nhàn