Thí điểm ngành Kỹ thuật an toàn giao thông: Trường ĐH sẵn sàng mọi nguồn lực

25/06/2024 06:15
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đại diện Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, việc tổ chức đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Kỹ thuật an toàn giao thông là rất cần thiết.

Ngày 7/6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định về danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học, Trong đó, ở trình độ đại học có thí điểm ngành Kỹ thuật an toàn giao thông, thuộc lĩnh vực Kiến trúc và xây dựng. Việc thực hiện thí điểm ngành học này được nhiều trường đại học ủng hộ.

Nhu cầu nhân lực đối với ngành học rất lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Kỹ thuật an toàn giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá rủi ro, đánh giá an toàn của hệ thống giao thông, nghiên cứu tai nạn giao thông và các kỹ thuật thiết kế để giảm thiểu nguy cơ tai nạn.

PGS TS Nguyễn Anh Tuấn 4.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website nhà trường.

Vì vậy, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã có những nghiên cứu bước đầu và sẽ mở ngành Kỹ thuật an toàn giao thông để tuyển sinh trong thời gian sớm nhất.

Có thể nhận định, nhu cầu xã hội và nhu cầu đào tạo đối với ngành này là rất lớn, trong bối cảnh tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, số người thương vong do tai nạn giao thông gây ra còn ở mức cao.

Tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tuy đã được hạn chế nhưng chưa bền vững, vẫn có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian.

Ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới tiếp tục gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch.

Thầy Tuấn nhấn mạnh, vấn đề an toàn giao thông luôn là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, cân bằng nhu cầu đi lại, tối ưu hóa việc di chuyển của các con người và hàng hoá, cũng như có các giải pháp quản lý vận hành hệ thống giao thông đồng bộ, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, giảm thiểu tác động tiêu cực của giao thông đến môi trường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành giao thông vận tải nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung.

Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đồng thời tiếp cận xu hướng phát triển giao thông trên thế giới rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản đúng ngành Kỹ thuật an toàn giao thông.

Cùng đồng tình với ý kiến này, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, việc tổ chức đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Kỹ thuật an toàn giao thông là rất cần thiết.

Thực tiễn cho thấy, hệ thống đường giao thông, đặc biệt là đường cao tốc ở Việt Nam ngày càng phát triển, nên rất cần nguồn kỹ sư về an toàn giao thông để đảm bảo an toàn giao thông ở mức cao nhất.

Trước đây, ngành Kỹ thuật an toàn giao thông chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong danh mục ngành đào tạo thí điểm. Vì vậy, nhà trường đã kiến nghị đưa ngành này vào để triển khai đào tạo, trong bối cảnh Nhà nước, Chính phủ đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông.

Hiện nay, kiến nghị này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận, đây là thuận lợi lớn đối với nhà trường. Ngay sau khi có quyết định về danh mục ngành đào tạo thí điểm, Trường Đại học Giao thông Vận tải sẽ triển khai xây dựng chương trình đào tạo mới ngành Kỹ thuật an toàn giao thông để đáp ứng nhu cầu xã hội.

sinh viên.jpeg
Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh website nhà trường

Phía Trường Đại học Giao thông vận tải đã từng đề xuất thí điểm đào tạo 3 ngành học, nhưng hiện nay mới được duyệt 1 ngành là Kỹ thuật an toàn giao thông.

Còn 2 ngành Hệ thống giao thông thông minh, Kỹ thuật robot và trí tuệ nhân tạo chưa có tên trong quyết định về danh mục đào tạo thí điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây đều là những ngành học cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về công nghệ 4.0, tức là đưa công nghệ hiện đại vào quy trình quản lý hệ thống giao thông. Qua đó, quá trình tự động hóa sẽ được tận dụng tối đa và giảm thiểu sự điều hành thủ công của con người, hạn chế tai nạn giao thông.

Đại diện Trường Giao thông Vận tải cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục kiến nghị, bổ sung hồ sơ để Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm thêm các ngành này trong thời gian tới.

Khi ngành "chính danh", thí sinh sẽ tin tưởng để đăng ký vào học

Tiến sĩ Phạm Thanh Hà chia sẻ, từ năm 2010, ngành Kỹ thuật an toàn giao thông đã được Trường Đại học Giao thông vận tải đào tạo dưới hình thức là chuyên ngành Kỹ thuật an toàn giao thông, thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật giao thông.

Việc đào tạo ngành này khá thuận lợi và không gặp nhiều khó khăn. Nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo chất lượng về đội ngũ cán bộ, giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất,…

Tuy nhiên, khi chính thức có mã ngành mới, vấn đề “chính danh” sẽ được xác định và thí sinh sẽ tin tưởng hơn khi đăng ký vào ngành học. Đồng thời, nhà trường sẽ có các đợt đầu tư để tập trung nguồn lực, từ giảng viên cho đến phòng thí nghiệm, qua đó phục vụ và phát triển tốt ngành học.

Chia sẻ vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những kiến thức của ngành Kỹ thuật an toàn giao thông đã được giảng dạy, đào tạo tại Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ở các ngành/chuyên ngành, học phần, ví dụ như: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Quy hoạch giao thông, Đường sắt tốc độ cao, Xây dựng đường sắt – Metro, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Quản lý xây dựng, Khoa học hàng hải, Kỹ thuật ô tô, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý cảng và Logistics, Kinh tế vận tải, Khai thác vận tải,…

Sinh viên được cung cấp các kiến thức về quy hoạch, thiết kế - xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác công trình giao thông vận tải, có khả năng phân tích các sự cố, ùn tắc và tai nạn giao thông. Từ đó đưa ra dự báo và giải pháp xử lý, quản lý vận hành hệ thống giao thông hiệu quả và an toàn.

Các kiến thức, kỹ năng liên quan đến ngành Kỹ thuật an toàn giao thông tại Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh luôn được chú trọng, bởi an toàn luôn được đặt lên hàng đầu trong giao thông vận tải. Do đó, trong công tác đào tạo liên quan đến các ngành/chuyên ngành này nhà trường không gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Trường có đầy đủ nguồn lực để đào tạo thí điểm mã ngành mới

Đối với ngành Kỹ thuật an toàn giao thông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, khi được đào tạo là ngành chính thức, có mã ngành riêng, chương trình đào tạo sẽ được xây dựng logic, bài bản, đồng bộ từng khối kiến thức và kĩ năng.

Qua đó đảm bảo người học sẽ tiếp cận được xu hướng phát triển giao thông trên thế giới, có khả năng thiết kế, thẩm định, phân tích, dự báo, tổ chức, khai thác, quản lý hệ thống giao thông một cách thông minh, an toàn, hiệu quả.

Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được đội ngũ viên chức, người lao động có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và gắn bó với nghề.

Với bề dày truyền thống 36 năm hình thành và phát triển, với giá trị cốt lõi “Đoàn kết - Nhân văn - Chất lượng - Sáng tạo - Hội nhập”, trong những năm gần đây, trường đã có chuyển biến tích cực trong mọi hoạt động.

Giảng viên và sinh viên trường liên tục ghi dấu ấn trên đấu trường học thuật trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại, nhằm phục vụ tốt nhất cho người học trong đào tạo, nghiên cứu.

tp hcm2 ok.jpeg
Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh khánh thành khu làm việc của các nhà khoa học - nhóm nghiên cứu. Ảnh: website nhà trường.

Định hướng và chủ trương kết nối, hợp tác cùng các doanh nghiệp là một trong những quyết định mang tính thời đại và hiệu quả của Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh. Trường đã ký biên bản hợp tác với nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước như Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn THACO, Tập đoàn Vingroup, các tập đoàn lớn về IT, vận tải, một số chủ tàu ở châu Âu...

Với phương châm “Học để biết - Học để làm”, trường còn áp dụng học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên, nhằm đào tạo theo hướng “thực chiến” để các em ra trường có thể làm việc ngay. Nhờ đó, sinh viên Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh luôn được doanh nghiệp “săn đón” từ khi chưa tốt nghiệp.

Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học công lập, ngoài nhiệm vụ duy trì hoạt động tuyển sinh, còn nhiệm vụ chính trị duy trì các ngành đào tạo, cung cấp nhân lực cho những lĩnh vực trọng điểm.

Vì vậy, khi mở ngành học mới, sẽ có thể gặp khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm - thực hành, phòng mô phỏng đặc thù phục vụ cho việc huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các giáo sư, nhà nghiên cứu, các tài năng trẻ tốt nghiệp tại những trường đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới giảng dạy cho ngành cũng còn hạn chế.

Tuy nhiên, thuận lợi rất lớn là trường luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các công ty, đơn vị trong và ngoài nước, sự đồng hành của cơ quan báo chí. Đây là thuận lợi để trường mạnh dạn xây dựng và tuyển sinh ngành mới Kỹ thuật an toàn giao thông.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội đối với ngành Kỹ thuật an toàn giao thông là rất lớn, vì vậy sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn giao thông; các công ty thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý khai thác công trình giao thông; các đơn vị dịch vụ, kinh doanh vận tải; các trường đại học, viện/ trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và an toàn giao thông nói riêng,…

Ngày 07/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BGDĐT về Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học.

Theo đó, ở lĩnh vực Kiến trúc và Xây dựng có 3 ngành được thí điểm đào tạo gồm: Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Thiết kế đô thị; Kỹ thuật an toàn giao thông.

Bích Ngọc