Khi ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng sẽ khắc phục tình trạng thiếu GV

04/11/2024 06:18
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -"Được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay".

Giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là một trong những điểm mới quan trọng tại dự thảo Luật Nhà giáo theo tờ trình số 656/TTr-CP của Chính phủ gửi Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Giúp công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo đáp ứng sát với nhu cầu của cơ sở giáo dục

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về điểm mới trên, thầy Thiều Văn Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang bày tỏ, nếu ngành giáo dục được chủ động trong tuyển dụng và sử dụng như vậy thì công tác tuyển dụng giáo viên của các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Screenshot-2024-11-01-080033.png
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang).

Thầy Nam thông tin, theo quy định hiện hành của Bộ Nội vụ, giáo viên muốn được tuyển dụng vào chỗ nào thì nộp hồ sơ vào chỗ đó. Điều này dẫn đến tình trạng khó có thể tuyển dụng đủ theo nhu cầu như có trường chỉ tuyển 1 vị trí nhưng có đến 4-5 hồ sơ nộp vào nhưng có trường thiếu 2-3 vị trí lại không có hồ sơ nào nộp vào. Đơn cử, tại tỉnh Kiên Giang, mặc dù thành phố Rạch Giá có nhiều giáo viên nộp hồ sơ nhưng biên chế tuyển dụng ít, trong khi đó ở các đảo dù thiếu rất nhiều vị trí nhưng lại không có giáo viên đăng ký nên không tuyển được.

Cũng theo thầy Nam, hiện nay có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ khi một số môn ít tiết, giáo viên không phải tham gia giảng dạy mấy nhưng bắt buộc phải có vị trí việc làm này. Thế nhưng, một số môn có nhiều tiết lại không có biên chế để tuyển dụng.

Chính vì vậy, nếu điểm mới trên trong dự thảo Luật Nhà giáo được thực thi sẽ giúp ngành giáo dục chủ động hơn trong biên chế thông qua việc tuyển dụng chung sau đó chủ động phân bổ, sắp xếp giáo viên về từng trường sao cho phù hợp, hợp lý hơn hơn với thực tế tại mỗi cơ sở.

Thầy Nam thông tin thêm, hiện nay tỉnh Kiên Giang thiếu giáo viên mầm non rất nhiều nhưng không có nguồn để tuyển. Khó khăn này xảy ra cũng một phần do việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu chưa được rõ ràng. Vậy nên, thầy Nam mong rằng, cần sớm ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật, đồng thời phải quy định rõ khi nào được đặt hàng, khi nào phải tổ chức đấu thầu để các địa phương thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng nhà giáo.

Trong khi đó, theo cô Nguyễn Thúy Hà – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, việc giao quyền tự chủ cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ đáp ứng sát với nhu cầu của cơ sở giáo dục, đồng thời nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị. Đề xuất này cũng phù hợp với thực tế hiện nay khi công tác tuyển dụng cạnh tranh nên những trường hợp đặt hàng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực khó thực hiện.

Mặt khác, cô Hà cũng mong rằng, Chính phủ cần quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.

“Tôi cho rằng việc đơn giản hoá thủ tục tuyển dụng, quan tâm đến chất lượng tuyển dụng như quy định phải có thực hành sư phạm và đạt các chuẩn nhà giáo theo yêu cầu vị trí công tác. Đối với một số vị trí/môn (tính theo đơn vị trường) có số ứng viên ít hơn chỉ tiêu tuyển dụng thì được xem xét tuyển thẳng không qua sát hạch chuyên môn (nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn). Trong thời gian tập sự (12 tháng), đơn vị/trường sử dụng giáo viên tập sự tiếp tục kiểm tra khả năng sư phạm của người tập sự, nếu đạt yêu cầu thì bổ nhiệm chính thức vào làm giáo viên”, cô Hà nói.

Cơ sở giáo dục thuận lợi hơn khi có quyền "thiếu đâu thi tuyển đó"

Cùng bàn về nội dung này trong dự thảo Luật Nhà giáo, thầy Lê Thanh Kính – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, công tác tuyển dụng nhà giáo hiện nay so với trước đây do đã được phân cấp huyện nên đã thuận lợi hơn trước kia. Tuy nhiên, nếu được chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo như trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ càng thuận lợi hơn nữa bởi nó sẽ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay.

P1.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Chính vì vậy, thầy Kính cũng mong muốn đề xuất trên sớm được thực thi nhằm giúp cho các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục chủ động và kịp thời hơn trong công tác tuyển dụng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng đủ số lượng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời, điểm mới này sẽ giúp tăng trách nhiệm của người quản lý các đơn vị trong công tác quản lý khi có thể tự tìm các nguồn tuyển dụng, không phụ thuộc vào cấp trên. Hơn nữa, các trường khi được phân cấp tuyển dụng, sử dụng giáo viên do tự tổ chức tuyển dụng nên sẽ nắm bắt được chất lượng của đội ngũ giáo viên và có thể tuyển dụng ngay lúc đang thiếu thay vì phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh chung cả đợt với toàn quận/huyện.

Mặt khác, thầy Kính thông tin, số lượng giáo viên trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục, tuy nhiên vẫn thiếu giáo viên cấp tiểu học vì không có nguồn để tuyển (do thay đổi yêu cầu về trình độ của giáo viên).

Còn theo cô Trần Thị Thanh Vân – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bất cập trong việc thi tuyển nhà giáo hiện nay là khi thị xã tổ chức thi tuyển có thí sinh đến từ các huyện/thị khác trong và ngoài tỉnh dự thi. Tuy nhiên khi trúng tuyển có thí sinh bỏ không hoàn thiện hồ sơ, có giáo viên dạy 1 hoặc 2 năm lại trúng tuyển tại địa phương của mình nên xin nghỉ việc. Điều này đã làm cho đội ngũ giáo viên gặp phải tình trạng không ổn định.

Vậy nên, nếu giao quyền cho ngành giáo dục chủ động thực hiện tuyển dụng sẽ giúp ngành chủ động thực hiện thi tuyển kịp thời “thiếu đâu thi tuyển đó” để đáp ứng nhu cầu kịp thời.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, ngành giáo dục có thể sẽ bị áp lực khi tự tổ chức thi tuyển vì liên quan đến công tác ra đề tổ chức thi và chấm thi vì phải tổ chức công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.

Cũng theo cô Vân, 2 năm nay, Ủy ban nhân dân thị xã Điện Bàn đã giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan tham mưu việc xây dựng kế hoạch thi tuyển trên cơ sở rà soát nhu cầu thực tế của ngành. Do đã thực hiện thi tuyển viên chức giáo dục từ năm 2021 nên địa bàn cũng không có nhiều bất cập.

“Trước đây qui trình phê duyệt kế hoạch thi tuyển là thị xã trình tỉnh phê duyệt đã có bất cập là thủ tục phải qua tỉnh rồi về thị xã nên rất tốn thời gian. Thế nhưng, hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 29/2024 ngày 21/10/2024 quy định về việc phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các hội trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ 5/11/2024 nghĩa là tỉnh phê duyệt kế hoạch thi tuyển mà giao quyền cho huyện thị phê duyệt kế hoạch thi tuyển nên cũng phần nào giảm bớt thủ tục hành chính”, cô Vân thông tin.

Tường San