Đề kiểm tra giữa HK1 Ngữ văn không rõ ràng, lãnh đạo THCS Võ Trường Toản nói gì?

05/11/2024 09:11
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 Nguyễn Thị Ngân Hà khẳng định sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của học sinh.

Ngày 4/11, Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho học sinh lớp 9 kiểm tra giữa học kỳ 1 môn Ngữ văn.

Đề kiểm tra không rõ ràng, học sinh hoang mang khi làm bài

Ngay sau khi kết thúc buổi làm kiểm tra, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh do bạn đọc gửi tới, thể hiện sự băn khoăn về đề kiểm tra này.

GDVN_ de kiem tra ngu van.jpg
Ảnh độc giả cung cấp.

Theo bạn đọc, nội dung đề kiểm tra này là có vấn đề, bởi lẽ:

"Ngữ liệu của đề không rõ nguồn gốc. Tư liệu bài thơ lấy từ một trang mạng xã hội chưa được thẩm định.

Đề kiểm tra có ghi rõ ra là 5 câu hỏi, nhưng chỉ có câu số 2 và câu số 5 là câu hỏi có dấu chấm hỏi ở cuối, còn lại là các yêu cầu, không có dấu chấm hỏi ở cuối.

Nội dung bài thơ “Có tuổi rồi nên tìm chốn bình yên” không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 9 trung học cơ sở. Các em có thể hiểu thông điệp là giáo dục học sinh ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân, không ca ngợi tình cảm cao đẹp nào hay hướng tới đối tượng nào.

Dạy học sinh lối sống ích kỷ, mặc kệ, không cho đi, không cống hiến.

Đề chỉ nêu lên 3 khổ thơ, chứ không cho hết cả bài thơ, học sinh không nắm rõ nội dung, nên không thể cảm nhận được, không có cảm xúc, không viết được và có thể các em sẽ rất hoang mang".

Lãnh đạo trường và giáo viên môn Ngữ văn nói gì?

Ngay trong chiều ngày 4/11, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Ngân Hà – Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1 xác nhận, đây là đề kiểm tra giữa học kỳ 1 môn Ngữ văn của khối 9.

Chuyên môn của cô Nguyễn Thị Ngân Hà là Ngữ văn, và cô Hà cũng chính là người duyệt đề kiểm tra này.

Về mặt cơ bản, cô Nguyễn Thị Ngân Hà cho rằng, đề kiểm tra này hoàn toàn không sai nhưng chưa bám sát với định hướng và yêu cầu cần đạt của sách giáo khoa nằm trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo cô Nguyễn Thị Ngân Hà, đề kiểm tra này có thể chưa hay, có câu có thể được diễn đạt chưa rõ ràng, nhưng đã ra đúng định hướng ôn tập của giáo viên với học sinh trên lớp,

“Nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho học sinh, nên em nào viết đúng, hợp lý thì chắc chắn giáo viên sẽ cho điểm” – cô Nguyễn Thị Ngân Hà nhấn mạnh.

Nói cụ thể hơn về đề kiểm tra, cô Nguyễn Thị Ngân Hà chia sẻ: “Ngữ liệu của đề này được lấy từ bên ngoài, không lấy từ sách giáo khoa nên đã đúng quy định của Bộ và Sở. Năm nay là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh khối 9, nên sắp tới, trường sẽ tiếp tục nghiên cứu ra các đề kiểm tra hay hơn, rõ ràng hơn” – cô Ngân Hà cho biết.

Về đề kiểm tra này, một giáo viên Ngữ văn hiện đang là tổ trưởng chuyên môn của một trường trung học cơ sở trên địa bàn Quận 1 cho rằng, ngữ liệu trong đề này không phải trích từ nguồn uy tín, nguồn gốc chưa được xác thực, chưa được thẩm định kỹ.

“Đây cũng chỉ là một trang web bình thường ở trên mạng, nơi tổng hợp trích các câu nói hay về cuộc sống, không phải lấy từ các trang báo lớn, không nên đưa vào đề kiểm tra cho học sinh” – cô giáo nói trên đưa ra nhận định.

Ngoài ra, trong phần chú thích tên tác phẩm đã không được in nghiêng, không đóng mở ngoặc kép, cũng là chưa đúng với nguyên tắc trích dẫn văn bản.

Trong 5 câu hỏi của đề kiểm tra, chỉ có 2 câu kết thúc bằng dấu chấm hỏi, còn lại 3 câu là không có thì cũng sai thể thức văn bản.

“Trong phần II Làm văn (chiếm 5 điểm của bài kiểm tra) yêu cầu học sinh viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của mình. Đây cũng là câu hỏi với mệnh đề rất mơ hồ, ghi cảm nghĩ chung chung, không ghi giới hạn đoạn văn bao nhiêu chữ, nên học sinh sẽ bối rối khi làm bài” – cô giáo nói trên nhận xét.

Việt Dũng