Thầy Phạm Tiến Sơn trở thành giáo sư đầu tiên của Trường Đại học Đà Lạt

04/04/2023 06:27
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bằng những nỗ lực và cống hiến cho khoa học không ngừng nghỉ của mình, thầy Phạm Tiến Sơn đã trở thành vị Giáo sư đầu tiên của Trường Đại học Đà Lạt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phan Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, trong lễ vinh danh tân Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ vào đầu tháng 2/2023 vừa qua, trường có giảng viên đầu tiên sau suốt 65 năm hình thành và phát triển của nhà trường được công nhận chức danh Giáo sư. Đó là Giáo sư Phạm Tiến Sơn, giảng viên Khoa Toán, Tin học.

Giáo sư Phạm Tiến Sơn (đứng giữa) trong Lễ vinh danh tân Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ của Trường Đại học Đà Lạt (Ảnh: Trường Đại học Đà Lạt).

Giáo sư Phạm Tiến Sơn (đứng giữa) trong Lễ vinh danh tân Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ của Trường Đại học Đà Lạt (Ảnh: Trường Đại học Đà Lạt).

Bên cạnh đó, Trường Đại học Đà Lạt cũng có hai vợ chồng lần đầu tiên cùng lúc trở thành Phó Giáo sư trong đợt vinh danh vừa qua gồm: Phó Giáo sư Nguyễn Văn Anh – Trưởng Khoa Du lịch và Phó Giáo sư Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, Trường Đại học Đà Lạt cũng có thêm 7 Tiến sĩ thuộc 6 khoa của trường.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tiến Sơn bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi là giáo sư đầu tiên của Trường Đại học Đà Lạt.

Giáo sư cho biết, để có được các thành quả như hiện tại, thầy đã phải trải qua nhiều thách thức, khó khăn cũng như nỗ lực mỗi ngày, luôn tích cực tìm kiếm và nghiên cứu các vấn đề mới.

Chính niềm đam mê khoa học cùng những mong muốn học hỏi và khám phá cái mới đã tạo nên những động lực giúp thầy Sơn vượt qua các trở ngại và gắn bó với hoạt động nghiên cứu.

Thuở nhỏ, thầy Sơn sinh sống ở Đà Nẵng, sau khi học xong phổ thông, thầy bắt đầu vào Đà Lạt học đại học và đến nay đã 30 năm thầy sinh sống ở nơi đây để làm toán cũng như thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học của mình.

“Tôi bắt đầu thích Toán từ những năm trung học phổ thông và bởi vậy đã theo học ngành Toán tại Trường Đại học Đà Lạt. Cũng tại đây, những bài giảng của cố Giáo sư Nguyễn Hữu Đức đã truyền cảm hứng và hướng tôi đến với lý thuyết kỳ dị.

Năm 1994, tôi làm nghiên cứu sinh tại Viện Toán học Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Hà Huy Vui. Giáo sư đã chỉ cho tôi những hướng nghiên cứu đầy thú vị và dạy cho tôi phương thức nghiên cứu khoa học và đặc biệt. Đây chính là hai người thầy mà tôi luôn biết ơn sâu sắc vì đã truyền cho tôi niềm say mê khoa học không ngừng nghỉ”, thầy Sơn chia sẻ.

Bày tỏ trăn trở về tình trạng ít người gắn bó với khoa học cơ bản hiện nay, theo Giáo sư Phạm Tiến Sơn, trong những năm gần đây, số lượng cũng như chất lượng người học các ngành khoa học cơ bản (Toán, Vật lý, Hóa học …) đang giảm dần. Lượng sinh viên tốt nghiệp theo đuổi con đường khoa học cũng trở nên khá khiêm tốn.

Nhìn lại lúc bắt đầu bước vào con đường khoa học, thầy Sơn nghĩ rằng, luôn có hai khó khăn cơ bản tồn tại đối với những người làm công tác nghiên cứu (đặc biệt với những nhà khoa học trẻ) đó là thời gian dành cho nghiên cứu không nhiều, kinh phí được tài trợ để tiến hành các nghiên cứu không cao và không phải khi nào cũng có.

Đây là một vấn đề mà những người hoạch định chính sách, quan tâm đến khoa học của nước nhà cần đặc biệt lưu ý.

Trong tương lai gần, thầy Sơn hy vọng, Trường Đại học Đà Lạt sẽ có thêm nhiều người đạt các chức danh Phó Giáo sư, Giáo sư hơn nữa. Và để làm điều này, có lẽ cần có những chiến lược cụ thể (giống như quy hoạch cán bộ).

Bên cạnh đó, bản thân thầy cũng sẽ tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chính của mình là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thầy Sơn cho biết, sẽ cùng với các đồng nghiệp của mình tổ chức các khóa học chuyên đề và qua đó truyền đạt lượng kiến thức đã có cho sinh viên, các nhà khoa học trẻ, hướng dẫn cách học và nghiên cứu cho họ.

“Tuổi trẻ thường có khá nhiều năng lượng và thường nghĩ mình có thể làm được nhiều việc cùng một lúc, bản thân tôi cũng từng như vậy. Đến thời điểm hiện tại, tôi hiểu được rằng, các kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt chỉ có thể đạt được khi ta dành trọn thời gian cho khoa học”, Giáo sư Phạm Tiến Sơn nhấn mạnh.

Nhiều thành tựu tiêu biểu

Về thành tựu tiêu biểu trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Phạm Tiến Sơn đã có 5 bài báo được công bố trong tạp chí SIAM Journal on Optimization - một tạp chí hàng đầu trong Toán học, xếp hạng thứ 4 trên 160 tạp chí trong danh mục “Cơ sở Toán học cho Tin học” trong cơ sở dữ liệu Scopus; 4 bài báo trong tạp chí Mathematical Programming.

Kết quả của các công trình này đã được đưa vào cuốn sách chuyên khảo Genericity in Polynomial Optimization (Hà Huy Vui và Phạm Tiến Sơn) của Nhà xuất bản World Scientific. Nội dung sách dựa trên hầu hết các công trình chung của Giáo sư Hà Huy Vui và Giáo sư Phạm Tiến Sơn.

Giới thiệu về cuốn sách này, Giáo sư Phạm Tiến Sơn cho biết: “Chúng tôi mất hơn một năm để hoàn thiện. Lúc đầu, cả hai thầy trò đều rất ngại viết sách… Thực sự nếu không có Giáo sư Lasserre - một đồng nghiệp cùng lĩnh vực uy tín trên thế giới - đến Hà Nội chỉ để đề nghị chúng tôi khởi động công việc, thì có thể chúng tôi đã bỏ cuộc rồi”.

Năm 2020, Giáo sư Phạm Tiến Sơn đã nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho Công trình nghiên cứu tính tổng quát của bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số;

Bên cạnh đó, Giáo sư Phạm Tiến Sơn cũng từng được vinh danh trong Top 100 nhà khoa học xuất sắc châu Á do Tạp chí Khoa học Asian Scientist của Singapore công bố năm 2021.

Khánh An