Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7 tới đây, sẽ có hàng ngàn nhà giáo ở các bậc học phải nâng chuẩn trình độ đào tạo. Do thiếu thông tin, nhiều giáo viên hoang mang lo lắng, không đi học sẽ không đạt chuẩn ảnh hưởng nhiều đến kết quả xếp loại công chức hàng năm.
Người lại lo sợ không được phân công giảng dạy, bị đưa vào diện dôi dư và sa thải.
Nắm bắt được sự lo lắng của nhiều nhà giáo, hiện đã có không ít các trường đại học, các cơ sở giáo dục đi tắt đón đầu liên kết với sở, phòng giáo dục ở các địa phương để đưa thông báo chiêu sinh nâng chuẩn cho giáo viên các trường học với mức học phí cao ngất ngưởng.
Thấy thông báo từ sở, từ phòng gửi về nhiều thầy cô lo lắng. Không đăng ký đi học sẽ thế nào đây? Nhưng đăng ký đi học thì tiền đâu mà nộp học phí? Hai vợ chồng cùng đi học biết vay mượn tiền nơi đâu?
Suy nghĩ, đắn đo, băn khoăn, tính toán đi học hay không là tâm trạng chung của nhiều thầy cô giáo chưa đạt chuẩn hiện nay.
Thông báo tuyển sinh đại học bậc mầm non của Viện đào tạo Nhân lực và Hợp tác Quốc tế (Ảnh tác giả) |
Thông báo tuyển sinh gửi về tận trường, chi phí nâng chuẩn ngót nghét vài chục triệu đồng
Cầm tờ giấy thông báo tuyển sinh của Viện đào tạo Nhân lực và Hợp tác Quốc tế thông báo tuyển sinh khu vực Bình Thuận, nhiều thầy cô giáo thấy choáng với mức học phí 12.000.000 đồng/năm.
Ngoài ra, lệ phí xét tuyển và hồ sơ đã lên tới 1.500.000 đồng (trước đây, nhiều trường học chỉ thu 100.000 -200.000 đồng).
Thời gian học cho bậc trung cấp là 3 năm, bậc cao đẳng là 2 năm, học vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.
Tính ra, giáo viên học 3 năm lấy được cái bằng sẽ mất 37.500.000 đồng. Giáo viên học 2 năm sẽ mất 25.500.000 đồng.
Đó là chưa kể tiền đi lại, ăn uống, nhà trọ của giáo viên huyện xa về nơi học tập trung.
Để cầm được tấm bằng mọi chi phí ngót nghét khoảng 50.000.000 đồng.
Thắc mắc vì khoản lệ phí xét tuyển quá cao của Viện đào tạo Nhân lực và Hợp tác Quốc tế, chúng tôi trực tiếp liên hệ với người có trách nhiệm nơi đây được biết:
“Đây là lệ phí xét tuyển mình không phải thi đầu vào gồm tất cả các chi phí khác .
Cái này, chỉ có chi phí xét tuyển không phải nộp phí thi đầu vào gì nữa. Mỗi một trường có một tính toán riêng…”.
Thầy cô bình tĩnh chờ lộ trình cụ thể của Chính phủ để được nâng chuẩn miễn phí
Ngay sau khi có quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. [1]
Theo đó, tại Điều 2 quy định độ tuổi phải thực hiện nâng trình độ chuẩn
Độ tuổi giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn: Tính từ ngày 01/7/2020, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở trừ thời gian đào tạo theo quy định, còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi được nghỉ hưu phải thực hiện nâng trình độ chuẩn.
Trong điều trên giáo viên còn đủ 05 năm công tác phải học tập để đạt chuẩn, nếu thời gian dưới 05 năm thì có thể không cần phải học tập để đạt chuẩn.
Tại Điều 5. Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên
1. Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.
2. Lộ trình được thực hiện thành 2 giai đoạn:
a) Từ 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp;
b) Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.
Tại Điều 7. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ của giáo viên
1. Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên được đảm bảo từ nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước cấp bổ sung theo phân cấp ngân sách hiện hành; đóng góp của giáo viên và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
2. Giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được miễn học phí.
3. Kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên thực hiện theo các quy định hiện hành về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, nếu giáo viên chưa đạt chuẩn và được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, học tập nâng chuẩn thì sẽ được miễn học phí theo quy định.
Bên cạnh đó, trong thời gian học tập nâng cao chuẩn trình độ giáo viên sẽ được đảm bảo quyền lợi về chính sách như lương, phụ cấp,…
Tại Điều 8. Quyền lợi và trách nhiệm của giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn
1. Đối với giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn:
a) Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian và được hỗ trợ, cấp kinh phí đào tạo theo quy định;
b) Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục;
c) Được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật;
d) Được biểu dương, khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong học tập.
Vì vậy, những giáo viên hiện chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo đừng nôn nóng tự đăng ký đi học tập từ bây giờ, sẽ mất một khoản tiền không hề nhỏ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính mình.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/gop-y.aspx?ItemID=1449#content_1