Thông tư này hướng dẫn việc quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thực hiện theo quy định tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Nguồn kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông gồm: Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề thuộc ngân sách trung ương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo nêu rõ về nội dung và mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông gồm:
Chi tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa: Chi thuê hội trường, phòng họp, trang thiết bị phục vụ cho các cuộc họp thẩm định (nếu có), bao gồm thuê thiết bị công nghệ thông tin, máy chiếu, thuê đường truyền, các chi phí trực tiếp khác có liên quan; chi khác phục vụ trực tiếp họp Hội đồng thẩm định (điện, nước, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, chuyển phát tài liệu đến thành viên của Hội đồng và các khoản chi trực tiếp khác): theo thực tế phát sinh.
Ảnh minh họa: Thùy Linh |
Các khoản chi phí thực tế nêu trên khi thanh toán phải có đầy đủ chứng từ, hoá đơn theo quy định.
Các khoản chi cho thành viên Hội đồng thẩm định: Chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp: tối đa 35.000 đồng/tiết/người; Chi thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ.
Chi phụ cấp tiền ăn: Tuỳ theo địa điểm, thời gian tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức họp thẩm định quyết định chi phụ cấp tiền ăn cho thành viên Hội đồng thẩm định phù hợp với mức chi phụ cấp lưu trú được quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC và văn bản của Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Chi tiền công họp thẩm định: Chủ tịch Hội đồng thẩm định tối đa 200.000 đồng/người/buổi; còn Phó Chủ tịch, ủy viên, thư ký Hội đồng thẩm định tối đa 150.000 đồng/người/buổi.
Mức chi quy định nêu trên áp dụng đối với thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước hết hiệu lực thi hành khi văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định về chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.
Trước đó, theo Thông tư liên tịch số 21/2016/TTLT-BGDĐT-BTC do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính ban hành nhằm hướng dẫn nội dung và mức chi đặc thù dự án "Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông" vay vốn World Bank đã quy định cụ thể mức chi từng nội dung liên quan đến thẩm định sách giáo khoa.
Đối với nội dung dạy học thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa, giáo viên dạy thực nghiệm được thanh toán thù lao theo số tiết dạy thực nghiệm thực tế, đơn giá giờ dạy thực nghiệm: Tiểu học 100.000 đồng/tiết; trung học cơ sở 120.000 đồng/tiết; trung học phổ thông 135.000 đồng/tiết.
Về mức chi thù lao cho thành viên các Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa trong thời gian tham gia trại thẩm định, thông tư quy định: Chủ tịch Hội đồng tối đa là 200.000 đồng/buổi; Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên, thư ký tối đa 150.000 đồng/buổi.
Đối với việc đọc thẩm định, mức chi thù lao đọc thẩm định cho các thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa, Hội đồng thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình như sau: Đọc thẩm định chương trình: Tối đa 25.000 đồng/tiết/người; Đọc thẩm định sách giáo khoa: Tối đa 35.000 đồng/tiết/người; Đọc thẩm định tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình: Tối đa 30.000 đồng/tiết/người.