Tập huấn, giáo viên cần người viết sách thị phạm, đừng nói lại thứ có rồi

08/07/2022 06:48
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tập huấn thay sách, cần chú trọng khâu thực hành như được dự những tiết dạy minh họa từ thực tế. Hiệu quả nhất vẫn là cách thị phạm của các nhà biên soạn sách.

Tới thời điểm đầu tháng 7, gần như giáo viên ở các địa phương trong cả nước đã được tập huấn sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bản thân người viết cũng như nhiều đồng nghiệp của mình đều có chung một nhận xét, nội dung tập huấn chưa đáp ứng được sự mong đợi của giáo viên.

Tập huấn sách mới trực tuyến (Ảnh tác giả)

Tập huấn sách mới trực tuyến (Ảnh tác giả)

Nhiều thầy cô giáo sau khi đi tập huấn thay sách về đã khẳng định ngay rằng: tập huấn kiểu này là vô bổ, không đi tập huấn mình vẫn nắm được chương trình, không cần tập huấn mình vẫn dạy tốt.

Bởi vì, những nội dung họ được học trong những buổi tập huấn chỉ cần tìm kiếm bằng từ khóa trên Google là có ngay tất cả.

Ngoài ra, nhiều nội dung giáo viên đã được học trong các module bồi dưỡng thay sách của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong khi, các thầy cô chờ đợi ở buổi tập huấn, chờ đợi chính những người viết sách, viết chương trình cung cấp thêm những điều mình chưa biết, những điều mình chưa hiểu, những điều mình muốn nghe, mà không thể tìm kiếm ở bất cứ nơi đâu kể cả trên các trang mạng thông tin.

Tập huấn những nội dung đã học hoặc chỉ cần "search Google" là có

Tham gia chương trình tập huấn, giáo viên được báo cáo viên cũng là những người viết sách giáo khoa yêu cầu tìm hiểu và cung cấp những nội dung cơ bản trong Chương trình thay sách giáo khoa 2018.

Từ đó, để thấy được sự khác biệt của sách cũ so với sách mới, những điểm mới của sách 2018 như mới về cấu trúc, về chủ đề bài học.

Nội dung đã học trong các module bồi dưỡng (Ảnh tác giả)

Nội dung đã học trong các module bồi dưỡng (Ảnh tác giả)

Tìm hiểu về mục lục, bảng tra cứu từ ngữ, về các chủ đề, bài học… rồi Cấu trúc một chủ đề; Cấu trúc một bài học…các dạng bài học mới.

Đến những điều vô cùng đơn giản như cách hướng dẫn sử dụng sách, cách nhận biết các kí hiệu, các dạng bài có trong sách giáo khoa.

Nội dung đã học trong các module bồi dưỡng (Ảnh tác giả)

Nội dung đã học trong các module bồi dưỡng (Ảnh tác giả)

Sau những phần giới thiệu, tìm hiểu về bộ sách giáo khoa, báo cáo viên giới thiệu về bộ sách tham khảo và vở bài tập. Môn học nào cũng có bấy nhiêu nội dung, trùng lặp một cách nhàm chán.

Những nội dung này, giáo viên cũng đã được tìm hiểu, được tiếp cận ngay khi chương trình mới được thông qua. Hoặc chỉ cần gõ trên Google là lập tức có ngay những điều giáo viên muốn biết. Trong khi, các thầy cô giáo tiểu học phải ngồi đến mấy ngày để ngồi nghe và thảo luận.

Giáo viên mong đợi điều gì?

Nhiều đồng nghiệp của người viết bày tỏ nỗi thất vọng với những nội dung tập huấn thay sách như trên. Cô giáo Th. (đề nghị không nêu tên) ở Nghệ An cho biết mình phải đi mấy trăm cây số để ngồi nghe tập huấn như vậy thấy thật lãng phí công sức và thời gian.

Những điều về sự khác biệt giữa sách mới và cũ, những điểm mới về cấu trúc, nội dung hay như các ký hiệu của sách… giáo viên sẽ tự mình tìm hiểu được bằng nhiều kênh thông tin.

Điều giáo viên mong đợi chính là những trao đổi giữa giáo viên và người viết sách về những thắc mắc về nội dung kiến thức, về cách dạy, cách truyền đạt tới học sinh sao cho hiệu quả, là cách vận dụng vào thực hành sao cho linh hoạt…

Rồi cách thiết kế bài dạy của giáo viên làm sao để vừa đúng với yêu cầu chỉ đạo của Bộ Giáo dục đảm bảo đúng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học, vừa không gây áp lực cho giáo viên.

Bên cạnh đó, giáo viên muốn được xem chính các nhà biên soạn dạy thị phạm vài tiết dạy. Sau đó, cả người dạy và người dự sẽ cùng phân tích, trao đổi để rút ra những bài học làm kinh nghiệm giảng dạy cho mỗi thầy cô.

Cần đổi mới cách tập huấn

Nhìn chung, qua 3 năm tập huấn thay sách vẫn chỉ là cách làm cũ, mang nặng tính lý thuyết. Tập huấn chưa mang lại những điểm mới, tạo cho giáo viên sự hào hứng, chờ đợi được tham gia.

Giáo viên trung học cơ sở chỉ tập huấn từ 1 đến 2 ngày, trong khi đó giáo viên tiểu học phải đi suốt cả tuần. Giờ vào lớp là 7 giờ 30 phút nhưng kết thúc gần 12 giờ. Buổi chiều từ 1 giờ 30 đến hơn 5 giờ 30 phút tạo cho các thầy cô một cảm giác quá nặng nề, mệt mỏi.

Đã thế, phần lớn những nội dung tập huấn giáo viên có thể tự mình tìm kiếm. Vì vậy, đổi mới cách tập huấn là việc nên làm cho những năm học tới.

Cần chú trọng khâu thực hành như được dự những tiết dạy minh họa từ thực tế. Hiệu quả nhất vẫn là cách thị phạm của các nhà biên soạn sách. Qua tiết dạy, cùng nhau phân tích, trao đổi để rút ra bài học cho bản thân.

Buổi tập huấn nên được tổ chức như một buổi sinh hoạt chuyên môn, là nơi trao đổi thân tình giữa người viết sách và người dạy. Thông qua những trao đổi như thế, giáo viên sẽ được giải đáp được khá nhiều những khúc mắc gặp phải.

Nội dung tập huấn cần cụ thể, minh chứng trong từng hoạt động, từng bài dạy. Người viết sách nên là người sẽ thị phạm thì mới trả lời được những thắc mắc mà giáo viên đặt ra một cách thuyết phục nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương