Chiều ngày 9/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng(sửa đổi), đây là dự án luật rất được cử tri và các đại biểu quan tâm.
Nhiều đại biểu đã có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo luật này. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) góp ý: “Đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định xử lý tham nhũng đối với cán bộ công chức, viên chức đã từ trần với trường hợp tham nhũng gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản.
Cần thiết phải xử lý thu hồi được tài sản tham nhũng của người đã chết theo quy định pháp luật”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân đoàn Cần Thơ (ảnh Trinh Phúc). |
Nói rõ hơn lý do cần thiết phải bổ sung quy định thu hồi tài sản tham nhũng của người đã chết với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng: “Để minh bạch và sòng phẳng, trên thực tế đã xảy ra các trường hợp người vi phạm rồi từ trần nhưng mà tài sản tham nhũng có liên quan đến tài sản của nhân dân, nhà nước nên phải xem xét để thu hồi.
Nếu bỏ qua đối tượng này thì luật sẽ còn để lọt đối tượng. Tài sản là công sức của nhân dân, của nhà nước thì phải công khai minh bạch, trả lại cho dân”.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đoàn Hà Nội (ảnh quochoi.vn). |
Đóng góp đến dự thảo luật lần này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Dự thảo luật có nhiều vấn đề tính khả thi chưa cao, chưa rõ ràng với những vấn đề căn nguyên của phòng chống tham nhũng với những quy định còn nôm na, đơn giản.
Có ý kiến đề nghị không đưa vào đối tượng ngoài nhà nước nhưng trên thực tế hiện nay tham nhũng có sân sau là các đơn vị tư nhân. Chính những đơn vị tư nhân đã bắt tay với đơn vị công để trục lợi. Vì thế chúng ta phải đấu tranh với vấn đề này".
Tư duy, nhận thức của một số cán bộ, công chức "ô nhiễm" đến mức đáng sợ |
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đồng tình với ý kiến trên: “Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh các đối tượng ngoài nhà nước là cần thiết vì hiện nay phù hợp với một số điều khoản trong dự thảo luật.
Cùng với đó trong thời gian vừa qua nhiều ngân hàng không phải ngân hành nhà nước hay các doanh nghiệp ngoài nhà nước trúng thầu một số dự án cố tình tham nhũng nhiều tài sản nhà nước.
Các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng có thể câu kết với các cán bộ thuế làm thất thoát tài sản của nhà nước”.
Về đối tượng kê khai tài sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Vừa rồi, có chuyện tài sản của mấy vị quan chức lớn lại đứng tên cha mẹ.
Họ là cán bộ hưu trí nhưng đứng tên tài sản rất lớn, nên cần giải pháp xử lý vấn đề cán bộ tuồn tài sản cho người thân.
Về vấn đề xác minh tài sản, những kẻ tham nhũng lớn, có nhóm lợi ích thường đưa tài sản ra nước ngoài. Nếu Luật này không giúp cho cơ quan chức năng điều tra tài sản ở nước ngoài thì vẫn là bế tắc".
Vị đại biểu này nhấn mạnh: "Chúng ta có các bước rất căn bản là kê khai, xác minh xong nếu không giải trình được có nên thu hồi tài sản.
Vào công chức làm trong vòng vài chục năm, anh buôn chổi đót, làm xe ôm liệu có vài trăm tỉ đồng không?
Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cử tri đề nghị là nếu xác minh, không giải trình được tài sản thì thu hồi. Nếu chúng ta có bỏ tù, tử hình tội phạm tham nhũng mà vẫn không thu hồi được tài sản tham nhũng thì cũng là không hiệu quả”.