SV Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại UTM được đào tạo kiểu vừa học vừa làm

23/04/2024 06:17
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM) là một trong những cơ sở có tuyển sinh, đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, Lê Thị Thu Trang cảm thấy hài lòng vì có được công việc đúng chuyên môn. Hiện, cô đang làm việc tại một công ty du lịch ở Hà Nội.

"Sau khi tốt nghiệp, tôi bắt đầu làm việc trong ngành du lịch. Tôi nhận thấy kiến thức được đào tạo ở trường đại học khá sát với thực tế, đặc biệt ở phần thực hành. Dù vậy, để đáp ứng được yêu cầu công việc tại doanh nghiệp thì đòi hỏi bản thân tôi phải luôn luôn tự trau dồi các kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm cần thiết.

Tùy vào vị trí công việc và đơn vị tuyển dụng sẽ có các mức lương khác nhau. Mức lương tôi nhận được trung bình khoảng từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với những vị trí công việc liên quan đến bán các tour du lịch thì nhân viên sẽ có thêm các phần hoa hồng, càng có nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ thì thu nhập càng tốt", Thu Trang tâm sự.

8c958452-a6fd-4e85-a7dc-6fe50f560e03.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị tham gia các chuyến trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm. Ảnh: NTCC.

Theo Thu Trang, sinh viên mới ra trường muốn theo đuổi được công việc trong lĩnh vực du lịch, ngoài các kiến thức nền tảng về ngành cần trang bị thêm kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và nắm bắt tốt tâm lý khách hàng. Bên cạnh đó, nhân sự cũng cần có các kỹ năng báo cáo, thuyết trình...

Còn Nguyễn Thị Thanh Huyền (sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị) cho biết, em lựa chọn ngành học này xuất phát từ sở thích cá nhân.

Thanh Huyền cho biết: "Em thích được đi đây đó, khám phá những mảng màu văn hóa từ các vùng đất khác nhau. Đó là lý do chính khiến em quyết định theo đuổi ngành học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Trong quá trình học em cũng tự đặt ra những mục tiêu riêng để cố gắng hoàn thành với mong muốn sau khi tốt nghiệp có thể tìm được công việc đúng chuyên ngành".

Cũng theo Thanh Huyền, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành luôn được tích lũy kinh nghiệm thực hành thông qua những môn học chuyên ngành và quá trình thực hành thực tế. Em đưa ra dẫn chứng, các môn như nghiệp vụ điều hành du lịch giúp sinh viên có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học vào các tình huống công việc, từ đó rút ra kinh nghiệm riêng cho bản thân.

Bên cạnh đó, theo Huyền, muốn làm tốt trong lĩnh vực này thì người học cũng cần có sự tự tin, nhanh nhạy nhất định. Em lý giải: "Công việc ngành này khá đặc thù, thường xuyên tiếp xúc, làm việc với khách hàng và giải quyết những tình huống phát sinh, nên các kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử tinh tế là điểm cộng rất lớn trong quá trình phỏng vấn với nhà tuyển dụng.

Để có thêm thông tin toàn cảnh về ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Kim Thư – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.

Tiến sĩ Phạm Kim Thư cho biết: "Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã tổ chức đào tạo ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành từ năm 2016, tới nay đã có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp. Những năm gần đây, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành luôn cần tích lũy kinh nghiệm thực tiễn ngay từ giảng đường. Do vậy chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Nhà trường thường xuyên được rà soát và điều chỉnh theo hướng ứng dụng, tăng thời lượng thực hành, thực tế. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên môn một năm sau khi ra trường luôn đạt trên 90%.

Đặc biệt năm 2024, 100% sinh viên trúng tuyển hệ đại học chính quy sẽ được nhà trường sắp xếp chỗ ở miễn phí tại ký túc xá (nếu sinh viên có nhu cầu), hết năm thứ nhất sinh viên có thể đăng ký học song bằng với các chuyên ngành khác để tăng thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp", thầy Thư cho biết thêm.

Điểm khác biệt khi học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại UTM

Tiến sĩ Phạm Kim Thư cũng chia sẻ một số điểm khác biệt khi học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.

“Là một ngành dịch vụ, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đòi hỏi sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn có vốn kinh nghiệm thực tế nhất định. Tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, yêu cầu này được giải quyết bằng bí quyết "vừa học vừa đi”.

Cụ thể, cùng với những giờ học trên giảng đường, sinh viên thường trải nghiệm những chuyến đi đến các di tích, các điểm tham quan tại Hà Nội hay các địa phương lân cận để tìm hiểu kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, đồng thời luyện tập các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, hoạt náo, làm quen với môi trường làm việc. Mới đây, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đã thực hiện tour khám phá nhiều danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử, quần thể văn hóa có thể kể đến như: Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự (Hà Nam), Tam Cốc (Ninh Bình), Mộc Châu (Sơn La)...”, thầy Thư cho hay.

Cũng theo thầy Thư, học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại UTM, các bạn sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức tổng quan về du lịch như: Địa lý du lịch, văn hóa, khoa học quản lý, quản trị kinh doanh, tâm lý và tập quán của du khách trong nước và quốc tế, các kỹ năng nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, quản lý và điều hành tour, thiết kế và quản trị sự kiện du lịch.

Các em cũng được trang bị các kỹ năng quản lý, điều hành và giám sát các nghiệp vụ cơ bản trong các đơn vị kinh doanh du lịch, tham gia điều chỉnh và thực hiện các chiến lược, dự án, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các chính sách tại các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, thực hiện các nghiên cứu độc lập có tính thực tiễn trong du lịch, tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy về du lịch.

433427967_1473622826794518_4492164065732853927_n.jpg
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là một trong những ngành học có triển vọng nghề nghiệp rộng mở, được nhiều thí sinh lựa chọn. Ảnh: NTCC.

Cũng theo thầy Thư, ngoài những kiến thức chuyên môn được học để phục vụ cho nghề nghiệp trong tương lai, sinh viên được tiếp cận với các môn học thực tế như: Văn hóa tổ chức, Kinh tế du lịch, Văn hóa du lịch, Marketing du lịch, Phong tục – tập quán – lễ hội – truyền thống, Du lịch tôn giáo – tín ngưỡng, Quản trị lữ hành, Địa lý du lịch, Quản trị sự kiện, Hướng dẫn du lịch, Giao tiếp và lễ tân ngoại giao, PR và truyền thông cho sự kiện…

"Học tại UTM, chương trình đào tạo thiết kế theo mô hình chất lượng cao, tài liệu giảng dạy thường xuyên được cập nhật theo xu hướng quốc tế, sinh viên được đào tạo nâng cao năng lực quản lý - điều hành, kỹ năng giải quyết những tình huống phát sinh trong thực tế một cách nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp. Không chỉ được trang bị bài bản các kiến thức chuyên ngành mà các bạn còn được chú trọng đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng mềm không kém quan trọng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm", thầy Thư bày tỏ.

Ngoài ra, thầy Thư cũng khẳng định, UTM là một trong những trường hàng đầu về đào tạo nhóm ngành kinh doanh, quản lý. Do đó, sinh viên theo học ngành này tại trường sẽ được tiếp cận với những giáo trình chuẩn hóa và cập nhật theo nội dung và phương pháp đào tạo của các trường đại học hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo mang tính ứng dụng thực tế, sinh viên được vận dụng lý thuyết vào học kỳ thực tế tại các công ty du lịch, khu du lịch, nghỉ dưỡng, tạo nên sự khác biệt của mô hình đào tạo chuẩn quốc tế. Mỗi lớp học có sĩ số 30 sinh viên.

Đặc biệt, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể trong vấn đề thực tập và việc làm, bởi UTM có hệ thống kết nối bền chặt với các doanh nghiệp uy tín về du lịch lữ hành trong và ngoài nước.

Hơn thế nữa, nhà trường cũng hỗ trợ nhiều hoạt động ngoại khóa, giao lưu quốc tế thường xuyên, chương trình rèn luyện kỹ năng mềm bổ ích giúp sinh viên trở nên năng động, tự tin và dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc quốc tế.

Thầy Thư đánh giá, du lịch đang là một lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển, với lượng khách nước ngoài cũng như nội địa ngày càng tăng. Hình ảnh Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế.

Điều này lý giải cho việc những năm gần đây Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trở thành một ngành học thu hút đông đảo thí sinh quyết định theo học.

Sinh viên tốt nghiệp Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ được lựa chọn rất nhiều vị trí nghề nghiệp cụ thể như: Hướng dẫn viên du lịch, thiết kế tour, tổ chức sự kiện, hội nghị; Chuyên viên kinh doanh, phát triển các dịch vụ du lịch, khách sạn; Giám đốc điều hành, Tổ trưởng bộ phận, quản lý bộ phận lập kế hoạch, điều phối nhân sự; Giảng dạy về Quản trị khách sạn, du lịch; hay làm việc tại bộ phận du lịch các sở, ban, ngành.

Thi Thi