SV ngành Quản trị Kinh doanh cần có tương tác với doanh nghiệp nhiều hơn nữa

18/02/2024 09:19
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo ông Đào Hồng Giang, sinh viên học ngành Quản trị Kinh doanh cần có sự tương tác với doanh nghiệp hơn nữa.

Ngành Quản trị kinh doanh là một trong ngành học được nhiều trường đại học đào tạo. Cả nước có khoảng hơn 150 trường đại học đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh. [1] Với những trường có truyền thống đào tạo khối ngành Kinh tế, mức điểm chuẩn vào ngành này luôn dao động ở mức 25 - 28 điểm.

Tốt nghiệp năm 2006, cựu sinh viên ngành Quản trị doanh khóa 41 Trường Đại học Ngoại thương Đào Hồng Giang (hiện là Phó Chủ tịch điều hành & Giám đốc Khối ngành Tài chính Ngân hàng, Công ty Hệ thống thông tin FPT) đã có những chia sẻ về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của sinh viên học ngành học này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ông Đào Hồng Giang (Phó Chủ tịch điều hành & Giám đốc Khối ngành Tài chính Ngân hàng, Công ty Hệ thống thông tin FPT). (Ảnh: NVCC)

Ông Đào Hồng Giang (Phó Chủ tịch điều hành & Giám đốc Khối ngành Tài chính Ngân hàng, Công ty Hệ thống thông tin FPT). (Ảnh: NVCC)

Ông Đào Hồng Giang chia sẻ, khóa học của ông là khóa đào tạo thứ ba của ngành Quản trị kinh doanh. Khi mới ra trường, ông làm nhân viên makerting cho một đơn vị của Tập đoàn FPT, sau khi kinh qua nhiều vị trí, đến năm 2020, ông giữ vai trò Phó Chủ tịch điều hành & Giám đốc Khối ngành Tài chính Ngân hàng, Công ty Hệ thống thông tin FPT.

Ông Giang cho hay, khi đó ngành Quản trị kinh doanh là ngành hot vì mới mở, một số môn về quản trị còn có sự lắp ghép của trường đại học khác.

"Ngày trước, chương trình đào tạo chỉ có hệ tiêu chuẩn, giờ đây đã có hệ đào tạo chất lượng cao và hệ tiên tiến. Tôi tin rằng, điều này sẽ giúp cho các bạn sinh viên khi ra trường không bỡ ngỡ như chúng tôi ngày xưa", ông Giang cho hay.

Ông Giang nhớ lại, khi ra trường, sinh viên ngành này vẫn vào công ty, tập đoàn lớn nhưng sự hiểu biết về văn hoá và tương tác bằng ngoại ngữ tiếng Anh còn hạn chế. Trong khi đó, sinh viên hiện nay học hai chương trình hệ chất lượng cao và hệ tiên tiến được giảng dạy bằng tiếng Anh. Điều này giúp sinh viên có sự thuận lợi trong tiếp xúc với đơn vị nước ngoài.

Bên cạnh đó, thời chúng tôi, sinh viên phải tự tìm kiếm doanh nghiệp, công ty để kiến tập, thực tập. Còn hiện nay, nhà trường chủ động làm việc với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp cũng đến "đặt hàng" đào tạo.

"Hiện nay, các bạn sinh viên ngành Quản trị kinh doanh ở Trường Đại học Ngoại thương có năng lực, kết quả học tập tốt đã được doanh nghiệp, công ty săn đón ngay từ năm 2, năm 3. Sinh viên giờ rất năng động, có sự chủ động trong công việc", ông Giang chia sẻ.

Về điểm hạn chế của sinh viên ngành Quản trị kinh doanh hiện nay, Phó Chủ tịch điều hành & Giám đốc Khối ngành Tài chính Ngân hàng, Công ty Hệ thống thông tin FPT nhận định, điểm yếu của họ vẫn là kinh nghiệm.

Theo đó, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương đã mời những cựu sinh viên, cộng tác viên, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ với sinh viên nhưng ông Giang cho rằng, trong chương trình đào tạo cần phải tăng thời gian thực tương tác trực tiếp giữa sinh viên với doanh nghiệp để các em có sự trải nghiệm, chia sẻ.

"Theo tôi, việc tổ chức các cuộc thi trong nhà trường cần phải có nhiều hơn nữa, để sinh viên có sự va chạm liên quan đến doanh nghiệp được liên tục. Điều này, sẽ giúp sinh viên tiết kiệm được thời gian trong sự tương tác với doanh nghiệp trước khi các em ra trường", ông Giang cho hay.

Chia sẻ về mức lương của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, ông Giang cho biết, khi mới ra trường họ có thể làm các công việc như làm nhân viên sale, phân tích nghiệp vụ kinh doanh, xuất nhập khẩu...

Mức lương khởi điểm của nhân viên trong đơn vị ông đang công tác khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.

Ông cho rằng, trong 3-5 năm đầu tiên, điều quan trọng với sinh viên mới ra trường không phải là mức lương, mà là họ học được cái gì trong quãng thời gian này.

Sinh viên mới ra trường cần có sự tìm tòi, học hỏi về sự vận hành của doanh nghiệp, giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, khi đó mức lương của họ sẽ càng cao.

"Khi nhân viên có tư duy về quản trị, họ sẽ có cơ hội để được cất nhắc lên vị trí mới nhanh hơn", ông Giang chia sẻ.

Ông Đào Hồng Giang cho biết, thực tế có những kiến thức trong trường đại học sau mười, hai mươi năm ông mới dùng đến. Điều này, giúp người quản lý có sự am hiểu tổng hợp về các lĩnh vực.

Vai trò của người được đào tạo về Quản trị kinh doanh cũng rất quan trọng, họ có vai trò gắn kết sự tương tác các bộ phận trong công ty, doanh nghiệp lại với nhau, để hạn chế sự mâu thuẫn, giúp đơn vị phát triển.

Điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Ngoại thương đều từ 27 điểm trở lên

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngành Quản trị Kinh doanh (thuộc Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương) được mở từ năm 1999.

Sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Ngoại thương tham dự Lễ phát động cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Ngoại thương tham dự Lễ phát động cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2024 (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh thường làm một số công việc là: Chuyên viên phụ trách hành chính và nhân sự, Chuyên viên bán hàng và quản lý khách hàng, Chuyên viên quản lý sản xuất, Chuyên viên quản lý cung ứng, Chuyên viên kinh doanh và tiếp thị, nhân viên kiểm toán, nhân viên phòng kế hoạch tài chính,…

Điểm trúng tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh, nhập học năm 2021, 2022 Trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: Đề án tuyển sinh 2023 của nhà trường)

Điểm trúng tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh, nhập học năm 2021, 2022 Trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: Đề án tuyển sinh 2023 của nhà trường)

Theo Đề án tuyển sinh 2023 Trường Đại học Ngoại thương, trong năm 2021, 2022, điểm chuẩn ngành Quản trị Kinh doanh (cơ sở Hà Nội) dao động trong khoảng 27,70 - 28,45 điểm đối với các khối A00, A01, D01, D07.

Chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2021, 2022 là 140 - 135, số sinh viên nhập học là 135 - 102.

Còn tại cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn ngành Quản trị Kinh doanh năm 2021, 2022 dao động từ 27,75 - 28,55. Chỉ tiêu tuyển sinh 2 năm lần lượt là 30 - 25.

Trả lời báo chí về mức học phí, Trường Đại học Ngoại thương thông tin, học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 đối với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm; Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng/năm; Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng/năm.

Ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng

Ngành Quản trị Kinh doanh (khoa Quản trị Kinh doanh) được mở đào tạo từ năm 1992.

Điểm chuẩn ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng năm 2021, 2022. (Ảnh: Đề án tuyển sinh năm 2023 Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng)

Điểm chuẩn ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng năm 2021, 2022. (Ảnh: Đề án tuyển sinh năm 2023 Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng)

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Quản trị Kinh doanh trong năm 2021, 2022 lần lượt là 400 - 395, số người nhập học tương ứng các năm là 391 - 432. Điểm trúng tuyển trong hai năm trên từ 26 - 27,5.

Nhà trường giới thiệu về vị trí công việc và con đường thăng tiến nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh. (Ảnh: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng).

Nhà trường giới thiệu về vị trí công việc và con đường thăng tiến nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh. (Ảnh: Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng).

Theo giới thiệu của nhà trường về cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, vị trí các em có thể đảm nhận vị trí là Chuyên viên kinh doanh, Chuyên viên phân tích và quản trị kinh doanh, Nhà quản trị cấp tác nghiệp ở các bộ phận chức năng khác nhau, Nhà quản trị cấp cao và có thể tự làm chủ doanh nghiệp và điều hành công ty.

Bên cạnh đó, con đường thăng tiến nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh trong thời gian 5 - 10 năm sau khi tốt nghiệp có thể thăng tiến đến vị trí là Giám đốc điều hành vùng/khu vực, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ... và sau 10 năm, họ có thể là giám đốc doanh nghiệp, tổng giám đốc tổng công ty/tập đoàn, hoặc chủ một doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng từng dự kiến mức học phí năm học 2023-2024 với nhóm học phí nhóm 3, trong đó có ngành Quản trị Kinh doanh là 22,52 triệu đồng/năm học.

Ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Ngành Quản trị Kinh doanh (khoa Quản trị, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) bắt đầu đào tạo từ năm 1990.

Theo giới thiệu của nhà trường, chương trình đào tạo các cử nhân quản trị kinh doanh chuyên ngành quản trị có kiến thức vững chắc về quản trị tổ chức (lập kế hoạch chiến lược, tổ chức bộ máy và thu hút nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược, quản trị các hoạt động chức năng), có phong cách lãnh đạo hiện đại, năng động để có thể trở thành một nhà quản trị cấp trung và cấp cao trong các tổ chức kinh doanh, tổ chức công và tổ chức phi lợi nhuận đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh công nghệ mới và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Điểm chuẩn, chỉ tiêu và số sinh viên nhập học năm 2021, 2022 của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đề án tuyển sinh năm 2023 Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

Điểm chuẩn, chỉ tiêu và số sinh viên nhập học năm 2021, 2022 của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đề án tuyển sinh năm 2023 Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo Đề án tuyển sinh năm 2023, ngành Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021, 2022 có chỉ tiêu tuyển sinh lần lượt các năm là 1000 - 940, số sinh viên nhập học tương ứng 2 năm là 876 - 678.

Theo lộ trình tăng học phí, năm học 2023 – 2024 học phí chương trình chuẩn của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là 863.500 đồng/tín chỉ (khoảng 27,2 triệu đồng/năm) và năm học 2024 – 2025 là 950.000 đồng/tín chỉ (khoảng 29,9 triệu đồng/năm).

Mạnh Đoàn