Nguy cơ mắc ung thư và nhiều bệnh tật từ thức ăn đường phố

29/07/2020 09:09
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm từ thức ăn đường phố vẫn là mối nguy thường trực, dù đã được cảnh báo nhiều lần

Tại Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia trong khu vực, thức ăn đường phố rất được ưa chuộng bởi sự thuận tiện, giá cả hợp lý đáp ứng được nhu cầu của những người làm công ăn lương, học sinh, sinh viên, khách du lịch...

Dạo quanh những tuyến đường có đông dân cư sinh sống vào những buổi sáng hay giờ tan tầm không khó để thấy thức ăn đường phố được bày bán tràn lan, mặc cho khói xe, bụi đường.

Khi ngồi thưởng thức ở vỉa hè, các “thượng đế” không chỉ hít bụi đường, nhất là vào giờ cao điểm, mà còn được khuyến mãi thêm hàng triệu vi khuẩn gây bệnh cùng mùi hôi từ cống rãnh, rác thải ngay bên vỉa hè hay từ tay của người bán không được đảm bảo vệ sinh...

Điều đáng ngạc nhiên là bất kỳ người tiêu dùng nào cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố, nhưng chẳng người nào quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm. Và, họ vẫn vô tư ngồi ăn một cách ngon lành.

Phần lớn các khách hàng của hàng quán vỉa hè là học sinh, sinh viên, người lao động, người có thu nhập thấp.

Thức ăn đường phố khó kiểm soát chất lượng.

Thức ăn đường phố khó kiểm soát chất lượng.

Nhiều người vì tâm lý muốn nhanh, rẻ nên cứ liều… còn chất lượng và độ an toàn đều phó mặc cho người bán.

Sự dễ dãi của người tiêu dùng khiến thực phẩm “bẩn” có nhiều đất sống. Họ biết thực phẩm đường phố không an toàn nhưng vẫn ăn bởi sự tiện lợi nhưng cũng chính là mối nguy hại tới sức khỏe người sử dụng.

Từ thực tế cho thấy việc kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Những tiêu chuẩn như bảo quản thực phẩm hợp quy cách, quy trình thực hiện… thường bị xem nhẹ từ cả người bán lẫn người tiêu dùng.

Các loại dụng cụ chế biến; dụng cụ bảo quản, chứa đựng thức ăn chưa được đầu tư đúng mức và chưa đáp ứng được điều kiện bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt là các vật dụng túi bảo quản thực phẩm… đều không được chú ý đến.

Bên cạnh đó, với tính chất “đặc biệt” của lĩnh vực kinh doanh thức ăn đường phố, nhỏ lẻ, không giấy phép kinh doanh, là đối tượng không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nên việc kiểm soát chất lượng cũng rất khó khăn.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho thấy, từ năm 2015-2019 số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình/năm, số người mắc, số người nhập viện và tử vong trung bình/năm đều giảm so với giai đoạn 2010-2014.

Tính chung từ năm 2010 – 2019, trên cả nước ghi nhận 1.556 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 47.400 người mắc; trong đó có 271 người chết, gần 40.190 người phải nhập viện điều trị.

Riêng năm 2020, tính đến ngày 31/5, toàn quốc đã ghi nhận 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 870 người mắc, 824 người nhập viện điều trị và 22 người tử vong.

So sánh với cùng kỳ năm 2019, tăng 11 vụ (29,7%) ngộ độc thực phẩm, số người mắc tăng 18 người và tử vong tăng 17 người.

Phân tích từ 1.604 vụ ngộ độc được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2020, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), độc tố tự nhiên (28,4%), hóa chất (4,2%)…

Cũng theo thông tin từ phía các cơ quan chức năng, có đến 70% thức ăn đường phố không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy hại tới sức khỏe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

Dùng giấy lịch gói bánh mì cũng nguy hiểm vì loại giấy này đã qua sử dụng nên có thể có nhiều vi khuẩn.

Dùng giấy lịch gói bánh mì cũng nguy hiểm vì loại giấy này đã qua sử dụng nên có thể có nhiều vi khuẩn.

Nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu bị nhiễm bẩn; điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo an toàn; bày bán đồ ăn dưới lòng lề đường đầy khói, bụi, ruồi bọ, vi khuẩn…

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, một số phụ gia trong hộp nhựa, túi ny lông hòa tan vào thực phẩm ở nhiệt độ 70-80 độ C sẽ sản sinh ra chất độc hại, tích tụ lâu dài là mầm bệnh nan y.

Sử dụng thức ăn chứa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm sẽ bị tích tụ độc tố trong các cơ quan như gan, thận, não, cơ quan sinh dục... gây suy gan, suy thận, dễ vô sinh, rối loạn nội tiết... Bên cạnh đó, việc sử dụng dầu mỡ cũ chiên đi chiên lại nhiều lần (kể cả đã lọc lại cho trong) cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư gan, hệ tiêu hóa...

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý: Người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố bởi những thức ăn này thường không được bảo quản tốt, cộng thêm thời tiết nóng nực thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi.

“Người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng cần đến cơ sở y tế sớm, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đến muộn, cơ thể mất nước, nhiễm độc nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tới tính mạng”, bác sĩ Nguyên nói.

Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng: Những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa tiềm ẩn nguy cơ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm.

Có thể thấy thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhưng vẫn chưa được bộ phận lớn người dân quan tâm đúng mực vẫn vô tư “đánh đu” với sức khỏe bởi sự tiện lợi của cá nhân.

Hiện đã có nhiều mô hình khác nhau để đảm bảo an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố như yêu cầu sử dụng các biện pháp như người bán hàng phải có gang tay, tạp dề, khẩu trang…

Về mặt quản lý nhà nước, Điều 31, 32 Luật an toàn thực phẩm đã đưa ra những những quy định cụ thể về điều kiện an toàn thực phẩm.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, đồng thời tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí nêu trên, yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục/ tại các nhà hàng, khách sạn, cơ quan có bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý.

Bộ Y tế khuyến cáo về mua và chế biến thực phẩm, đặc biệt là trong giai đoạn đang chống dịch Covid-10

1. Khi đi mua thực phẩm

Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm.

Không mua thịt vật nuôi bị ôi, hỏng.

Tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ.

Tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bệnh vì đây là nguồn gây bệnh nguy hiểm.

Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.

2. Khi chế biến thực phẩm tại nhà

Sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm.

Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh lây chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín.

Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.

Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn.)

Ăn uống đảm bảo vệ sinh:

Luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh qua thực phẩm.

Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống. Trên mâm hay bàn ăn, phải có thìa/đũa để lấy thức ăn vào bát riêng, sau đó mới sử dụng thìa, đũa cá nhân để thưởng thức món ăn của mình.

Không uống chung ly/cốc/chén nước với người khác.

Trần Phương