Chợ Tết ngập thực phẩm, hàng không nhãn mác

31/01/2019 06:21
Vũ Phương
(GDVN) - Thời điểm cận Tết, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhiều cơ sở tung ra thị trường thực phẩm, bánh kẹo kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.

Càng gần Tết Nguyên đán càng phải cảnh giác với các chiêu trò kinh doanh gian dối, sẵn sàng vì lợi nhuận mà coi thường sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng.

Nhiều mặt hàng kẹo bánh, hoa quả sấy dẻo, sấy khô đựng trong túi nylon không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác được bày bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Vũ Phương.
Nhiều mặt hàng kẹo bánh, hoa quả sấy dẻo, sấy khô đựng trong túi nylon không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác được bày bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Vũ Phương. 
Mặt hàng mứt bí, mứt dừa, hoa quả sấy dẻo có màu sắc bắt mắt. Ảnh: Vũ Phương.
Mặt hàng mứt bí, mứt dừa, hoa quả sấy dẻo có màu sắc bắt mắt. Ảnh: Vũ Phương. 

Theo khảo sát của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt  Nam, tại nhiều chợ đầu mối, xuất hiện tràn ngập các mặt hàng từ kẹo bánh, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Có mặt tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) vào trưa ngày 30/1/2019 (tức 25 tháng Chạp), phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận được nhiều hoạt động mua bán thực phẩm, bánh kẹo diễn ra tấp nập.

Nhiều mặt hàng được bày bán ra khay, túi nylon loại trong không nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác như hoa quả sấy khô là chuối, mít, ổi… được đựng trong những bao nylon lớn không nhãn mác và được bán theo kg. Giá giao động từ 150 – 200 ngàn đồng/kg tùy theo loại 1, loại 2.

Nhiều mặt hàng kẹo bánh bán theo kg được bày bán ngập tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Vũ Phương.
Nhiều mặt hàng kẹo bánh bán theo kg được bày bán ngập tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Vũ Phương. 
Hoa quả sấy các loại được bán với giá khá rẻ tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Vũ Phương.
Hoa quả sấy các loại được bán với giá khá rẻ tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Vũ Phương. 

Cũng tại chợ Đồng Xuân, các loại hoa quả sấy dẻo dạng ô mai để ăn vặt cũng được nhiều người mua như mơ nho gừng, đào đỏ, mận tím, chanh tây, đào xanh, quất đường bao tử, trám cay, chuối dẻo, sấu giòn cay hay mặt được nhiều người  mua Tết năm nay là hồng sấy dẻo… có giá giao động từ 130-150 ngàn đồng/kg.

Đáng chú ý, tại đây, nhiều chủ cửa hàng cũng tự đóng gói các loại hoa quả sấy vào các hộp nhựa trong có gắn nhãn mác hoa quả sấy chất lượng, nhưng không có tên công ty, địa chỉ sản xuất.

Các tiểu thương này lấy hàng hóa từ túi nylong, hộp carton rất to rồi đóng thành từng hộp nhỏ nhìn bắt mắt nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Đáng nói, tại không ít sạp hàng, ki-ốt, nền đất bẩn, ướt nhẹp, nhiều mặt hàng hoa quả sấy dẻo ướp đường đừng trong túi nylon lớn mở bung ra thu hút côn trùng như ong, ruồi bâu. Không những thế, tay trần của người mua và người bán thường xuyên xem hàng và ăn thử rất mất vệ sinh.

Tại khu thực phẩm khô như mộc nhĩ, măng khô, tôm nõn khô cũng bày bán la liệt và được đựng trong những túi nylon lớn không nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác.

Bên cạnh đó, mặt hàng bánh kẹo, nhiều loại đựng trong những bao nylon lớn không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và cũng được bán theo kg. Giá của các mặt hàng này cũng rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng tương tự của những doanh nghiệp uy tín sản xuất.

Hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem mác cũng được bày bán. Ảnh: Vũ Phương.
Hoa quả không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem mác cũng được bày bán. Ảnh: Vũ Phương. 

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, chả, mứt bánh kẹo, rượu, nước giải khát… của người dân tăng đột biến, thị trường thực phẩm tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng.

Cũng theo ông Phong, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, và có mùi khó chịu.

Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến khâu chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm… Để gia đình khỏe mạnh trong những ngày Tết sắp đến, việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là rất quan trọng.

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân khi mua thực phẩm vào dịp Tết bạn nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Tốt nhất là chọn các thực phẩm đã qua kiểm dịch của Bộ y tế hoặc ban ngành có liên quan. Với rau củ quả, nên đến các cửa hàng rau sạch, siêu thị mua, chọn rau quả còn nguyên, tươi, không bị hư thối.

Thực phẩm qua giết mổ, mua hàng ở các cửa hàng uy tín, đảm bảo chất lượng, thịt tươi không sử dụng hóa chất, chất bảo quản. Thực phẩm đóng hộp không mua sản phẩm có vỏ bị hư hỏng, biến dạng, bị rỉ sét, phần hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất không thể nhìn rõ hay không có.

Thức ăn đã nấu chín nên dùng hết trong 1 - 2 ngày, không nên để lâu hơn. Các thực phẩm nên nấu chín trước khi ăn, hạn chế ăn sống. Nơi chế biến thức ăn không đặt gần đường cống rãnh, nhà vệ sinh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trước Tết Nguyên Đán năm 2018, riêng tháng 1/2018, cả nước có 145 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.

Còn theo công bố của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 10/2018, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong.

Trong 10 tháng qua, Cục An toàn Thực phẩm đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỷ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Vũ Phương