Sở GD Hòa Bình có thể kiểm tra đột xuất việc thu, chi nguồn do phụ huynh đóng

20/09/2023 06:28
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình có thể kiểm tra đột xuất việc quản lý tài chính, thu, chi các nguồn kinh phí do phụ huynh đóng góp.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác quản lý tài chính, thu, chi các nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp năm học 2023-2024.

Theo đó, trong tháng 9/2023, Sở sẽ xây dựng Đề cương, Kế hoạch kiểm tra trên cơ sở các quy định hiện hành của nhà nước, kết hợp giữa công tác kiểm tra với việc tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước đối với lĩnh vực kiểm tra.

"Tập trung vào các đơn vị, trường học có thông tin phản ánh, kiến nghị của công dân, của các phương tiện thông tin truyền thông trong năm học 2023-2024 hoặc theo yêu cầu của công tác quản lý.

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, phòng chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến trách nhiệm quản lý của Thanh tra Sở", Sở Giáo dục nêu về phạm vi. đối tượng được kiểm tra.

Về nội dung kiểm tra, Sở sẽ kiểm tra công tác quản lý tài chính, thu, chi các nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp năm học 2023-2024 và năm học 2022-2023 (Nếu cần thiết).

Thời gian kiểm tra được thực hiện trong năm học 2023-2024 (từ tháng 9/2023 đến tháng 5/2024) tại các đơn vị, trường học được kiểm tra.

"Tùy theo tính chất, mức độ, nội dung của cuộc kiểm tra, việc tổ chức kiểm tra có thể được bố trí bởi cá nhân hoặc thành lập Đoàn kiểm tra", trích văn bản.

Việc kiểm tra có thể đột xuất

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình chỉ đạo, Chánh Thanh tra Sở ban hành văn bản kiểm tra theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết Giám đốc Sở quyết định kiểm tra.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì tiến hành kiểm tra có trách nhiệm lựa chọn người có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc kiểm tra để xem xét, bố trí công chức, viên chức tiến hành kiểm tra độc lập hoặc các thành viên Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra theo quy định.

"Việc kiểm tra có thể áp dụng hình thức kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra thông thường", Sở Giáo dục nêu.

Về trách nhiệm thực hiện, lãnh đạo Sở giao Thanh tra Sở chủ trì lập dự toán tham mưu cho Lãnh đạo Sở trong việc đảm bảo kinh phí chi cho hoạt động kiểm tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục, chủ trì triển khai thực hiện.

Sở giao văn phòng Sở bố trí phương tiện và các điều kiện đảm bảo hoạt động cho đoàn kiểm tra.

Đối với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở sẽ phối hợp với Thanh tra Sở xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý, có thể tích hợp nhiều nội dung kiểm tra tại một đơn vị nhằm tránh chồng chéo về nội dung, đối tượng kiểm tra, thực hiện kế hoạch công tác kiểm tra năm học đã được phê duyệt và các công việc phát sinh theo quy định.

Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố: Chỉ đạo các đơn vị là đối tượng kiểm tra bố trí thời gian, cung cấp các tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và cử cán bộ làm việc với Đoàn kiểm tra theo đúng thành phần và thời gian quy định, chuẩn bị các điều kiện để đoàn kiểm tra làm việc tại đơn vị khi có quyết định kiểm tra và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Trường hợp có sự thay đổi lịch làm việc vì có lí do đột xuất, Đoàn kiểm tra sẽ có thông báo kịp thời đến các đơn vị.

Các đơn vị, trường học trực thuộc Sở, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên bố trí thời gian, cung cấp các tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và cử cán bộ làm việc với Đoàn kiểm tra theo đúng thành phần và thời gian quy định, chuẩn bị các điều kiện để đoàn kiểm tra làm việc tại đơn vị khi có quyết định kiểm tra và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Trường hợp có sự thay đổi lịch làm việc vì có lí do đột xuất, Đoàn kiểm tra sẽ có thông báo kịp thời đến các đơn vị.

Mạnh Đoàn