Sở GD HN cần xử lý nghiêm, GV đừng đặt quyền uy của mình lên trên hểt

05/10/2023 06:32
Thanh Ngân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hành vi của giáo viên Trường THPT Đa Phúc thể hiện sự nóng giận, thiếu tôn trọng học trò, và đặt quyền uy của mình lên trên hết.

Những ngày qua, câu chuyện nữ sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội quỳ khóc trước cửa lớp và bị cô giáo kéo cổ áo, do đặt bánh sinh nhật không theo thống nhất của giáo viên đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới trường học hạnh phúc, xây dựng văn hóa học đường, vấn đề ứng xử, từ lời nói đến hành vi trong môi trường giáo dục càng phải được coi trọng.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Đa Phúc có hành động kéo lê khi học sinh quỳ trước cửa lớp. Ảnh: cắt từ Clip

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Đa Phúc có hành động kéo lê khi học sinh quỳ trước cửa lớp. Ảnh: cắt từ Clip

Tôi không đồng tình việc Hiệu trưởng, giáo viên đều nhận định học sinh mắc lỗi khi đặt sai bánh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: Trong sự việc trên, giáo viên này dạy môn Giáo dục công dân, phụ trách tham vấn tâm lý học đường, vừa là giáo viên chủ nhiệm nhưng lại có ứng xử không phù hợp đối với học sinh – một bí thư chi đoàn của lớp mình phụ trách.

Hành vi, lời nói của cô giáo không chỉ sai về nguyên tắc ứng xử sư phạm mà còn gây tổn thương cho học sinh.

“Điều tôi trăn trở là vì sao một cô giáo được giao trọng trách quan trọng trong trường lại có cách hành xử với một học sinh đại diện cho lớp mình như thế.

Cô giáo có danh dự của giáo viên chủ nhiệm thì học sinh cũng có danh dự của một cán bộ lớp, tại sao cô không bình tĩnh, lắng nghe, rút kinh nghiệm cho hành động của em.

Hành vi của cô chỉ để thỏa mãn cơn nóng giận của mình, không tôn trọng học sinh, không thực hiện đúng sứ mệnh của nhà giáo.

Tổ chức liên hoan cho các bạn, nếu đặt sai chiếc bánh, cô nên chia sẻ để cho học sinh rút kinh nghiệm, không nên có lời nói nặng nề hay kéo áo học sinh. Trong sự việc này cô giáo đã sai, không thương yêu học trò, không thấy được trách nhiệm của mình”, thầy Tùng Lâm chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: PM

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: PM

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, là một giáo viên, phải thường xuyên động viên, khích lệ học sinh chứ không thể dùng quyền uy của mình để áp đặt học trò hay đuổi học sinh ra đứng ở cửa lớp.

Những lời nói, hành vi của cô giáo là đang đặt quyền uy của mình lên trên hết. Cách hành xử đó không mẫu mực, thậm chí là gây hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương học trò và tổn hại đến nhân cách của chính giáo viên.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với phương án xử lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp và công tác tư vấn tâm lý học đường đối với giáo viên vi phạm, điều này thể hiện sự cương quyết trong xử lý hành vi sai phạm để xây dựng văn hóa học đường, không thể dễ dàng bỏ qua những hành vi bạo lực, thiếu tính sư phạm trong một trường học.

Thầy cô giáo cần thực hiện sứ mệnh làm thầy của mình, là giúp học sinh phát triển nhân cách. Sứ mệnh của nhà trường, của người thầy không chỉ “dạy chữ” mà còn “dạy người”, dạy học sinh phát triển bản thân, nên chính thầy cô không thể “chà đạp” lên sứ mệnh cao quý đó và làm trái nguyên tắc ứng xử sư phạm.

Từ sự việc trên, các giáo viên đều phải nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm, để không xảy ra những câu chuyện tương tự, không để tình trạng bạo lực giữa thầy cô giáo với học trò tiếp diễn.

“Một cô giáo từng tâm sự với tôi rằng: “Đối với nghề dạy học, với học trò của mình, không có thua hoặc thắng, mà chỉ có ân hận và niềm tự hào.

Cách đây nhiều năm, cô giáo ấy từng đuổi học một học sinh khi học sinh mắc lỗi, nhưng chính điều đó đã khiến cô hối hận về sau. Vì mục tiêu của chúng ta là giáo dục học trò chứ không phải đuổi học các em.

Và hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta cũng đã bỏ quy định đuổi học học sinh vi phạm kỷ luật; cũng không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường”, thầy Tùng Lâm cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, vấn đề đặt ra không chỉ là kỷ luật giáo viên như thế nào, mà cần phải quan tâm giúp đỡ cho học sinh để em không bị tổn thương về tâm lý, để em được quay trở lại học tập bình thường và đảm bảo sức khỏe tinh thần cho học sinh.

“Tôi cũng không đồng tình việc thầy Hiệu trưởng, giáo viên đều nhận định học sinh mắc lỗi, trong trường hợp này, học sinh có thể có thiếu sót và thầy cô phải chia sẻ giúp em rút kinh nghiệm. Nhưng cách ứng xử của cô giáo đã biến học sinh thành nạn nhân.

Là giáo viên, cần phải biết lắng nghe, chia sẻ, quan tâm học sinh, phải biết thấu cảm với các em, phải hướng tới mục đích giáo dục học sinh bằng tình thương, trách nhiệm thay vì áp đặt quyền lực lên học trò ”, Thầy Tùng Lâm khẳng định.

Cũng qua sự việc này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị, Đoàn Thanh niên cần có tiếng nói để bảo vệ đoàn viên, đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn công tác cán bộ đoàn hiệu quả, để đào tạo nên những cán bộ đoàn có bản lĩnh, có kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng mềm trong ứng xử, hành động.

Trường hợp này, Bí thư đoàn nên trình bày, chia sẻ với giáo viên về quan điểm, cách làm của mình. Các em học sinh cũng cần có kỹ năng ứng xử hợp lý, biết nêu lên quan điểm, tiếng nói của mình trước các tình huống xảy ra trong môi trường giáo dục.

Thầy cô có hành vi gây sức ép với học sinh thì môi trường giáo dục chưa tốt

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ: "Qua vụ việc này, tôi thấy sự bất lực rất rõ ràng trong cách xử lý của giáo viên. Là những người làm giáo dục, các thầy cô phải hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Khi sự kết nối giữa giáo viên và học sinh trở nên khó khăn, giáo viên sẽ cảm thấy áp lực trong việc truyền đạt kiến thức hoặc đưa ra các yêu cầu với học sinh.

Điều này khiến tôi cảm thấy thực sự lo ngại. Khi nhà trường với giáo viên vốn phải gần gũi nhất với trẻ lại không thể kết nối và có nhiều hành vi gây sức ép với học sinh thì chắc chắn môi trường giáo dục đó chưa tốt".

Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương. Ảnh: NVCC

Về việc Hiệu trưởng nhận định học sinh mắc lỗi khi mua bánh không đúng thống nhất với giáo viên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nói rằng, khi người thầy nhận định lỗi của học sinh như một lý do bao biện cho cô giáo, các học sinh sẽ lập tức mất đi niềm tin với thầy cô. Các em sẽ lập tức nhận thấy các em đang bị đẩy về phía phản diện. Theo phản ứng tâm lý, lập tức các em sẽ ức chế và tìm cách soi lỗi, moi móc tìm ra các sai lầm từ phía giáo viên, ngấm ngầm chống đối và bất hợp tác.

Như vậy, phương pháp xử lý của các thầy cô giáo khi xảy ra một vụ việc sẽ không chỉ là tìm cách vượt qua khó khăn mà có thể còn là cơ hội để họ truyền thông điệp cho trẻ. Thông điệp tốt đẹp thì không sao, thông điệp xấu hoặc dẫn đến hiểu nhầm thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động ngày 02/10, ông Nguyễn Duy Hiền - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đa Phúc cho biết, nhà trường sẽ đợi kết luận của cơ quan công an và đưa ra hình thức kỷ luật thích đáng với học sinh phát tán video lên mạng. [1]

Chia sẻ với Báo tuổi trẻ ngày 04/10, thầy Hiệu trưởng cho biết, nhà trường không xác minh các học sinh quay, chuyển cho người khác, nhà trường không có học sinh nào đăng video lên mạng. [2]

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, điều này cho thấy sự bất nhất trong việc chia sẻ thông tin và xử lý vụ việc Hiệu trưởng.

"Khi thầy cô giáo đã sai nhưng không nhận sai mà đổ lỗi cho người khác là hành động khó chấp nhận. Vì nhà giáo là những người tiếp xúc thường xuyên với học sinh, truyền các thông điệp cho học sinh. Nhưng qua cách xử lý này, thông điệp nhà trường muốn gửi gắm là gì? Tôi cảm nhận rằng nhà trường đang muốn "tốt khoe, xấu che" chứ không muốn sửa chữa sai lầm.

Với lứa học sinh tuổi teen, nếu người lớn có những hành vi lệch chuẩn thì các em sẽ có sự chống đối", cô Hương cho hay.

Chia sẻ về vụ việc này, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, khi sự việc chưa được xác minh rõ, chưa thể kết luận cụ thể mà chỉ có thể ghi nhận về mặt hiện tượng.

Cụ thể, về mặt hiện tượng là giáo viên này làm công tác chủ nhiệm, làm công tác tư vấn học đường, và dạy học môn Giáo dục công dân, có hiện tượng học sinh quỳ, hành vi cô túm áo học sinh. Căn cứ trên hiện tượng, có thể thấy cô giáo có ứng xử sư phạm chưa phù hợp trong tình huống này.

Có nhiều cách để ứng xử khi học trò thực hiện nhiệm vụ chưa đúng với thống nhất của giáo viên, trường hợp này là đặt một chiếc bánh sinh nhật.

Trong cuộc sống, độ vênh trong hành động là chuyện bình thường có thể xảy ra, trước tình huống đó, phải ứng xử như thế nào để đảm bảo được mục tiêu giáo dục và tính nhân văn là điều cần cân nhắc.

“Trường hợp này, giáo viên yêu cầu học sinh ra ngoài và hành vi học sinh quỳ dẫn tới một loạt phản ứng khác, nhưng chúng ta cũng chưa thể kết luận hành vi của giáo viên có phải bạo hành hay không. Song, rõ ràng, cô giáo đã có ứng xử chưa phù hợp.

Là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, làm công tác tham vấn tâm lý học đường, trong bối cảnh chúng ta xây dựng trường học hạnh phúc thì cô giáo nên xem lại hành vi ứng xử của mình.

Nếu học sinh có hành vi chưa phù hợp thì thầy cô có thể có những phương pháp giáo dục khác nhau, nhưng phải đảm bảo tính nhân văn, tính văn hóa, tính giáo dục trong nhà trường.

Cô giáo phụ trách công tác tư vấn tâm lý càng nên có những phương pháp xử lý mang tính tâm lý và nghiệp vụ cao hơn”, Tiến sĩ Hoàng Trung Học nêu quan điểm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/xem-xet-xu-ly-hoc-sinh-phat-tan-video-co-giao-tum-co-keo-le-hoc-sinh-1249288.ldo

[2] https://tuoitre.vn/khong-ky-luat-hoc-sinh-quay-video-co-giao-tum-ao-keo-le-nu-sinh-20231004000151965.htm

Thanh Ngân