Đây là một phương pháp học tập, được các bạn sinh viên của trường tiếp cận, nghiên cứu quốc tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Vào tháng 9/2019, nhóm nghiên cứu của BVU do Tiến sĩ Đặng Thị Hà – giảng viên chuyên ngành Công nghệ thực phẩm, khoa Công nghệ Kỹ thuật – Nông nghiệp công nghệ cao làm trưởng nhóm, cùng với sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa học, Công nghệ thực phẩm của BVU đã trở thành 1 trong 5 đối tác chính của dự án “Nghiên cứu hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường tại Việt Nam” (COMPOSE).
Đây là dự án nghiên cứu quốc tế, được tài trợ bởi các tổ chức: Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng hòa Pháp – IRD, Bộ Ngoại Giao Pháp và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - ICUN.
Nhóm sinh viên của BVU đang tham gia lấy mẫu tại khu vực vùng biển Quy Nhơn (ảnh: BVU) |
Mục tiêu của dự án là thiết lập mạng lưới các nhóm nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam, nhằm thu thập dữ liệu về nhựa được sử dụng trong đời sống, cũng như thải ra môi trường (nước, đất trong đất liền, trên biển).
Từ đó có thể đánh giá được mức độ ô nhiễm các dạng nhựa trong môi trường, cũng như các nguy cơ ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sức khỏe con người, để đưa ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa phù hợp.
Tham gia dự án, nhóm nghiên cứu của BVU được tài trợ 100% chi phí các khóa học, huấn luyện về ô nhiễm rác thải nhựa, phương pháp quan trắc và phân tích ô nhiễm môi trường, khóa huấn luyện công bố bài báo khoa học cùng với các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế trên thế giới.
Em Nguyễn Thị Hồng Thúy, ngành Công nghệ thực phẩm khóa 2016 – 2020 chia sẻ:
“Chúng em rất vui, tự hào vì được tham gia dự án của các tổ chức quốc tế. Trong dự án này, chúng em còn được làm việc với các nhà khoa học, sinh viên đến từ các trường đại học trong cả nước.
Đây thực sự là trải nghiệm vô cùng quý giá, khi chúng em được BVU tạo điều kiện tham gia dự án quốc tế ngay trong quá trình học tập tại nhà trường”.
Hơn thế, từ dự án này, BVU đã được tài trợ bộ thiết bị quan trắc, lấy mẫu và phân tích mẫu hiện đại gồm: Thiết bị lấy mẫu phytoplanton, máy đo lưu tốc, kính hiển vi điện tử soi nổi và máy tính, tổng trị giá gần 400 triệu đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận bộ thiết bị này, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 4 vị trí quan trắc để nghiên cứu ô nhiễm rác thải nhựa tại thành phố Vũng Tàu, bao gồm trầm tích (tại Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu) và nước mặt cửa sông Dinh.
Các mẫu thu về nhanh chóng được nhóm nghiên cứu phân tích tại phòng thí nghiệm, viết báo cáo thực trạng gửi dự án.
Báo cáo cùng với những phân tích cụ thể, về các giải pháp góp phần hạn chế thực trạng ô nhiễm môi trường biển Vũng Tàu, được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao. Việc tham gia dự án giúp cho các bạn sinh viên vừa tích lũy được kiến thức chuyên môn sâu, vừa trang bị được các kỹ năng cần thiết để tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.
“Tham gia dự án này, không chỉ sinh viên mà ngay cả giảng viên chúng tôi cũng cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào. Những nghiên cứu từ dự án này thực sự có tính thực tế rất cao trong cuộc sống. Với sự tài trợ bộ thiết bị từ dự án, chúng tôi mong muốn rằng, sinh viên BVU nói chung, và sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, ngành Công nghệ hóa học sẽ có nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng” – Tiến sĩ Đặng Thị Hà nói.